Một nội dung quan trọng trong văn kiện “Tuyên bố Hội An” của Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 4 (TMM 4) là khuyến khích việc áp dụng tài khoản vệ tinh du lịch (Tourism Satellite Acount-TSA) trong các nước thành viên APEC. Văn kiện cũng nhấn mạnh, việc áp dụng TSA trong APEC thực sự là cơ hội mới cho du lịch trong khu vực, mở rộng khả năng quản lý doanh thu từ du lịch. Một số khu vực ở châu Phi, châu Âu đã hình thành trung tâm để triển khai TSA.
Phương pháp thống kê TSA
TSA là một phương pháp hay công cụ thống kê phát triển bởi Cơ quan thống kê của Liên hiệp quốc, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Hội đồng châu Âu (European Commission), Tổ chức Hợp tác Phát triển kinh tế (OECD). Phương pháp thống kê TSA sử dụng hệ thống tài khoản còn gọi là tài khoản “vệ tinh” nhằm thống kê mọi hoạt động kinh tế có liên quan đến du lịch trong nền kinh tế và được tổng hợp lại trong hệ thống tài khoản quốc gia. Phương pháp này được chấp nhận nhằm mục đích đánh giá ảnh hưởng kinh tế du lịch trong nền kinh tế quốc dân; như vậy hệ thống tài khoản vệ tinh này dựa trên thu thập số liệu liên quan đến các hoạt động kinh tế phát sinh từ “cầu du lịch” cũng như mối quan hệ với hoạt động “cung du lịch”. Bởi vì du lịch là hoạt động kinh tế tổng hợp, đa dạng bao gồm cả tập hợp các sản phẩm hàng hóa dùng cho hoạt động du lịch (cả hàng hóa lâu bền và hàng hóa không lâu bền), hàng hóa dịch vụ (như giao thông vận tải, lưu trú, ăn uống, giải trí, dịch vụ hành chính công..). Vì vậy, TSA phân tích chi tiết mọi khía cạnh về cầu dịch vụ về hàng hóa và dịch vụ liên quan đến hoạt động du lịch trong nền kinh tế quốc dân, nó cũng đo lường mối liên hệ cầu du lịch với nguồn cung cấp các sản phẩm hàng hóa dịch vụ du lịch trong nền kinh tế quốc dân.
Theo khung phân tích lý thuyết thì số liệu thống kê theo phương pháp TSA được tập hợp vào 10 tài khoản (bảng) chính, tuy nhiên nhiều quốc gia vì các lý do như khó khăn trong thu thập số liệu thống kê nên chỉ tập trung vào một số tài khoản thống kê quan trọng, đó là:
• Bảng 1: Tài khoản thống kê ước tính tiêu dùng du lịch của khách du lịch Inbound
• Bảng 2: Tài khoản thống kê chi tiết tiêu dùng du lịch nội địa là một phần trong tổng số tiêu dùng du lịch nội địa
• Bảng 3: Tài khoản thống kê tiêu dùng của hoạt động du lịch outbound
• Bảng 4: Tài khoản tổng hợp tiêu dùng khách du lịch trong nước từ bảng 1 và bảng 2
• Bảng 5: Tài khoản thống kê hàng hóa của ngành du lịch và các ngành khác sản xuất phục vụ cho hoạt động du lịch
• Bảng 6: Tài khoản thống kê cung du lịch nội địa và tiêu dùng quốc gia theo sản phẩm: là bảng tổng hợp từ bảng 4 và 5
• Bảng 7: Tài khoản thống kê việc làm trong ngành du lịch
• Bảng 8: Tài khoản thống kê tổng vốn đầu tư cố định cho ngành du lịch
• Bảng 9: Tài khoản tổng hợp chi tiêu và tiêu dùng theo chức năng và các mức độ khác nhau của chính phủ
• Bảng 10: Tài khoản thống kê các chỉ số phi tiền tệ như các số đêm lưu trú, số chuyến du lịch, số lượng đại lý công ty lữ hành, số lượng buồng phòng khách sạn…
Cần lưu ý rằng, thống kê theo phương pháp TSA cần có sự hợp tác của các cơ quan Chính phủ như Tổng cục Thống kê quốc gia, Tổng cục Du lịch, Ngân hàng trung ương, Hiệp hội doanh nghiệp du lịch lữ hành, khách sạn, Cục Xuất nhập cảnh, Cục Hải quan trong việc thu thập số liệu.
Hội đồng lữ hành và du lịch thế giới thống kê hoạt động kinh tế du lịch của Việt Nam theo phương pháp TSA
Mặc dù, Việt Nam chưa áp dụng phương pháp TSA trong thống kê hoạt động ngành Du lịch một cách chi tiết theo tài liệu hướng dẫn của Cơ quan thống kê của Liên hiệp quốc và Tổ chức Du lịch thế giới nhưng Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới đã có nghiên cứu sơ bộ và thống kê theo các tài khoản lớn ngành Du lịch Việt Nam Theo thống kê của Hội đồng Lữ hành và Du lịch thế giới thì ngành Du lịch của Việt Nam trong năm 2006 tạo ra thu nhập là 160.997,4 tỷ đồng (tương đương với 9.7231 tỷ đô la Mỹ), tăng trưởng 9,7% so với năm 2005 và tạo ra khoảng 952,9 nghìn việc làm trực tiếp trong ngành Du lịch và khoảng 3,363 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trong toàn nền kinh tế liên quan đến kinh tế du lịch. Rõ ràng thống kê theo phương pháp TSA thì ngành Du lịch Việt Nam có tác động to lớn đối với nền kinh tế quốc dân, từ đó giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn tầm quan trọng của Ngành này trong bức tranh tổng thể nền kinh tế.
Trong những năm tới, Chính phủ nên chỉ đạo Tổng cục Thống kê, Tổng cục Du lịch và các cơ quan liên quan thành lập cơ chế phối hợp để áp dụng thu thập số liệu thống kê theo phương pháp thống kê TSA vào hoạt động thống kê du lịch quốc gia nhằm giúp cho các nhà hoạch định có cái nhìn tổng thể về sự phát triển du lịch để có các chiến lược và chính sách hợp lý trong giai đoạn mới.
Đây chính là một trong những ưu điểm mạnh của TSA khi cung cấp một công cụ dự báo các viễn cảnh phát triển của ngành Du lịch trong tương lai.
Th.s. NGÔ ĐỨC ANH
Đại học Kinh tế quốc dân
* Chi tiết xem Tạp chí DLVN tháng 6/2007