Thi nhau “đánh cắp” nhũ đá
Trong vai du khách muốn tham quan các hang động trên vịnh không theo các tuyến, các tàu du lịch… chúng tôi phải thuyết phục rất lâu mới được bác Tr. V. H, một lái tàu có thâm niên đi biển vài chục năm đồng ý đưa ra vịnh.
Chiếc tàu thu mua hải sản tuy khá nhỏ nhưng do biển khá lặng cùng với kinh nghiệm vốn có, chỉ hơn 1 giờ đồng hồ bác H đã đưa chúng tôi tới hang Trinh Nữ. Leo qua vách đá dựng đứng, men theo một lối nhỏ chúng tôi vào trong lòng hang. Nhờ ánh sát hắt từ trên vòm hang, chúng tôi thấy rất nhiều cột nhũ bị mất phần đầu, phần còn lại bằng chằn chặn hệt như có người dùng cưa cắt đi vậy. Đâu đó trong hang vẫn còn những mẩu nhũ nhỏ còn sót lại.
Rời khỏi hang Trinh Nữ, bác H đưa chúng tôi đến hang Cặp La, nơi theo một số ngư dân bật mí cho chúng tôi vốn là địa điểm nhũ đá bị tàn phá nhiều nhất. Khi còn cách hang khoảng gần 200m, bác H thong thả tháo chiếc mủng treo sát mạn tàu thả xuống nước và bảo chúng tôi phải tự chèo vào hang vì tàu không thể cặp vào do mắc cạn.
Chiếc mủng chòng chành, loay mất 20 phút chúng tôi mới vào đến lối lên hang. Do được cảnh báo từ trước về việc hang động này không nằm trong tuyến du lịch nên đường vào khá khó khăn, trong khi miệng hang nằm trên cao nên chúng tôi đã chuẩn bị sẵn đèn pin cùng dây thừng.
Men theo vách đá cheo leo, ì ạch bò theo từng phiến đá cuối cùng chúng tôi cũng lên đến miệng hang. Sau đó phải thêm 5 phút loay hoay gạt những đám cây dại chúng tôi mới vào được phía trong. Hang tối om, một không khí lạnh bao phủ và từ đây chúng tôi lại tiếp tục tụt xuống phía dưới khoảng hơn 2m.
Theo ánh sáng le lói từ một vài khe đá cùng ánh đèn pin quét, chúng tôi ngỡ ngàng bởi nơi đây ngổn ngang những mảnh nhũ bị vỡ nát, trên vòm hang, hàng loạt những cột nhũ bằng phẳng hệt như được ai đó dùng cưa cắt và chỉ còn trơ lại phần đá nhẵn thín. Thậm chí có cột nhũ còn xuất hiện những giọt nhũ mới mọc ngay trên phần nhũ đã mất.
Bán cho cơ sở làm hòn non bộ với giá trên trời
Ông H.T.Q, một ngư dân bám biển đã nhiều năm, thường xuyên đi qua khu vực hang này đánh cá cho biết, hiện tượng nhũ đá bị mất chính là do con người khai thác, dùng cưa cắt…Cũng theo ông Q, không chỉ hang Trinh Nữ, Cặp La mà còn nhiều hang động khác trên vịnh cũng cùng chung số phận.
Theo một số ngư dân ở phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, việc lấy nhũ đá diễn ra nhiều năm nay. Trước đây khi vào hang một số người thấy nhũ có nhiều hình thù sinh động thì lấy về để gắn vào hòn non bộ trên sân thượng hoặc cho vào bể cá. Nhưng sau này nhiều người có thú chơi, thích đắp những hòn non bộ to trong sân, vườn nên một số người đã tìm đến những hang động mới, ít người đến, không nằm trong tuyến du lịch để cắt nhũ đem về bán kiếm lời.
Một lãnh đạo Hợp tác xã làng chài du lịch trên vịnh cho biết, nhũ đá phải hàng trăm năm mới hình thành, tạo nên sự độc đáo trong hang động nên vô cùng quí. “Việc người dân tự do đập phá là không thể chấp nhận được. Cần phải có biện pháp ngăn chặn và bảo vệ ”, vị này nói.
Còn theo tìm hiểu của phóng viên Dân Trí, việc làm hòn non bộ có gắn thêm nhũ đá rất kỳ công. Vì vậy khách buộc phải đặt cọc tiền để người làm tìm mua nhũ đá. Một người chuyên làm hòn non bộ ở TP Hạ Long cho biết, nhũ đá do khó lấy và nguy hiểm nên giá cả cũng khá cao. Nhũ nhỏ thì vài triệu nhưng lớn thì vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu nếu óng ánh như kim tuyến.
Trao đổi với phóng viên Dân Trí lúc sáng nay (15/11), ông Hoàng Quang Hải, Phó chủ tịch UBND TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết, bản thân ông không biết, cũng như chưa nhận được bất cứ phản ánh nào của người dân về tình trạng nhũ đá trong hang bị tàn phá. “Tuy nhiên thành phố sẽ lập tức cử đoàn kiểm tra tình trạng trên và có hướng xử lý cụ thể nếu có”, ông Hải nói.
Nguồn: Dantri.com.vn