Hà Giang - vùng đất cực Bắc của Tổ quốc luôn hấp dẫn du khách bởi sự hùng vĩ của cao nguyên đá Đồng Văn; của những con đường, đèo, dốc uốn lượn bên sườn núi; nét đẹp văn hóa, phong tục, tập quán lễ hội, ẩm thực của cộng đồng các dân tộc vẫn được bảo tồn, lưu giữ. Bên cạnh đó, Hà Giang cũng hấp dẫn, thu hút du khách gần xa lên khám phá, trải nghiệm sự rực rỡ sắc màu của hoa tam giác mạch.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Nguyễn Văn Chinh, bên cạnh tôn vinh những giá trị đặc sắc, lế hội đồng thời khai thác tiềm năng du lịch sẵn có, phát huy hiệu quả giá trị di sản, danh thắng cũng như tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện Đồng Văn đến du khách trong nước và quốc tế. Để chuẩn bị cho lễ hội, huyện Đồng Văn đã xây dựng, triển khai kế hoạch phối hợp, tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ của lễ hội.
Để chuẩn bị cho lễ hội, huyện Đồng Văn đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan trong công tác quy hoạch trồng hoa tam giác mạch trên 10 xã, thị trấn của huyện Đồng Văn, chọn giống hoa và đảm bảo thời gian hoa nở kéo dài từ đầu tháng 10 đến tháng 12/2022. Lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn tại các điểm trồng hoa tam giác mạch như: tổ chức các điểm ngắm hoa, trình diễn giao lưu văn nghệ dân gian và các trò chơi dân gian truyền thống như hát dân ca, thổi sáo, múa khèn, đập bóng, đánh yến, đánh đu… Ngoài ra, trong khuôn khổ của lễ hội cũng tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật mang chủ đề “Chợ trên đá” của nhiếp ảnh gia Trần Cao Bảo Long với những hình ảnh phản ánh khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống của các dân tộc huyện Đồng Văn và các hoạt động tại chợ phiên Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn; trưng bày hoa tam giác mạch; trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch, nông sản, ẩm thực và dược liệu địa phương; trình diễn và trải nghiệm các công đoạn dệt lanh, thêu tay trang phục truyền thống; chế tác vật dụng sinh hoạt và các nhạc cụ truyền thống; hội thi ẩm thực địa phương tại sân chợ Phố cổ Đồng Văn; giới thiệu về hoạt động của các làng văn hóa du lịch tiêu biểu...
Các phòng, ban chuyên môn, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện Đồng Văn đã có sự phối hợp kiểm tra, đôn đốc về công tác tổ chức, thực hiện các vấn đề liên quan. Nổi bật là việc chỉ đạo Ban quản lý di tích và danh thắng làm tốt công tác hướng dẫn và đón tiếp khách, đảm bảo mỹ quan, vệ sinh môi trường tại các khu di tích, điểm danh thắng; tổ chức kiểm tra chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch phục vụ lễ hội; rà soát, thống kê hệ thống biển chỉ dẫn, bảng thuyết minh, giới thiệu, trưng bày các sản phẩm, tư liệu hiện vật tại các điểm du lịch, làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn; chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, con người trong tổ chức các hoạt động trình diễn và trải nghiệm các công đoạn dệt lanh; chế tác vật dụng sinh hoạt và nhạc cụ truyền thống, nghệ thuật thêu tay truyền thống dân tộc Lô Lô.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Giang Lại Quốc Tĩnh cho hay, để chuẩn bị cho sự kiện này, các doanh nghiệp du lịch Hà Giang sẽ chú trọng về việc nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp đối với đội ngũ ở tất cả các bộ phận của các đơn vị lưu trú, lữ hành, các điểm đến của Hà Giang nói chung và Đồng Văn nói riêng. Đến nay, Hà Giang đã triển khai công tác rà soát, chỉnh sửa, nâng cấp trang thiết bị nhằm phục vụ du khách trước và sau lễ hội cũng như trong cả quá trình kinh doanh một cách tốt nhất.
Tuấn Hải