Tăng cường phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Trung Đông và Áo thúc đẩy thị trường khách
Đánh giá cao sự quan tâm, hợp tác của Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đối với ngành Du lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, Tổng cục Du lịch luôn nhận được sự hỗ trợ, hợp tác của các Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá Du lịch Việt Nam tại nước ngoài, tổ chức roadshow, tham dự hội chợ du lịch quốc tế, kết nối các đối tác, doanh nghiệp… Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đồng thời thông tin tới các Đại sứ tổng quan tình hình và những thành tựu đạt được của Du lịch Việt Nam những năm gần đây, những hạn chế về hợp tác, xúc tiến, trao đổi khách… đối với riêng các thị trường Trung Đông và Áo. Qua đó, mong muốn tiếp tục phát huy truyền thống hợp tác giữa hai ngành Ngoại giao - Du lịch trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá tại các thị trường quốc tế nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và khách các thị trường Trung Đông và Áo nói riêng trong tương lai.
Đối với thị trường Trung Đông, Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 đánh giá đây là thị trường du lịch hết sức tiềm năng của Việt Nam. Trung Đông, đặc biệt là 3 nước vùng vịnh (Qatar, UAE, Kuwait) được nhận định là thị trường khách có mức chi tiêu cao, rất thích mua sắm và ẩm thực. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), năm 2018, chi tiêu du lịch quốc tế của UAE đứng thứ 22 trên thế giới (đạt 18 tỷ USD), Kuwait đứng thứ 25 (đạt 14,3 tỷ USD), Qatar đứng thứ 37 (đạt 9,3 tỷ USD). Trung Đông, đặc biệt là UAE, Qatar hiện là trung tâm trung chuyển khách của khu vực và thế giới, có nhiều nhà đầu tư lớn đầu tư vào các dự án quy mô đồ sộ. Xâm nhập vào thị trường Trung Đông sẽ tạo cơ hội cho Du lịch Việt Nam tiếp cận với thị trường du lịch hồi giáo rộng lớn ở Nam Á và Tây Á.
Thời gian qua, Việt Nam chủ yếu hợp tác với UAE, Qatar, Kuwait thông qua cơ chế đa phương UNWTO, chưa ký kết văn bản hợp tác trong lĩnh vực du lịch. Năm 2018, Tổng cục Du lịch đã tổ chức đón đoàn doanh nghiệp, báo chí từ thị trường Qatar đến Việt Nam. Về trao đổi khách, năm 2019, Việt Nam đón 1.119 lượt khách UAE đến Việt Nam (tăng 14,3% so với năm 2018); 433 lượt khách Qatar đến Việt Nam (tăng 8% so với năm 2018). Mặc dù khách từ các nước UAE, Qatar, Kuwait đến Việt Nam còn ít nhưng Du lịch Việt Nam quan tâm thu hút khách và đầu tư từ thị trường này.
Đối với thị trường Áo, đây là thị trường khách được đánh giá nhiều tiềm năng phát triển đối với Du lịch Việt Nam, có thế mạnh về du lịch nông thôn, nghỉ dưỡng núi. Dân số Áo chỉ khoảng gần 9 triệu người nhưng thu nhập bình quân đầu người thuộc tốp cao trên thế giới. Áo đứng thứ 28 trong số các nước có chi tiêu du lịch quốc tế cao nhất thế giới (đạt 12 tỷ USD năm 2018). Tuy Việt Nam và Áo đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực du lịch từ năm 2012, nhưng hai nước chưa triển khai được nhiều hoạt động hợp tác cụ thể trong lĩnh vực du lịch trong thời gian qua. Tháng 6/2018, Tổng cục Du lịch đã chủ trì, phối hợp với Vietnam Airlines tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại thủ đô Vienna của Áo, trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động xúc tiến, quảng bá tại châu Âu. Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch kỳ vọng thúc đẩy các cơ hội hợp tác hai bên thông qua đào tạo, trao đổi chuyên gia, khảo sát thực tế học tập các mô hình du lịch nông thôn…
Tại buổi làm việc, các Đại sứ cho rằng thị trường Trung Đông đã có thuận lợi với đường bay thẳng giữa Việt Nam và UAE, Qatar. Tuy nhiên, thị trường khách này có đặc thù tôn giáo, văn hóa, ẩm thực riêng, do đó cần có chương trình xúc tiến phù hợp dành riêng cho cộng đồng Hồi giáo bằng ngôn ngữ Ả rập. Các Đại sứ quán Việt Nam tại các nước Trung Đông sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp với Tổng cục Du lịch trong các hoạt động giới thiệu Du lịch Việt Nam tại thị trường Trung Đông. Các Đại sứ cũng đề nghị Tổng cục Du lịch cử đầu mối giữ liên lạc, thông tin chặt chẽ với các Đại sứ quán, thông báo sớm các lịch hội chợ, sự kiện tại Việt Nam, có đề xuất cụ thể để Đại sứ quán hỗ trợ kết nối các đối tác, doanh nghiệp, hãng thông tấn báo chí tại thị trường sở tại đến Việt Nam khảo sát cơ hội đầu tư, sản phẩm du lịch và tuyên truyền về Du lịch Việt Nam tới các nước Trung Đông trong thời gian tới, khi du lịch quốc tế được mở trở lại.
Nhân dịp này, phía đại diện Bộ Ngoại giao cũng đề xuất Tổng cục Du lịch cùng phối hợp tổ chức hội thảo về du lịch trong khuôn khổ sự kiện Franconomics do Bộ Ngoại giao phối hợp với Cộng đồng Pháp ngữ tổ chức, dự kiến trong tháng 10/2020.
Hạ Tinh