Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Thành Đông cho biết: Thời gian qua, Ninh Bình đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách về phát triển du lịch, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giới thiệu sản phẩm du lịch tới du khách trong nước và quốc tế. Năm 2016, Ninh Bình đón 6,44 triệu lượt khách, trong đó gần 800 nghìn lượt khách quốc tế, doanh thu đạt gần 1.800 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2017, Ninh Bình đón 6,1 triệu lượt khách, trong đó có 700 nghìn lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 2.100 tỷ đồng. Khách du lịch nói chung tăng 10%, khách quốc tế tăng 20% và doanh thu tăng 41,2% so với năm 2016.
Ninh Bình nằm phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, với hơn 800 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có gần 80 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 114 lễ hội truyền thống và nhiều hội làng mang đậm chất dân gian… được đánh giá là có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch mang tầm cỡ quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh đã có nhiều chính sách thiết thực, ưu đãi để đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, hiệu quả và bền vững.
Nhằm tiếp tục phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ninh Bình tiếp tục tham gia các chương trình xúc tiến, triển lãm hội chợ trong nước; tổ chức các đoàn famtrip và presstrip tham quan khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch Ninh Bình, góp phần đưa Du lịch Ninh Bình trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia du lịch, cơ quan báo chí đã đánh giá những giá trị, tiềm năng lợi thế và thực trạng phát triển của Du lịch Ninh Bình. Theo đó, các điểm di tích, danh lam thắng cảnh ở Ninh Bình đều có sức hấp dẫn du khách với ý nghĩa lịch sử và cảnh quan thiên nhiên vô cùng đa dạng và phong phú; tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, hạn chế trong hoạt động du lịch. Vì vậy, Ninh Bình cần trao đổi kinh nghiệm về công tác tổ chức tour với những địa phương có kinh nghiệm và tổ chức hiệu quả để rút kinh nghiệm và phát triển tốt hơn trong thời gian tới; các doanh nghiệp du lịch Ninh Bình cần mạnh dạn phát triển các tour ghép đoàn hàng ngày để các hãng lữ hành thuận tiện cho việc gửi khách lẻ; cần điều chỉnh giá vé tham quan và có cơ chế riêng về giá vé đối với các hãng lữ hành…
Trước đó, đoàn famtrip đã khảo sát một số điểm đến tại Ninh Bình như: chùa Bái Đính, Khu di tích lịch sử, kiến trúc đặc biệt cấp quốc gia cố đô Hoa Lư - Tuyệt Tịnh Cốc, tuyến 2 Khu du lịch sinh thái Tràng An, nhà thờ đá Phát Diệm, làng nghề cói Kim Sơn, Khu du lịch sinh thái vườn chim Thung Nham và một số khách sạn tại TP. Ninh Bình... nhằm phát triển sản phẩm du lịch và tăng cường công tác quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế, với sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế và cơ quan truyền thông báo chí.
MT