Hội nghị trực tuyến về thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức chiều 9/9 là dịp để Bộ VHTTDL, tỉnh Kiên Giang cùng ngồi lại để nghe các cơ quan chuyên môn đóng góp thêm về kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Đồng thời rà soát, trao đổi, thẳng thắn bàn thảo những vấn đề cần thiết để hoàn chỉnh kế hoạch báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi triển khai áp dụng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2020 là một sự dồn nén để năm 2021 khi đại dịch được khống chế sẽ tạo thành sức mạnh cho ngành Du lịch. Sức bật đó đã thể hiện trong du lịch nội địa, trong việc khởi động Năm Du lịch quốc gia tại Ninh Bình. Trong quý I/2021, ngành Du lịch đã có những dấu mốc hết sức quan trọng, đóng góp những giá trị thiết thực vào sự phát triển chung, góp phần tích cực cùng với cả nước hoàn thành nhiệm vụ kép. Những bước đi có tính chất chặt chẽ và đã đạt kết quả bước đầu. Tuy nhiên, sự vượt khó của toàn ngành lại tiếp tục gặp phải sự cản trở khi đại dịch COVID-19 với làn sóng thứ tư bùng phát trở lại với biến thể mới Delta đã làm khó du lịch từ tháng 4 tới nay, gây nhiều thiệt hại lớn.
Đón khách quốc tế phải có bước đi vững chắc
Với quyết tâm cao, với ý chí tự lực tự cường, khát vọng xây dựng đất nước ngày càng văn minh như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, từ năm 2020 đến đầu năm 2021, Bộ VHTTDL đã đề xuất, kiến tạo nhiều giải pháp thiết thực cho ngành Du lịch. Đó là đề nghị Chính phủ xây dựng các gói hỗ trợ đối với nhân lực ngành Du lịch nhằm giữ chân nhân sự, không tinh giản nguồn nhân lực, cố gắng duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ Hướng dẫn viên du lịch. Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cũng đã kiến nghị Chính phủ cho phép, nới lỏng các quy định, giảm thuế, điện, nước cho các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú… Bằng những hành động quyết liệt đó đã cho thấy cơ quan quản lý nhà nước luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt khó. Không chỉ có vậy, ngoài chính sách chung, Bộ VHTTDL, các địa phương cũng còn có nhiều chính sách khác nhằm giúp đỡ doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch giảm bớt khó khăn. Nhiều bài toán sáng tạo đã được triển khai vừa giúp chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế như cách ly tại khách sạn, cơ sở lưu trú... Đó là những minh chứng cho sự sáng tạo của các địa phương, sự vào cuộc kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ kép.
“Bộ VHTTDL đã nghĩ tới việc cơ cấu lại thị trường du lịch nội địa. Chúng ta phải đi bằng đôi chân vững chắc, cân bằng, đó là dựa trên lợi thế của 100 triệu dân, kêu gọi dân ta phải đi du lịch ở đất nước ta. Do đó, chúng ta phải phát huy những giá trị di sản văn hóa, di sản vật thể và phi vật thể, giới thiệu đến cả nước những miền quê đáng sống, những cuộc trải nghiệm để hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam. Chúng ta không chỉ thuần túy nghĩ về du lịch mà cần phải có hành động cụ thể, bước đi chắc chắn để vực dậy ngành Du lịch” – Bộ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, Bộ VHTTDL đã kiến nghị với Chính phủ cho phép thí điểm chọn một số địa bàn có tính chất đặc thù để mở cửa đón khách du lịch quốc tế nhằm phục hồi ngành. Đề xuất đó không phải là mới nhưng cũng không chậm vì cần phải có sự cân nhắc, tùy thuộc vào điều kiện nội lực. Trước mắt, chọn Phú Quốc (Kiên Giang) vì đây là nơi đã từng được vinh danh là điểm đến hàng đầu của du lịch thế giới, nơi lưu giữ vẻ đẹp của du khách quốc tế.
"Việc mở cửa đón khách quốc tế tới Phú Quốc không chỉ là mong đợi, khát vọng của Kiên Giang, của Bộ VHTTDL mà còn là của cả nước, là dấu ấn mang yếu tố chính trị. Đây là một bài toán khó, không phải dễ thực hiện. Nếu làm không tốt chúng ta có lỗi với cả nước. Do đó, cần phải có bước đi vững chắc", Bộ trưởng nói.
Tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Trùng Khánh nêu, trong giai đoạn thí điểm chỉ nên áp dụng đối với khách đi du lịch thông qua chương trình du lịch trọn gói do doanh nghiệp lữ hành tổ chức, không áp dụng đối với người nhập cảnh với mục đích khác. Du khách đến Phú Quốc phải đáp ứng các yêu cầu: đã tiêm đủ liều vaccine theo quy định và có giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 và có giấy xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19; xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ; đã đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành và có hợp đồng bảo hiểm y tế, bảo hiểm du lịch theo quy định.
Tổng cục trưởng TCDL nêu 10 tiêu chí để áp dụng thí điểm, trong đó nổi bật là: Ưu tiên lựa chọn thị trường khách du lịch quốc tế từ các quốc gia tiềm năng, an toàn; Xác định giới hạn một số khu, điểm du lịch tiêu biểu, thời gian dự kiến 6 tháng, lộ trình triển khai thí điểm được chia làm 2 giai đoạn; cần ban hành tiêu chí lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ; xây dựng quy trình đón, phục vụ khách đảm bảo an toàn; tiến hành truyền thông quảng bá du lịch Phú Quốc trước khi công bố áp dụng kế hoạch thí điểm và truyền thông song song khi công bố áp dụng thí điểm đón khách tới Phú Quốc…. “Tiến hành tiêm vắc xin, tổ chức khảo sát thực tế để đánh giá độ an toàn, đảm bảo công tác chuẩn bị, phương án đón khách của các đơn vị trước khi triển khai thí điểm. Trước khi công bố chính thức nên triển khai đón 1-3 đoàn bay thẳng đến Phú Quốc để thí điểm” – Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nêu.
Vắc xin – chìa khóa cho du lịch Phú Quốc
Về cơ sở vật chất cũng như khả năng đáp ứng các điều kiện đón khách quốc tế tại Phú Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho hay, thành phố Phú Quốc có vị trí địa lý và đặc điểm dân cư phù hợp để triển khai phương án miễn dịch cộng đồng ở phạm vi nhỏ, chỉ có khoảng 200.000 người đang sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, Phú Quốc vẫn đảm bảo sức chứa cũng như các điều kiện về cơ sở vật chất, dịch vụ để đón khách quốc tế. Đối với hạ tầng giao thông, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc có năng lực đón 2-3 triệu lượt khách quốc tế/năm, hiện nay có thể đáp ứng 7-8 chuyến hạ, cất cánh/giờ (4 chuyến quốc nội và 3-4 chuyến quốc tế). Đường bộ, Phú Quốc hiện nay đang có rất nhiều nhà xe, công ty cho thuê xe uy tín và xe chất lượng, phục vụ riêng cho khách du lịch quốc tế trong giai đoạn thí điểm, sẵn sàng phục vụ đón tiếp khách cho khoảng 5.000 - 10.000 khách du lịch.
Đặc biệt, hạ tầng du lịch, thành phố Phú Quốc có hơn 20.000 phòng lưu trú với 16 khách sạn 5 sao, 7 khách sạn 4 sao, 7 khách sạn 3 sao và nhiều cơ sở lưu trú quy mô lớn khác. Phú Quốc cũng có nhiều khu nghỉ dưỡng lớn, điểm tham quan, vui chơi giải trí quy mô lớn, đa dạng và biệt lập như Vinpearl, Sunworld, casino, chợ đêm, Safari, cáp treo, phố đi bộ, sân golf, nhất là Vingroup vừa đưa vào hoạt động Khu du lịch giải trí 24/7 Grand World.
Đối với hạ tầng y tế, bệnh viện Vinmec và Trung tâm y tế thành phố sẵn sàng tổ chức xét nghiệm cho hơn 200 khách du lịch/1 ngày và thực hiện điều trị cho các trường hợp khách du lịch dương tính với COVID-19. Hệ thống khách sạn cách ly y tế đảm bảo các điều kiện y tế, sẵn sàng phục vụ cách ly đối với các ca nghi nhiễm.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiện tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Phú Quốc mới đạt 35%. Để đáp ứng đủ điều kiện mở cửa đón khách quốc tế, Phú Quốc cần 250.000-300.000 liều 2 mũi để phủ rộng tỷ lệ tiêm vắc xin toàn dân.
"Khi tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân đạt 90% thì mới đảm bảo được sự an toàn cho người dân Phú Quốc cũng như du khách thực hiện kế hoạch đón khách quốc tế", Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình nói và bày tỏ mong muốn Bộ VHTTDL cùng phối hợp đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ gói vắc xin riêng cho Phú Quốc. Bên cạnh đó, Bộ giúp đỡ xây dựng chủ đề, nội dung tuyên truyền quảng bá du lịch Phú Quốc trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế, tại các thị trường đã chọn.
Phối hợp để thành công vì mục tiêu chung
"Bộ VHTTDL là đơn vị đề xuất, hỗ trợ xây dựng kế hoạch… Kiên Giang là đơn vị chủ trì, thực hiện. Để mở cửa thị trường quốc tế, chúng ta cần thực hiện nghiêm chính sách của Chính phủ. TP. Phú Quốc đã thực hiện rất tốt vì chỉ có 5 F0 và đã khỏi bệnh. Như vậy có thể thấy, Phú Quốc là thành phố xanh, an toàn. Đây là yếu tố tiên quyết để thu hút du khách", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Để kế hoạch triển khai thắng lợi, Phú Quốc phải chuẩn bị chu đáo những điều kiện cần và đủ. Vì mục tiêu chung, Bộ VHTTDL sẽ có văn bản đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế xin gói vắc xin riêng dành cho Phú Quốc nhằm tạo điều kiện cho Phú Quốc đạt được tỷ lệ 90% người dân được tiêm phòng đủ 2 mũi trước khi mở cửa đón khách quốc tế.
Bên cạnh vấn đề vắc xin, vấn đề công nghệ cũng phải được tuân thủ triệt để để quản lý, giám sát hoạt động đón khách trong thời gian thí điểm. Bộ VHTTDL sẽ hỗ trợ Phú Quốc tập huấn và chuyển giao ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành đảm bảo đón và phục vụ khách tốt nhất. Đối với việc lựa chọn đơn vị đón khách quốc tế, Bộ trưởng gợi ý Phú Quốc nên dựa vào các doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn. Đề xuất họ chủ động tham mưu kế hoạch đón khách và yêu cầu họ ký cam kết rõ ràng.
“Bộ VHTTDL sẽ đồng hành cùng Phú Quốc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch này. Việc triển khai kế hoạch không cầu toàn, phải thường xuyên trao đổi để phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả. Bộ VHTTDL sẽ đồng hành cùng với Kiên Giang vì mục tiêu chung để hoàn thành được kế hoạch đã đặt ra nhằm khởi động lại hoạt động du lịch quốc tế sau những ngày dài phải đóng cửavì đại dịch” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đoàn Hoa