Việt Nam xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới theo báo cáo của Liên hiệp quốc. Còn theo Bộ TN&MT thống kê, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường thải ra hơn 01 túi ni lông một ngày bao gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ.
Tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông. Mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó rác thải ni lông chiếm đến 7 - 8%. Đáng chú ý là lượng túi ni lông này tăng theo từng năm.
Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa, nilon trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và nilon khó phân hủy. Đây là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới nên để giải quyết cần sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và người dân Việt Nam trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu.
Để hạn chế và giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa và túi ni lông đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng. Chúng ta có thể thay thế bằng các loại túi khác thân thiện với môi trường như túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi ni lông tự phân hủy, túi dệt từ sợi ni lông sử dụng nhiều lần.
Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi hệ thống siêu thị áp dụng thực hành thay thế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần tại mọi sự kiện, mọi hoạt động, tiến tới chấm dứt việc sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, dùng một lần. Đối với các doanh nghiệp sản xuất có sản phẩm phát sinh rác thải túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, dùng một lần tổ chức thu hồi vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm lượng rác nhựa thải ra đủ để bao quanh Trái đất 4 lần. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế. Rác thải nhựa nằm lại dưới đáy đại dương rất nhiều và sẽ tồn tại nhiều thế kỷ ở đó, trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển. Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác nhựa đến năm 2050 ở các đại dương, sẽ nặng hơn khối lượng của cá.
|
TT