Sáng 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/6/2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 18/6/2009.
Sau 14 năm thi hành, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung. Trong đó có một số quy định không còn phù hợp hoặc đã bị bãi bỏ hoặc được quy định tại luật chuyên ngành khác; một số quy định không thể hiện được đặc thù của điện ảnh nên không khả thi; một số vấn đề mới phát sinh cần được bổ sung.
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được xây dựng với bố cục gồm 8 chương, 52 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 25 điều, quy định mới 27 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.
Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) phù hợp với 4 chính sách đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua, bao gồm: Tạo thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.
Thẩm tra dự án Luật, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)… để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Thường trực Ủy ban nêu một số vấn đề lớn trong sửa đổi Luật, trong đó nhấn mạnh cần khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”; bảo đảm phù hợp, đồng bộ, khả thi; bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội, huy động các nguồn lực phát triển ngành điện ảnh.
Về đối tượng áp dụng, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Ban soạn thảo làm rõ sự điều chỉnh của Luật đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ phổ biến phim đến khán giả tại Việt Nam trên không gian mạng có máy chủ đặt tại nước ngoài quy định tại Khoản 15 Điều 3.
Để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị bổ sung tại Tờ trình đề xuất bãi bỏ nội dung kinh doanh dịch vụ phát hành phim tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư; rà soát các quy định của dự thảo Luật liên quan đến các luật khác.
Bên cạnh đó, các Ủy viên UBTVQH nhấn mạnh mục tiêu sửa đổi phải tạo ra được hành lang pháp lý và chính sách đột phá, có tầm nhìn dài hạn để phát triển điện ảnh Việt Nam với tư cách vừa là một ngành văn hóa nghệ thuật, vừa là một ngành dịch vụ văn hóa, kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Qua đó tiếp tục thúc đẩy phát triển nền nghệ thuật điện ảnh Việt Nam, vừa tiên tiến, hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc và có uy tín với quốc tế, phải phục vụ tốt yêu cầu bảo vệ và đảm bảo quyền sáng tạo, quyền hưởng thụ giá trị văn hóa nghệ thuật của người dân và cộng đồng. Phải tạo được khuôn khổ pháp lý để điện ảnh thực hiện tốt chức năng giáo dục, bồi dưỡng nhận thức, tư tưởng, thẩm mỹ cho quần chúng nhân dân theo đường lối văn hóa nghệ thuật của Đảng.
Tại phiên họp, một số vấn đề liên quan đến chính sách của Nhà nước phát triển điện ảnh; thủ tục, cấp phép trong hoạt động điện ảnh; sản xuất, phát hành và phổ biến phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; lưu trữ phim... cũng được các đại biểu đề cập.
Nguồn: baochinhphu.vn