Diễn biến của khí hậu và biến đổi khí hậu ở Quảng Ninh
Khí hậu Quảng Ninh thuộc khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh. Mùa hạ nóng ẩm mưa nhiều (từ tháng 4 đến tháng 10), mùa đông (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) lạnh và khô, xen kẽ là hai mùa xuân, thu diễn ra trong thời gian ngắn và mang tính chuyển tiếp. Nằm ở vị trí chịu ảnh hưởng sâu sắc của hoàn lưu gió mùa Đông Bắc, tỉnh Quảng Ninh có nền nhiệt độ thấp hơn so với các vùng khác, trung bình năm dao động từ 22,7 - 23,9ºC.
Quảng Ninh được xem như một trong những vùng có mưa nhiều của miền Bắc với lượng mưa trung bình 1.600 - 2.700 mm/năm nhưng phân bố theo không gian lãnh thổ rất khác nhau. Trung tâm mưa lớn của vùng là sườn đón gió của dãy Nam Châu Lĩnh - Yên Tử và vùng đồng bằng duyên hải trước núi này (phía Bắc Cửa Lục thuộc huyện Hoành Bồ, khu vực đồng bằng Quảng Yên) và khu vực thành phố Móng Cái. Do đặc điểm địa hình (độ cao, hướng sườn, đường bờ...) và hoàn lưu nên tổng lượng mưa trung bình năm phân bố không đồng đều. Lượng mưa năm khá cao ở phía Bắc (Móng Cái 2581mm) và giảm dần xuống phía Nam Uông Bí với 1654mm. Các dạng thời tiết đặc biệt như: sương muối, sương mù, mưa phùn, dông, bão, áp thấp nhiệt đới và mưa đá đã xuất hiện.
Bão và mưa lớn thường hay gặp ở vùng bờ biển Quảng Ninh với tốc độ gió mạnh nhất có thể lên tới 40 - 50m/s (cấp độ của bão từ cấp 13 đến cấp 16). Trung bình hàng năm có từ 1 - 5 cơn bão đổ bộ vào vịnh Bắc Bộ và tác động trực tiếp đến vùng bờ biển Quảng Ninh. Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết cực đoan: giông, sương muối, áp thấp nhiệt đới, mưa đá, vòi rồng.... cũng xuất hiện ở Quảng Ninh. Các hiện tượng thời tiết cực đoan tác động và gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất và tính mạng của nhân dân, trong đó du lịch không ngoại lệ.
Cùng với xu thế chung của khí hậu toàn cầu, trong những thập kỷ gần đây, khí hậu ở Quảng Ninh có những biến động nhất định về nhiệt độ, lượng mưa, các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng.
Xu thế tăng lên của nhiệt độ không khí trung bình từ 1986 - 2015 được thể hiện rõ nhất qua các phương trình xu thế. Nhiệt độ không khí trung bình có sự biến động mạnh trong chuỗi thời gian và có xu hướng tăng lên. Mức tăng trung bình ở tất cả các trạm từ 0.2- 0.3°C/thập kỷ.
Quảng Ninh có chế độ mưa mùa hè, nhìn chung mùa mưa bắt đầu từ tháng 5, kéo dài 6 tháng và kết thúc vào cuối tháng 10. Lượng mưa năm khá cao ở phía Bắc: Móng Cái 2581mm và có xu thế giảm dần xuống phía Nam: Uông Bí 1.642mm. Xu thế biến đổi lượng mưa qua 3 thập kỷ từ 1986 - 2015 có sự khác nhau giữa các nơi. Qua 3 thập kỷ, một số khu vực tổng lượng mưa trung bình năm có sự tăng lên, tăng tại Móng Cái (153.5mm), Cô Tô (178.9). Ngược lại, lượng mưa trung bình năm giảm ở Bãi Cháy (57.1mm), Uông Bí (3.4mm).
Sự biến động của lượng mưa được đánh giá thông qua đặc trưng thống kê độ lệch tiêu chuẩn của tổng lượng mưa ở khu vực nghiên cứu. Có thể thấy ở khu vực Quảng Ninh, độ lệch tiêu chuẩn năm của tổng lượng mưa tại các trạm dao động trong khoảng 231 - 576mm. Nơi mưa nhiều có giá trị độ lệch tiêu chuẩn năm lớn hơn nơi mưa ít. Ở cùng một địa điểm, giá trị biến động của tổng lượng mưa năm lớn hơn giá trị biến động của lượng mưa các tháng trong năm. Độ lệch tiêu chuẩn trung bình các tháng mùa mưa dao động trong khoảng 100 - 300mm, các tháng ít mưa (12 - 2), độ lệch tiêu chuẩn lượng mưa tháng chỉ dao động trong khoảng 15 - 65mm.
Theo kịch bản mới nhất lần thứ 3 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016), nếu mực nước biển dâng 100cm, khoảng 4,79% diện tích của tỉnh Quảng Ninh có nguy cơ bị ngập, chủ yếu là các địa phương ven biển, trong đó thị xã Quảng Yên có nguy cơ ngập cao nhất (37,7 % diện tích). Điều này chứng minh sự hiện hữu của biến đổi khí hậu tại Quảng Ninh.
Tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên du lịch tỉnh Quảng Ninh
Địa hình tỉnh Quảng Ninh đa dạng, phức tạp bao gồm có địa hình núi, địa hình đồng bằng ven biển và các hải đảo. Khu vực địa hình vùng bờ chịu sự tác động mạnh nhất do BĐKH, đặc biệt là những địa hình thấp ven biển. Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan (mưa lớn, bão, lốc xoáy, lũ lụt, triều cường lớn) cộng thêm hiện tượng mực nước biển dâng cao làm xói mòn, rửa trôi, sạt lở bờ biển và ngập một số khu vực. Các bãi biển đẹp như Trà Cổ, Sơn Hào, Minh Châu, Hồng Vàn, Quan Lạn,… và trên 30 các bãi cát nhỏ ven các đảo có nguy cơ mất đi, một số khác bị đẩy sâu vào đất liền làm gia tăng chi phí cho việc cải tạo. Một số địa hình với cảnh quan đặc sắc có sức hấp dẫn lớn khách du lịch như vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Bái Tử Long… có nguy cơ ngập chìm và thay đổi cảnh quan theo hướng tiêu cực.
Biến động về lượng mưa trong khu vực dẫn tới thay đổi chế độ dòng chảy, cường độ các trận lũ, tần suất và đặc điểm hạn hán. Biến động về nhiệt và mưa làm cho trữ lượng nước ngầm giảm, thay đổi mực nước ngầm từ đó tác động đến khả năng khai thác cho các hoạt động du lịch (hiện tượng cạn nước tại các suối, thác Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu...). Ngoài ra, mực nước biển dâng làm tăng khả năng xâm nhập mặn cũng làm giảm trữ lượng nước ngọt phục vụ các ngành kinh tế nói chung và du lịch nói riêng. Như vậy, BĐKH, nước biển dâng tác động làm suy thoái tài nguyên nước cả về số lượng và chất lượng, khó có thể phát triển du lịch.
Quảng Ninh có nhiều di tích xếp hạng quốc gia, mật độ 17 di tích/km2 (trung bình cả nước 22 di tích/km2). Đặc biệt hơn, phần lớn các di tích này phân bố ở khu vực ven bờ và đây chính là khu vực sẽ chịu tác động lớn do BĐKH. Nhìn chung, BĐKH đã tác động tiêu cực đến tài nguyên nhân văn vật thể và phi vật thể làm phá hủy, thậm chí hủy hoại từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của hoạt động du lịch.
Các hiện tượng mưa lũ, lốc xoáy, giông đột ngột ảnh hưởng rất lớn đến các di sản văn hóa vật thể hoặc các cơ sở hạ tầng liên quan đến các di sản đình, chùa, miếu đặc biệt các khu vực nhạy cảm như di tích Yên Tử, di tích lịch sử nhà Trần (thị xã Đông Triều)... vì các di sản này đa số ở địa thế tương đối cao, các di sản tồn tại lâu đời.
BĐKH và những ảnh hưởng tiêu cực, chủ yếu liên quan đến các thiên tai có những ảnh hưởng bất lợi, tăng rủi ro đối với cơ sở hạ tầng du lịch, phá hủy hệ thống đường ven biển, đường thông tin, điện, phương tiện tàu thuyền, xe vận chuyển khách ... và các tài sản phục vụ cho ngành du lịch như tàu du lịch, khu vui chơi, các dịch vụ du lịch.
Khu vực Quảng Ninh hiện nay có trên 1.000 cơ sở lưu trú và tập trung chủ yếu ở các khu vực ven biển như Cẩm Phả, Vân Đồn, Hạ Long… nơi sẽ chịu tác động lớn nhất do BĐKH. Đặc biệt, trận mưa lũ lịch sử tháng 7/2015 đã gây thiệt hại về cơ sở vật chất hạ tầng ước tính khoảng 20 tỷ đồng.
Hoạt động lữ hành bao gồm các công đoạn xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch. Như đã đề cập ở trên, BĐKH có tác động rất lớn đến tài nguyên du lịch - được xem là nền tảng để phát triển sản phẩm du lịch. Như vậy, nếu tài nguyên du lịch bị ảnh hưởng bởi BĐKH thì hoạt động du lịch lữ hành sẽ gián tiếp hoặc trực tiếp bị ảnh hưởng. Điều này có nghĩa là một phần chức năng quan trọng nhất của hoạt động lữ hành là “Xây dựng chương trình du lịch” sẽ bị ảnh hưởng bởi tác động BĐKH thông qua tài nguyên du lịch. Bên cạnh tác động đến tài nguyên, BĐKH còn tác động đến hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như đã đề cập và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện các chương trình du lịch.
Một số kiến nghị
Để ứng phó với tác động BĐKH với ngành Du lịch tỉnh Quảng Ninh, nhóm tác gia xin đưa ra các đề xuất sau đây:
Thứ nhất, quy hoạch và đầu tư trong phát triển du lịch ứng phó với BĐKH
Căn cứ trên chiến lược quốc gia xây dựng chiến lược ứng phó với BĐKH địa phương phù hợp đặc điểm từng nơi và có sự liên kết với nhau. Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch dựa trên quy hoạch chung về kinh tế - xã hội, lập kế hoạch của ngành ứng phó với BĐKH ở từng địa phương. Các kế hoạch triển khai ứng phó với BĐKH cần dựa trên dự báo xu thế, kịch bản BĐKH của tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể như sau:
Quy hoạch các khu, điểm du lịch phải đảm bảo đối mặt với hiện tượng nước biển dâng, lũ, lụt, phải tính tới yếu tố ổn định địa chất, địa mạo và yếu tố nước biển dâng một cách cụ thể, phù hợp với quy hoạch hệ thống đê biển.Vị trí các khu du lịch được lựa chọn trên cơ sở khoa học, phù hợp với đặc điểm tự nhiên của địa phương, có hệ thống thoát nước mặt hoàn chỉnh.
Xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch (giao thông, cơ sở lưu trú, các khu vui chơi giải trí...) cần tính đến thích ứng với BĐKH, thiết kế thích nghi với biến động của thời tiết, chống trọi và đảm bảo an toàn trước bão, lũ và nước biển dâng.
Các khu resort nghỉ dưỡng cao cấp hướng tới mô hình thân thiện và hài hòa với thiên nhiên xanh. Dựa trên kịch bản BĐKH khu vực, định mức xây dựng cơ bản phù hợp với dự báo mực nước biển dâng (thời gian chiến lược 15 - 20 năm tiếp theo) và phải tính đến tác động của các yếu tố triều cường, bão lũ. Quy hoạch hệ thống bến đỗ, bến neo đậu các phương tiện vận chuyển khách tránh trú bão dọc ven biển và trên các đảo, có kế hoạch hộ đê, hệ thống đê biển cần thiết kế phù hợp và gắn kết hài hòa với không gian khu du lịch. Không cấp giấy phép xây dựng và di dời các công trình du lịch ở những đoạn bờ biển sung yếu có nguy cơ sạt lở cao…
Đầu tư phương tiện, trang thiết bị phục vụ vận chuyển khách du lịch và ứng cứu khi có thiên tai, các biểu hiện cực đoan của thời tiết. Đầu tư hệ thống cảnh báo sớm thiên tai, thông tin cứu nạn và các lực lượng ứng phó tại chỗ, hỗ trợ nhanh chóng…
Thứ hai, nâng cao năng lực quản lý trong việc thích ứng với BĐKH
Nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý trong lĩnh vực du lịch về ảnh hưởng của BĐKH và ứng phó với BĐKH. Xây dựng hành lang pháp lý nhằm thực hiện các chiến lược, kế hoạch ứng phó với BĐKH. Đẩy mạnh sự hợp tác và điều phối nội vùng, liên vùng trong quản lý để cập nhật thông tin, số liệu liên quan đến biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Thứ ba, đào tạo nguồn nhân lực du lịch có kiến thức về BĐKH. Tại cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch, lồng ghép chuyên đề đào tạo, bồi dưỡng về nội dung BĐKH và chủ động ứng phó với BĐKH. Nhờ đó nâng cao nhận thức cho đội ngũ lao động du lịch về BĐKH từ đó chủ động trong những biến động bất thường của thời tiết, những thiên tai do BĐKH gây ra. Hình thành kỹ năng nghiệp vụ trong công việc cũng như hỗ trợ và giúp đỡ khách du lịch tại điểm đến tham quan.
Thứ tư, khai thác và sử dụng hợp lý, bảo vệ tài nguyên du lịch và môi trường
Phát triển các loại hình du lịch thân thiện với môi trường, ít rủi ro do những biến động của khí hậu như: du lịch văn hóa, du lịch tham quan - nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - cộng đồng… Thay đổi cơ cấu mùa vụ theo từng loại hình du lịch để khai thác tối đa thời gian có khí hậu thuận lợi trong năm. Định hướng khai thác các loại hình du lịch mới, tổ chức các tour du lịch mới phù hợp với điều kiện thay đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Môi trường du lịch tự nhiên và nhân văn cần được cải thiện trên nguyên tắc ưu tiên tăng cường năng lực phòng chống, thích ứng và giảm nhẹ những tác động tiêu cực của BĐKH.
Thứ năm, nâng cao ý thức cộng đồng ứng phó với BĐKH
Nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương và khách du lịch về tính tất yếu phải ứng phó với BĐKH, đồng thời khuyến cáo cho khách du lịch biết đầy đủ các hiểm họa, nguy cơ từ hoạt động du lịch để ngăn ngừa hiểm họa và bảo vệ khách trong các hoạt động du lịch. Tổ chức rộng rãi các chương trình, chiến dịch tuyên truyền về tác động của BĐKH đến đời sống cũng như kêu gọi khách du lịch, cộng đồng địa phương tham gia vào các chương trình do ủy ban nhân dân tỉnh, các sở ban ngành phát động: Giờ trái đất, tiết kiệm điện, nước, trồng cây xanh, trồng rừng phòng hộ ven biển…
Thứ 6, hợp tác quốc tế trong công tác quy hoạch, khai thác, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và ứng phó với BĐKH và nước biển dâng, đặc biệt đối với Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, bảo vệ đa dạng sinh học trong các khu bảo tồn biển, Vvườn quốc gia Bái Tứ Long, đảo Trần, Cô Tô, hệ thống các hải đảo của tỉnh.
Thứ 7, xây dựng tài chính bền vững cho công tác ứng phó với BĐKH trong lĩnh vực du lịch. Huy động xã hội hóa sự tham gia đóng góp của cộng đồng các bên liên quan (các khách sạn, các công ty du lịch, các tàu du lịch,..) đến hoạt động du lịch.
Tạp chí Du lịch tháng 10/2018
Đỗ Minh Hiền
Dư Văn Toán