Những tồn tại trong công tác quản lý du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học tại các VQG và KBT
Công tác quản lý du lịch
Hiện nay, hầu hết các VQG, KBT tại Miền Trung - Tây Nguyên đều tổ chức kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, hiện còn tình trạng quản lý chưa thống nhất, Nhà nước chưa có những quy định cụ thể về quản lý hoạt động du lịch, chưa có mô hình cụ thể và thống nhất trong công tác quản lý. Một số VQG quản lý du lịch thuộc quyền của VQG như: Phong Nha - Kẻ Bàng, Bù Gia Mập, Bidoup Núi Bà…, một số khác lại do các cơ quan địa phương như: Bến En, Pù Mát, Vũ Quang, Chư Mom Ray, Kon Ka Kinh, Chư Yang Sin, Núi Chúa, Phước Bình… Việc quản lý du lịch chưa được thống nhất, cách thức phối hợp của các VQG và KBT với cộng đồng địa phương không được xác định phù hợp. Việc chia sẻ lợi ích chưa hợp lý là nguyên nhân gây mâu thuẫn với cộng đồng và làm giảm hiệu quả trong công tác bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học.
Khai thác quá mức các loài động, thực vật đặc hữu tại các VQG và KBT nhằm phục vụ nhu cầu của du khách
Do các VQG có diện tích rừng khá lớn, lực lượng kiểm lâm lại tương đối mỏng nên tình trạng săn bắn, khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ và buôn bán động vật hoang dã đã và đang diễn ra mạnh mẽ, đe dọa tới đa dạng sinh học. Tại VQG Pù Mát, các loài thú lớn trong tình trạng nguy cấp như hổ, gấu, bò tót, chà vá chân đỏ bị săn bắn và đánh bẫy đang có nguy cơ tuyệt chủng. Tại VQG Kon Ka Kinh, trong các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, đội kiểm lâm phải thường xuyên tuần tra, bảo vệ, phát hiện, ngăn chặn và nghiêm cấm các hoạt động gây hại đến hệ động thực vật; tháo gỡ các loại bẫy đặt trong rừng.
Hiện tượng phát triển du lịch “nóng”, đặc biệt vào mùa cao điểm làm vượt quá sức chứa, sức chịu tải môi trường
Vào các dịp lễ, tết, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đón 25.000 đến 30.000 lượt khách đến tham quan, lưu trú, trong khi đối với những điểm du lịch nhạy cảm về sinh thái như hang Én, hang Sơn Đoòng việc phát triển du lịch sinh thái cũng đòi hỏi phải có kiến thức và ý thức bảo tồn ở mức cao nhất. Mặt khác, việc xây cáp treo để phục vụ khách du lịch cũng gây ra tác động tiêu cực tới môi trường, phá hủy hệ sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học nhiều hơn là đóng góp cho xã hội.
Tác động của hoạt động du lịch đến bảo tồn đa dạng sinh học tại các VQG và KBT
Việc lựa chọn phát triển du lịch ở các VQG và KBT có thể ảnh hưởng đến mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững, mục tiêu tăng trưởng xanh và các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường cũng như đa dạng sinh học mà Việt Nam là thành viên; phát triển du lịch không bền vững sẽ ảnh hưởng đến quyền thụ hưởng của thế hệ tương lai.
Tác động của hoạt động du lịch đến bảo tồn đa dạng sinh học tại các VQG và KBT được chia ra làm 2 loại: tác động trực tiếp và tác động gián tiếp. Các tác động trực tiếp gây ra bởi sự có mặt của du khách, còn các tác động gián tiếp nảy sinh từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.
Trước tiên phải kể đến việc đầu tư, xây dựng phát triển các dự án kinh doanh du lịch: các con đường, hệ thống cáp treo được xây dựng đã chia VQG, KBT thành nhiều mảnh, làm VQG, KBT trở nên hẹp hơn, sự di chuyển, kiếm ăn và sinh sản của một số loài động vật bị hạn chế, mối quan hệ giữa các giống loài khác nhau trong hệ sinh thái bị ảnh hưởng hoặc có thể bị cắt đứt. Mật độ đường giao thông và hệ thống cơ sở hạ tầng cùng với tiếng động cơ các phương tiện giao thông, tiếng ồn của đoàn khách du lịch… hoàn toàn không phù hợp với yêu cầu bảo tồn và yêu cầu của du lịch sinh thái, trong một số trường hợp còn làm chết các loài động vật nhỏ. Các dự án xây dựng cáp treo tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, VQG Bạch Mã cần phải được xin ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học và cộng đồng địa phương đồng thời phải có đánh giá tác động môi trường và tuân thủ các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng cũng như vận hành.
Sự xuất hiện của khách du lịch làm phát sinh các chất thải rắn, nước thải: Theo Ngân hàng thế giới, ước tính mỗi năm Việt Nam đang mất đi ít nhất 69 triệu USD thu nhập từ ngành Du lịch, do hệ thống xử lý vệ sinh nghèo nàn và ô nhiễm môi trường. Nước thải tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch không được xử lý đổ thẳng ra môi trường, là nguyên nhân đe dọa tới các hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Rác thải nhựa, túi nilon phát sinh trong quá trình gói, đựng đồ và sử dụng thức ăn, đồ uống đóng hộp của khách du lịch nếu không được thu gom, phân loại và xử lý trước khi thải ra môi trường sẽ đe dọa các loại động vật đặc biệt là các loài động vật biển nếu chúng vô tình ăn phải hoặc mắc vào người.
Hiện nay, nhiều dự án khác dưới hình thức phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và du lịch nghỉ dưỡng… được đề xuất triển khai ở trong và xung quanh Vườn quốc gia Bạch Mã, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng… Tuy nhiên, trong quá trình khai thác lại chưa thực sự tuân thủ các nguyên tắc chỉ đạo, làm hoạt động du lịch sinh thái trở nên “méo mó” tiềm ẩn các nguy cơ phá vỡ, hủy hoại tính nguyên vẹn của các VQG và KBT.
Người dân địa phương khai thác quá mức các loài động, thực vật đặc hữu tại các VQG và KBT để phục vụ cho nhu cầu thưởng thức, mua về của khách du lịch dẫn đến đe dọa tuyệt chủng loài.
Có thể xác định một số nguyên nhân gây tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học tại các VQG và KBT khu vực miền Trung - Tây Nguyên như sau: thiếu kiểm soát đối với phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch; khai thác quá mức tài nguyên đặc biệt là tài nguyên tại các VQG và KBT để phát triển du lịch; quan hệ liên ngành trong quản lý môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng còn thiếu chặt chẽ; nhiều khu du lịch sinh thái chưa quy hoạch phát triển cụ thể; chưa có quy định, quy chế quản lý tốt nên có nhiều hoạt động du lịch xâm hại đến tài nguyên; cộng đồng địa phương chưa thực sự phát huy được hết vai trò, lợi ích chia sẻ từ hoạt động du lịch chưa được hài hòa…
Chính sách bảo tồn đa dạng sinh học của ngành Du lịch
Luật Du lịch 2017: Quan điểm coi đa dạng sinh học là nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng để phát triển du lịch, đồng thời du lịch có tiềm năng để hỗ trợ trở lại, bảo vệ đa dạng sinh học tốt hơn nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030: Với mục tiêu phát triển du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với bảo vệ tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học, các dự án phát triển du lịch phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.
Công cụ kỹ thuật bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học:
Bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh quốc gia; Bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch… đều có những tiêu chí về bảo vệ hệ sinh thái; bảo tồn, nuôi trồng các loài động thực vật hoang dã , hệ sinh thái, nguồn gen các loài sinh quý hiếm, bản địa…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang và sẽ triển khai một số nghiên cứu và chương trình như: tuyên truyền, triển khai ứng dụng mô hình bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường qua việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, giảm thải khí nhà kính; nghiên cứu sức chịu tải môi trường tại các khu du lịch; phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh (chương trình nghiên cứu trọng điểm của Bộ 2019 -2020)…
Các công trình và hoạt động trên sẽ đóng góp rất lớn trong việc quản lý hoạt động du lịch tại các VQG, KBT theo hướng ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học và sự phát triển bền vững cho các hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu tác động tiêu cực.
Phát triển du lich sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học - Định hướng và giải pháp
Thứ nhất, phát triển du lịch sinh thái, thân thiện với môi trường, có trách nhiệm với thiên nhiên và người dân bản địa.
Thứ hai, tăng cường đầu tư hỗ trợ cho phát triển các dịch vụ hỗ trợ du lịch tại các khu, điểm du lịch có tính đa dạng sinh học cao.
Thứ ba, hoàn thiện các nguyên tắc chỉ đạo lồng ghép các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học cho các đối tượng tham gia du lịch và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nguyên tắc trên.
Thứ tư, tích cực thực hiện các quy định tại Nghị định và công ước quốc tế về đa dạng sinh học hiện nay mà Việt Nam là thành viên (Công ước Quốc tế về đa dạng sinh học; Công ước Ramsar, Công ước Cites, Nghị định thư Cartagenna về an toàn sinh học…).
Thứ năm, nghiên cứu xây dựng định mức và đối tượng phải thực hiện chi trả chi phí dịch vụ hệ sinh thái nhằm bảo tồn đa dạng sinh học tại các VQG và KBT.
Thứ sáu, tăng cường công tác giáo dục bảo tồn.
Thứ bảy, phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại các VQG và KBT nhằm tranh thủ nguồn lực và tri thức bản địa trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Thứ tám, nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị của đa dạng sinh học.
Thứ chín, nghiên cứu sức chịu tải, đồng thời mở rộng phát triển du lịch ra vùng đệm của các VQG và KBT nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học khu vực vùng lõi.
Thiết nghĩ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với các Bộ, Ban, ngành, các địa phương và các tổ chức xã hội để triển khai các hoạt động, chương trình nghiên cứu, tuyên truyền phát triển du lịch theo hướng ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học và sự phát triển bền vững cho các hệ sinh thái tự nhiên.
TS. Dư Văn Toán
ThS. Nguyễn Thùy Vân
Tạp chí Du lịch tháng 8/2018