Phát biểu tại tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hương đã thông tin về tình hình phát triển Du lịch Việt Nam những năm gần đây, về lượng khách cũng như các chính sách phát triển của Du lịch Việt Nam, trong đó có chính sách thị thực cho khách nước ngoài đến Việt Nam. Việt Nam hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế; 25.000 hướng dẫn viên (HDV) quốc tế, trong đó có khoảng 300 HDV tiếng Hàn Quốc - Triều Tiên; cơ sở lưu trú và hàng không phát triển mạnh; lực lượng lao động phục vụ trong ngành Du lịch lên đến 2,5 triệu người, trong đó có 800.000 lao động trực tiếp. Việt Nam là thị trường khách quan trọng của Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực ASEAN.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương nhận định: Đối với người Việt Nam, đất nước Triều Tiên rất gần gũi; tuy nhiên do khoảng cách địa lý còn xa, phương tiện giao thông còn chưa thuận tiện, nên lượng khách từ Việt Nam đến Triều Tiên cũng chưa được nhiều. Năm 2018 có khoảng gần 200 lượt khách du lịch Việt Nam sang Triều Tiên; riêng 6 tháng đầu năm 2019 con số này đạt hơn 300 lượt khách. Cùng với sự quan tâm rất lớn của doanh nghiệp du lịch Việt Nam đối với Triều Tiên, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương hy vọng với sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước sắp tới sẽ có thêm nhiều người Việt Nam đi du lịch Triều Tiên và ngược lại.
Giới thiệu về Du lịch Triều Tiên, Phó Tổng cục trưởng TCDL Triều Tiên Ri Ung Chol cho biết: Tổng cục Du lịch Triều Tiên được thành lập từ năm 1953, nhưng cho đến cuối năm 1980 ngành Du lịch Triều Tiên mới bắt đầu được đầu tư phát triển mạnh. Triều Tiên đã có chính sách phát triển các điểm đến du lịch và cơ sở hạ tầng phục vụ đón khách du lịch, tuy nhiên nhiều lý do liên quan đến kinh tế - chính trị đã kìm hãm sự phát triển của ngành Du lịch Triều Tiên thời gian qua. Để phát triển du lịch một cách bùng nổ, Triều Tiên đã có những chính sách cụ thể phát triển các khu du lịch phức hợp từ năm 2003; thành lập Trường Đại học Du lịch; có chính sách đào tạo, tập huấn cho các HDV, chủ doanh nghiệp, cơ sở lưu trú để chuẩn bị đón khách quốc tế… Hiện thủ đô Bình Nhưỡng có 13 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trên cả nước có 30 công ty du lịch quốc tế có thể đón khách du lịch vào Triều Tiên. Hàng năm, Triều Tiên có các lễ hội, cuộc thi marathon quốc tế vào tháng 4, chương trình đồng diễn tập thể nổi tiếng vào tháng 10…, bên cạnh đó có nhiều địa danh du lịch độc đáo như núi Kim Cương, núi Bạch Đầu, khám phá cung đường UNESCO...
Theo đại diện doanh nghiệp du lịch Triều Tiên, hiện các tour đến Triều Tiên thông thường là 3 ngày 4 đêm, dài hơn là 8 ngày 7 đêm, cũng có trường hợp kéo dài tới 13 - 14 ngày. Trong đó, lượng khách đến Triều Tiên chủ yếu là khách Trung Quốc, những năm gần đây đón thêm khách Nhật Bản, Đông Nam Á… Riêng Việt Nam được đánh giá là thị trường khách có bước phát triển tích cực của Triều Tiên những năm gần đây. Hiện tại, khách Việt Nam đến Triều Tiên chủ yếu thông qua hành trình Hà Nội - Bắc Kinh - Bình Nhưỡng.
Liên quan đến vấn đề đưa khách Việt Nam sang Triều Tiên, đại diện doanh nghiệp Triều Tiên chia sẻ, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự kết nối với các doanh nghiệp Triều Tiên, chủ yếu là khách đoàn vì việc xin thị thực cho đối tượng khách lẻ còn khó khăn. Doanh nghiệp Triều Tiên sẽ đăng ký xin thị thực và cấp phép cho đi du lịch thông qua hành trình của doanh nghiệp Việt Nam cung cấp trước ngày khởi hành khoảng 10 ngày, sau đó chuyển thông tin cho đại diện lâm thời Đại sứ quán Triều Tiên tại Việt Nam để cấp thị thực cho các doanh nghiệp. Triều Tiên cũng có nhiều chính sách hỗ trợ các chuyến bay charter (chuyến bay thuê nguyên chuyến) từ Đông Nam Á tới Triều Tiên, trong đó có Việt Nam; hiện tại mong muốn xúc tiến các chuyến charter từ Hà Nội tới Bình Nhưỡng nhằm tăng lượng khách trao đổi giữa hai nước.
Tại tọa đàm, gần 20 doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm tới thị trường Triều Tiên và đưa ra nhiều đề xuất đối với phía Triều Tiên như: hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tổ chức các đoàn famtrip tới Triều Tiên nhằm khảo sát, nắm bắt thông tin các điểm đến và xây dựng, chào bán sản phẩm; có chính sách ưu đãi giảm giá dịch vụ, rút ngắn thời gian làm visa... cho du khách Việt Nam. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng cần xây dựng và thông tin về sản phẩm cụ thể hơn về điểm đến, khách sạn, ăn uống, vận chuyển... để các doanh nghiệp du lịch Việt Nam giới thiệu tới du khách; đặc biệt là nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tổ chức các chuyến bay charter tới Triều Tiên.
Nhân dịp này, TCDL Triều Tiên và TCDL Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai bên trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Đây là nền tảng, cơ sở để thúc đẩy hoạt động hợp tác phát triển du lịch giữa Việt Nam - Triều Tiên trong thời gian tới, tập trung một số nội dung: (1) tăng cường trao đổi đoàn khách, tìm hiểu các chính sách, tài nguyên, dịch vụ du lịch, tham gia các sự kiện du lịch của mỗi nước; (2) thúc đẩy trao đổi thông tin, kinh nghiệm về du lịch; tăng cường trao đổi triển khai chuyến bay charter giữa hai nước càng sớm càng tốt; (3) tăng cường hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; (4) tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch giữa hai nước; (5) tăng cường thu hút đầu tư phát triển các cơ sở phục vụ du lịch; (6) tăng cường thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên trong hợp tác kinh doanh, tạo điều kiện khai thác một cách hiệu quả nhất trao đổi khách giữa hai nước.
Trước tọa đàm, Tổng cục trưởng TCDL Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đã có buổi tiếp thân mật Phó Tổng cục trưởng TCDL Triều Tiên Ri Ung Chol. Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đã thông tin tình hình Du lịch Việt Nam đạt được năm 2018, mục tiêu năm 2019 và khẳng định TCDL Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác với TCDL Triều Tiên; đồng thời, kỳ vọng sau chuyến thăm của Phó Tổng cục trưởng Ri Ung Chol, hai nước sẽ phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hợp tác hơn nữa.
|
Hạ Tinh