Tôi may mắn thăm thú “lướt qua” hết đất nước mình, ngẫm ra bán đảo quê nhà rất khác lạ: Không giống trung du Bắc Bộ - đương nhiên, cũng khác vùng Đông Nam Bộ gần hơn và cũng khác chính người anh em vùng nước ngọt miền Tây ở hạ lưu Mekong.
Ngày nay, hạ tầng đỡ hơn và dịch vụ giao thông khá tốt, du lịch về miệt này khá dễ dàng. Bạn có thể khám phá những đâu theo thứ tự ưu tiên do tài chính và thời gian, theo cách tối ưu?
Chùa Giác Hoa
Nằm ở đầu địa giới tỉnh Bạc Liêu, gần cầu Cái Dày, chùa có kiến trúc đẹp lung linh, được xây dựng theo thiết kế pha trộn Đông – Tây, như công thự thuộc địa, lại được ngự trên nền phong thủy vây bọc bởi các con kênh nhỏ đầy lục bình hiền hòa. Viếng chùa ở chặng dừng đầu tiên thuận theo văn hóa xứ ta, thắp hương chiêm bái Phật, nghe nói về trung tâm giáo dục ni giới Nam Bộ thời kỳ đầu thế kỷ XX ở đây, về vị ni dân thân được gọi theo cách Nam Bộ là cô Hai Ngó, tức sư cô Diệu Ngọc, vị trụ trì đầu tiên của ngôi chùa.
Thành phố Bạc Liêu
Nội ô đô thị này có nhiều kiến trúc thể hiện giao thoa văn hóa Kinh - Hoa - Khmer. Chùa Ông Bổn - Phước Đức Cổ Miếu dưới chân cầu quây khá cổ kính, điển hình cho kiến trúc Trung Hoa với đền miếu thời kỳ này. Vào trong chợ, có miếu bà Thiên Hậu.
Đương nhiên, bạn không thể bỏ qua công trình nhà công tử Bạc Liêu hướng ra bờ sông, được khai thác phục vụ tham quan và nhà hàng, khách sạn. Biểu tượng của tỉnh này chính ở đây, nhân vật hào hoa, cự phú người Việt thời thuộc Pháp ở miền Tây.
Từ trung tâm thành phố, xuôi ra biển đến Nhà Mát thưởng thức gió lộng phương Nam, nếm trải sản vật nhãn nổi tiếng và viếng cụm công trình Quan Âm Phật Đài.
Thị xã Giá Rai - Gành Hào
Quay lại quốc lộ 1, bạn về hướng Cà Mau, có thể rẽ ở ngã ba - thị xã Giá Rai - nơi cách đều Bạc Liêu, Cà Mau, Gành Hào gần đúng 30km mỗi đầu. Thăm biển Gành Hào có cảng cá, băng qua vùng muối Kinh Tư, thưởng thức hải sản tại chỗ. Ở đây có Lăng Ông Nam Hải và lễ hội nghinh Ông hàng năm.
Về Cà Mau, nhưng tất phải dừng ở nơi cách thị xã Giá Rai mấy cây số: Khu hành hương công giáo Tắc Sậy nổi tiếng, cơ man ô tô đủ biển số tỉnh thành ken dày trong khuôn viên và quanh nhà thờ là khu vực dịch vụ khá sung túc, bạn có thể nghỉ lại nếu cần.
Thành phố Cà Mau
Tiếp tục hành trình, chẳng mấy chốc bạn đến ngoại ô thành phố Cà Mau, đô thị đang phát triển khá nóng do qui mô xây dựng lớn và nhanh, trung tâm của bán đảo.
Chủ quan mà nói, điểm nhấn của tour là đây. Thành phố rộng, bạn có thể đặt phòng nghỉ lại cho chặng dừng, trải nghiệm đêm và ngày nơi đô thị cuối cùng tổ quốc.
Còn muốn đi chơi, chợ nổi Cà Mau là địa điểm ưu tiên. Cơ man ghe mang cây trái miệt nước ngọt sông Tiền sông Hậu neo đậu ngay trên sông, thành chợ, bán mua ồn ã vui nhộn. Miền Tây có nhiều chợ nổi: Cái Răng, Ngã Năm…, nhưng chợ nổi Cà Mau ở ngay trung tâm đô thị, có nét riêng và lớn.
Nội ô thành phố có nhiều chùa: Từ Quang, chùa Bà Mã Châu, Quan Âm sắc tứ.
Thành phố cũng có các khu thương mại lớn và hiện đại, với giá cả và phục vụ không kém Sài Gòn hay Hà Nội, theo tôi. Cà Mau còn có chùm cà phê lãng mạn, thú vị, đầy chất nghệ thuật bên phường 5: Thôn Vỹ, Thủy Mộc, Chuông Gió… và những chốn khác rải rác trong thành phố: Koba, Non nước, Tigon... Cà phê ở đây, nói sao cho thỏa? Rất… ok!
Năm Căn
Chặng tiếp có lẽ hấp dẫn, “bụi đời”: Bắt canô về Năm Căn. Trong gió lộng từ biển và dòng chảy xiết, không khác một đoạn phim discovery trên tivi, một hình ảnh Amazone Nam Mỹ khác hiện ra trước mắt bạn, tuyệt vời.
Thị trấn Năm Căn khác hơn Gành Hào cho dù cũng theo môtip cảng cá, chợ hải sản… Ở đây có cả sân bay..
Từ Năm Căn, lại bắt canô về Đất Mũi - mốc cuối lãnh thổ đất liền Việt Nam. Hành trình này cho bạn hình ảnh rõ hơn về thảm thực vật ngập mặn với đước, sú, vẹt cùng phù sa cuồn cuộn, bãi bồi... Đất Mũi đã có hạ tầng tối thiểu để phục vụ du lịch như nhà trọ, nhà hàng... Trong đêm, nhóm lửa ngoài trời và nướng hải sản thì còn gì bằng, nhất là trong gió lồng lộng và… muỗi!
Một đoạn cuối không kém thú vị, bạn quay về Cà Mau. Theo một hướng khác, thăm vùng lợ và ngọt, với thảm thực vật khác hẳn - tràm. Đấy là vùng U Minh, qua sông Trẹm có trong tiểu thuyết của nhà văn Dương Hà. Bạt ngàn tràm và tràm...
Khái lược, vùng bán đảo có thể khiến bạn hứng thú hơn và có những chặng khác, như về Hòn Đá Bạc chẳng hạn.
Một vùng nước Việt mến yêu, vậy đó.
Chờ những bước chân son...
Cuộc thi viết 'Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận"
Cuộc thi viết “Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo Lao Động tổ chức, từ ngày 13.10.2017 – 31.5.2018.
Giải thưởng: 2 giải nhất – 20 triệu đồng/giải + chuyến du lịch 4-5 sao trong nước cho 2 người; 2 giải nhì: 15 triệu đồng/giải; 3 giải ba: 10 triệu đồng/giải; 5 giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải; 2 giải cán bộ, nhân viên ngành du lịch viết: 15 triệu đồng/giải và 1 giải bài thi được nhiều người đọc nhất: 10 triệu đồng; 1 giải bài thi được nhiều lượt like/share nhất: 10 triệu đồng.
Thể lệ chi tiết xem tại đây.
Bài dự thi xin gửi về:
Ban tổ chức cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”
Báo Lao Động - số 6 Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
ĐT: (024) 35330305
Email: dulich@laodong.com.vn
|
X.HẬU - N.THUỲ
Nguồn:Laodong.com.vn