Hội thảo gồm hai cuộc thảo luận về Thành phố sinh thái (Eco2 Cities) và Tăng trưởng xanh hòa nhập: Con đường tới phát triển bền vững. Trong thời gian qua, WB đã triển khai chương trình Thành phố sinh thái và Việt Nam là một trong số các quốc gia đầu tiên hợp tác với chương trình này. Chương trình Thành phố sinh thái hỗ trợ các khu đô thị và trung tâm cấp vùng trong việc lập kế hoạch, quản lý và điều hành hệ thống đô thị bền vững, tổng hợp, đa chức năng và có lợi trong tương lai lâu dài. Tại Việt Nam, việc phát triển đô thị nhanh chóng do kinh tế phát triển đã và đang thay đổi bộ mặt đô thị, và đây là cơ hội tốt để Việt Nam cải thiện chất lượng sống, và phát triển đô thị vừa hòa nhập về mặt xã hội và bền vững.
Thông điệp của cuộc thảo luận về Tăng trưởng xanh hòa nhập: Con đường tới phát triển bền vững cho rằng Chính phủ cần đi theo tư duy xanh khi theo đuổi các chính sách tăng trưởng để có thể bảo đảm tính hòa nhập, hiệu quả, phù hợp cả về khả năng kinh tế và trên hết là cần thiết để duy trì nền kinh tế phát triển một cách bền vững. Việc xác định giá trị của đất đai canh tác, khoáng sản, sông ngòi, các đại dương, cánh rừng và đa dạng sinh học đồng thời với việc trao quyền sở hữu, sẽ tạo ra động cơ đủ mạnh để khuyến khích các chính phủ, các Bộ, Ngành và mỗi cá nhân quản lý những tài nguyên đó một cách hiệu quả, bền vững hơn.
Hà Nội xanh. Ảnh: Nguyễn Chí Công
Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP), kinh tế xanh là một trong những biện pháp giúp nâng cao đời sống của con người và thúc đẩy công bằng xã hội, trong khi làm giảm thiểu đáng kể rủi ro cho môi trường và cạn kiệt tài nguyên. Sáng kiến kinh tế xanh của UNEP được đưa ra vào cuối năm 2008, nhằm mục tiêu chính là cung cấp các phân tích và hỗ trợ về xây dựng chính sách đầu tư phát triển các lĩnh vực xanh cũng như chính sách giúp xanh hóa nền kinh tế. Nền kinh tế xanh đặc trưng bởi mức tăng đáng kể đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế, chú trọng xây dựng và bảo tồn các nguồn vốn tự nhiên của Trái Đất hoặc giảm thiểu các rủi ro môi trường và cạn kiệt tài nguyên. Những lĩnh vực này bao gồm năng lượng tái tạo, các phương tiện giao thông, các tòa nhà thân thiện với môi trường, công nghệ sạch, cải thiện phương pháp xử lý chất thải, cung cấp nước sạch, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản bền vững. Những khoản đầu tư này được thực hiện dưới sự hỗ trợ, thúc đẩy của việc cải cách chính sách quốc gia và phát triển hệ thống chính sách quốc tế cũng như cơ sở hạ tầng. Sáng kiến kinh tế xanh sẽ phân tích, đánh giá xem làm cách nào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ sạch và nông nghiệp bền vững... lại có thể góp phần vào tăng trưởng kinh tế, tạo ra công ăn việc làm, công bằng xã hội và xóa đói giảm nghèo trong khi giải quyết những thách thức khí hậu và sinh thái.
PV