Công tác quản lý và cung cấp thông tin môi trường du lịch
Công tác quản lý và cung cấp thông tin môi trường du lịch
Thứ tư, 05/04/2006 | 00:00 GMT+7
Từ năm 1993 đến nay, công tác thu thập, lưu trữ và cung cấp thông tin/dữ liệu môi trường trên toàn quốc do Cục Môi trường - Bộ KHCN & MT đảm nhiệm. Những thông tin/dữ liệu môi trường có thể tham khảo ở Cục Môi trường là các công trình nghiên cứu, điều tra về hiện trạng môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, văn bản pháp quy liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn môi trường, cơ sở dữ liệu công nghệ môi trường, hiện trạng sử dụng đất, mặt nước, nguồn nước ngầm, khu bảo tồn thiên nhiên, nước và rác thải…
Tuy nhiên, do bản chất đa và liên ngành của lĩnh vực môi trường nên công tác xây dựng hệ thống thông tin môi trường ở nước ta hiện nay còn nhiều bất cập. Theo đánh giá của Dự án Tăng cường năng lực thể chế quản lý thông tin môi trường (SICEIM) do Ngân hàng thế giới (World Bank) tài trợ thì hiện trạng của hệ thống cung cấp thông tin môi trường ở nước ta vừa thiếu, vừa yếu. Việc thu thập và sử dụng thông tin/dữ liệu môi trường còn chưa được đầy đủ và có hệ thống. Bên cạnh đó, việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước vẫn còn thiếu chặt chẽ, việc ứng dụng các công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý thông tin còn mang tính rời rạc, thiếu sự đồng bộ; các thông tin môi trường quan trọng còn ít hoặc chưa được phổ biến đầy đủ tới công chúng...
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp mà sự tồn tại và phát triển của nó gắn liền với môi trường. Môi trường được xem là yếu tố quyết định đến sự tồn tại của hoạt động du lịch. Vì vậy, để đảm bảo sự phát triển du lịch bền vững đòi hỏi có sự quan tâm thích đáng đến những vấn đề về môi trường, trong đó thông tin môi trường du lịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhận thức được vai trò của công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, những năm qua Tổng cục Du lịch và nhiều cơ quan quản lý Nhà nước về Du lịch ở địa phương đã tiến hành nhiều hoạt động hướng tới sự phát triển du lịch “thân thiện” với môi trường như xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển du lịch bền vững, ban hành Quy chế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch, nghiên cứu các đề tài khoa học phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường ở nhiều cấp, tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề về môi trường, tuyên truyền và phổ biến kinh nghiệm bảo vệ môi trường du lịch qua các cơ quan thông tin, báo chí Ngành, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về môi trường du lịch, khuyến khích việc sử dụng công nghệ “xanh” trong hoạt động kinh doanh du lịch... Có thể khẳng định, kết quả của những hoạt động trên đã hình thành nên một cơ sở dữ liệu khá đầy đủ cho công tác quản lý môi trường ngành Du lịch. Nhưng, vấn đề đặt ra là việc tiếp cận và tra cứu các thông tin này còn gặp nhiều khó khăn do ngành Du lịch vẫn chưa xây dựng được một cơ sở dữ liệu riêng biệt chuyên quản lý thông tin về môi trường và chưa có một đơn vị chức năng làm công tác tổ chức, quản lý và cung cấp thông tin môi trường du lịch. Theo lãnh đạo một doanh nghiệp lữ hành quốc tế ở Hà Nội thì “khách du lịch đến từ các thị trường có mức sống cao như châu Âu hoặc Mỹ rất nhạy cảm đối với các vấn đề về môi trường... Khi có được thông tin về môi trường, ví dụ như dịch bệnh, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tệ nạn xã hội (môi trường du lịch nhân văn - PV) ở một điểm du lịch cụ thể nào đó thì đương nhiên chúng tôi sẽ không tổ chức đưa khách đến đó. Nhưng đối với những người kinh doanh như chúng tôi thì rất khó để có thể biết và cập nhật ngay những loại thông tin như vậy”.
Việc không có được những thông tin chuẩn xác về môi trường ở điểm du lịch cũng dẫn tới những bất cập trong công tác quản lý môi trường chung. Bởi quá trình đưa ra các quyết định quản lý môi trường dựa trên những thông tin đó sẽ không lường trước được những biến cố về môi trường có thể xảy ra. Một ví dụ thể hiện rõ điều này là ở chùa Hương vào dịp lễ hội. Theo ông Nguyễn Văn Lý – Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức vào mùa lễ hội, ước tính trung bình lượng rác thải ở khu vực chùa Hương là từ 4 đến 5 tấn/ngày (chưa tính đến nước thải và ô nhiễm về tiếng ồn, khói bụi…) nhưng khối lượng thu gom mới chỉ đạt khoảng 80%. Vậy còn 20% tương đương 1 tấn rác thải/ngày từ các hoạt động của khách du lịch và các hộ kinh doanh dịch vụ sẽ giải quyết như thế nào? Nếu thông tin này được thông báo rộng rãi thì chắc rằng thái độ ứng xử của khách du lịch, của các hộ kinh doanh đối với môi trường ở chùa Hương sẽ khác và công tác vệ sinh môi trường có thể được đảm bảo. Mặt khác, việc thiếu những cơ quan riêng thực hiện chức năng quản lý và cung cấp thông tin về môi trường du lịch như hiện nay cũng gây ảnh hưởng tiêu cực trong việc thu hút du khách. Có thể nói, việc khó tiếp cận các thông tin môi trường du lịch và khó có được thông tin chuẩn xác đã làm giảm hiệu quả công tác quản lý môi trường Ngành, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững ở nước ta.
Như vậy, việc thành lập một cơ quan riêng biệt và tiến hành khảo sát xây dựng các hệ cơ sở dữ liệu chỉ dẫn nguồn thông tin môi trường du lịch hiện đang được lưu trữ tại các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ trung ương tới địa phương, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế… và phổ biến rộng rãi để mọi đối tượng có nhu cầu sử dụng thông tin đều có thể dễ dàng tiếp cận là một yêu cầu thực tế hiện nay. Ngoài thông tin mang tính chất thống kê tình trạng môi trường ảnh hưởng đến hoạt động du lịch và ngược lại, những thông tin về các công nghệ, biện pháp và kinh nghiệm bảo vệ môi trường, các dự án đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch thì những cơ sở dữ liệu này phải bao hàm những đánh giá, tác động, sự cố về môi trường và mang tính hệ thống ở từng lĩnh vực nhỏ, từng địa phương cụ thể. Ngoài ra, chúng ta cần thiết lập cơ chế hữu hiệu, linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi, chia sẻ thông tin môi trường. Với sự tiện lợi và phổ biến của mạng internet như hiện nay thì việc xây dựng một website chuyên về môi trường du lịch là một biện pháp khả thi cần được tính tới trong quá trình xây dựng trung tâm quản lý và cung cấp thông tin môi trường du lịch.
HẢI DƯƠNG