Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt nhận định trong thời gian gần đây, nhiều địa phương đã nỗ lực, chủ động, tích cực triển khai các chương trình, nội dung tái khởi động du lịch, trong đó cũng có một số địa phương chủ động tích cực tổ chức đón du khách quốc tế tại các sân bay của địa phương mình trong khi chờ thí điểm đón khách quốc tế tại Phú Quốc, Kiên Giang. Đó là sự chủ động, năng động của các địa phương và cũng là một phần trách nhiệm của ngành, của lĩnh vực vì mục tiêu phòng chống dịch COVID-19 và mở cửa phát triển kinh tế.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh việc khôi phục du lịch nội địa là hết sức quan trọng và đặc biệt ý nghĩa với các doanh nghiệp, và tiêu chí tiên quyết là đảm bảo an toàn. Lộ trình mở cửa cần thực hiện theo từng giai đoạn từ du lịch nội tỉnh, du lịch nội địa đến du lịch quốc tế.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, các địa phương phải chuẩn bị tái khởi động du lịch, thực hiện lộ trình mở cửa an toàn. Thống nhất khôi phục lại hoạt động du lịch với phương châm “an toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn”; Khôi phục lại hoạt động du lịch tại các khu vực có nguy cơ thấp “cấp 1- điểm đến an toàn”, tiến tới “kết nối các điểm đến an toàn cho du lịch”, với lộ trình phù hợp, từng bước chắc chắn, có kiểm soát trong điều kiện thích ứng chủ động, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19...
Theo báo cáo, từ tháng 10/2021, các địa phương khởi động du lịch bằng đón khách nội tỉnh để đánh giá hiệu quả, quy trình đảm bảo an toàn; đồng thời tổ chức tập huấn các quy định, biện pháp an toàn phòng chống dịch COVID-19, quy trình đón và phục vụ khách, các phương án, nguồn lực dự phòng cho các sự cố, rủi ro. Trên cơ sở đó, từ tháng 11/2021, các địa phương xây dựng điểm đến an toàn và kết nối các địa điểm này để đón khách nội địa từ các địa phương đã kiểm soát được dịch COVID-19 gắn với quy trình phòng chống dịch an toàn, bảo đảm sự linh hoạt, thuận lợi cho khách du lịch.
Về đón khách quốc tế, sau giai đoạn thí điểm tại Phú Quốc, dự kiến trong nửa đầu năm 2022, hoạt động đón khách quốc tế sẽ được mở rộng tới một số điểm đến khác đáp ứng yêu cầu như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng).
Tổng cục Du lịch đề nghị mỗi địa phương cần tập trung chỉ đạo nhất quán từ lãnh đạo cao nhất đến các cấp cơ sở về việc tái khởi động du lịch; đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền các cấp và các ban ngành liên quan như: y tế, giao thông, công an… để đảm bảo an toàn phòng chống dịch và quy trình đón khách an toàn tại điểm đến...
Tại hội nghị, nhiều địa phương đã chia sẻ những khó khăn trong việc tái khởi động du lịch như về việc triển khai tiêm vaccine cho lao động ngành du lịch; chưa thống nhất trong các tiêu chí đón khách, điều kiện đi lại; chính sách kiểm dịch của mỗi địa phương còn nhiều khác biệt... dẫn đến sự hạn chế đón khách qua lại giữa các địa phương.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết kế hoạch phục hồi du lịch của Đà Nẵng gặp khó khăn vì quy định đi lại, cách ly khác nhau giữa các địa phương. Để kết nối các vùng xanh và thúc đẩy du lịch nội địa rất cần có sự thống nhất của các tỉnh.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hoà Nguyễn Thị Lệ Thanh, tỉnh đã thí điểm chia ra các giai đoạn đón khách để đánh giá với tiêu chí an toàn là trên hết. Với việc từng bước thực hiện lộ trình đón khách du lịch trong trạng thái bình thường mới, ngành du lịch Khánh Hoà xác định tập trung ưu tiên kích cầu thu hút nguồn khách trong nội tỉnh, kết hợp với việc truyền thông quảng bá, tung ra các gói sản phẩm dịch vụ... Về phương án thí điểm đón khách quốc tế, tỉnh Khánh Hoà kỳ vọng vào việc đón khách quốc tế dự kiến vào cuối năm 2021.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Đặng Đông Hà cho biết, Sở đã ban hành các chiến lược, xây dựng kế hoạch cụ thể về phục hồidu lịch, đảm bảo nguồn nhân lực... Trong đó, Sở Du lịch Quảng Bình đề xuất Bộ VHTTDL, TCDL phối hợp với Bộ Y tế ban hành bộ tiêu chí an toàn trong cả nước, tạo luồng xanh du lịch trên cơ sở thống nhất giữa ngành y tế và ngành du lịch để du khách đi lại giữa các khu vực an toàn.
Mặc dù nguyên nhân của các địa phương đưa ra đều là do mật độ tiêm vaccine tại địa phương và các tỉnh lân cận còn thấp, thêm nữa du lịch lại có đặc thù là hoạt động đòi hỏi sự dịch chuyển lớn bởi vậy các kế hoạch đều mang tính an toàn cao. Tuy nhiên, về vấn đề này, lãnh đạo TCDL lại không đồng tình bởi lẽ nếu nói rằng thích ứng nhanh với "bình thường mới" mà thời gian vận hành trở lại đặt ra quá dài như vậy thì rõ ràng chưa đáp ứng được yêu cầu chủ động, linh hoạt. "Cần nhanh chóng tận dụng tốt các cơ hội an toàn nhằm sớm phục hồi hoạt động du lịch và các dịch vụ liên quan trên tinh thần “vừa làm vừa hoàn thiện, điều chỉnh” phù hợp với thực tiễn" - Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh bày tỏ.
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt giao Tổng cục Du lịch xây dựng tiêu chí đón khách du lịch nội địa, cập nhật nắm bắt tình hình, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải... hướng dẫn các tiêu chí, định hướng chung cho các địa phương. Các Sở quản lý du lịch cần triển khai tốt các chính sách đã có để hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh; tham mưu, đề xuất để lãnh đạo địa phương ban hành chủ trương, kế hoạch cụ thể. Đồng thời tập trung triển khai công tác xúc tiến quảng bá du lịch, rà soát cách làm cách tiếp cận, sẵn sàng bung ra khi thời gian thuận lợi. Chuẩn bị tư thế sẵn sàng đón khách khi điều kiện cho phép. Hiện tại cần tập trung vào thị trường du lịch nội địa, đây là bước đầu để hướng tới những bước đi dài hơn trong trạng thái bình thường mới.
Thảo Anh