Trong những năm gần đây, Đà Nẵng được đánh giá là một hình mẫu về phát triển đô thị ở Việt Nam, là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước trên lĩnh vực quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Tuy nhiên, bước đường đi lên của Đà Nẵng cũng gặp nhiều thách thức, khó khăn cần có sự đồng thuận, quyết tâm của cả hệ thống chính trị cũng như người dân thành phố.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận những ưu điểm, hạn chế trong quá trình quy hoạch phát triển thành phố Đà Nẵng; tập trung nhận diện các nguy cơ, thách thức để đề ra những giai pháp thiết thực vừa mang tính chiến lược vừa phù hợp với thực tế, khai thác tốt nhất tiềm năng của thành phố, gắn du lịch với bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái đảm bảo phát triển bền vững. Qua đó, đề xuất những giải pháp trước mắt cũng như tầm chiến lược để góp phần quy hoạch thành phố một cách bài bản, khoa học; khắc phục những hạn chế để phát triển đô thị với một tầm nhìn chiến lược - bền vững; định hướng quy hoạch và phát triển trung tâm các khu vực đô thị thành phố Đà Nẵng; hướng đến điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; tầm nhìn quy hoạch thành phố Đà Nẵng; các giải pháp thích ứng với thành phố 3 triệu dân…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho biết, Đà Nẵng đang tích cực tổ chức điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050, hướng tới mục tiêu phát triển mô hình thành phố môi trường, đô thị thông minh; trong đó, kiên định lấy yếu tố đặc trưng, giá trị thiên nhiên làm ý tưởng chính để tổ chức không gian, hình thành hệ cấu trúc thiên nhiên trong lòng đô thị, tạo dựng bản sắc riêng; tái cấu trúc trung tâm thành phố theo hướng mô hình đô thị nén kết hợp phát triển hệ thống không gian xanh, không gian cộng đồng, xây dựng hình ảnh đô thị thông thoáng cùng với giao thông và phương thức vận tải công cộng số lượng lớn, chú trọng phát triển hệ thống không gian ngầm; đồng thời, chú trọng mô hình thành phố thông minh, tiện ích cao…
P.V