Du lịch nông nghiệp là loại hình rất phù hợp với các nhóm trẻ em, học sinh, sinh viên hoặc với đối tượng khách du lịch có nhu cầu trải nghiệm hoạt động du lịch xanh. Đến với Sơn La, du khách có thể trải nghiệm hoạt động hái dâu tây và thưởng thức các sản phẩm từ dâu tây VietGAP tại Chimi Farm 1 (Bản Áng, Đông Sang, Mộc Châu), Chimi Farm 2 (xã Tân Lập, thị trấn nông trường Mộc Châu), Hoa Mộc Châu Farm (87 Hoàng Quốc Việt, TK Bó Bun, thị trấn nông trường Mộc Châu); thăm vườn mận, vườn mơ mùa hoa và thu hoạch quả tại thung lũng mận Nà Ka (xã Tân Lập, cách thị trấn nông trường Mộc Châu khoảng 16km), thung lũng mận Mu Náu (tiểu khu 12, thị trấn Mộc Châu); chăm sóc bò sữa như một người nông dân chính hiệu tại Trang trại du lịch Bò Sữa Dairy Farm (địa chỉ 168 Hoàng Quốc Việt, Phiêng Luông, Mộc Châu); hái cam tại các vườn cam xã Mường Thải - huyện Phù Yên, vườn cam huyện Vân Hồ, vườn cam xã Chiềng Ban - huyện Mai Sơn; tham quan đồi chè cổ thụ 300 - 500 năm tuổi kết hợp với trải nghiệm quá trình sản xuất chè của bà con dân tộc Mông tại bản Mống Vàng và bản Chung Chinh, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên; trải nghiệm mùa vàng trên những cánh đồng và mùa hoa sơn tra tại các bản vùng cao của xã Ngọc Chiến, huyện Mường La…
Phát huy lợi thế từ các sườn đồi và thung lũng bằng phẳng, đồng bào nơi đây đã xây dựng nên nhiều trang trại bò sữa, nhà vườn, cánh đồng hoa tam giác mạch, hoa cải, vườn chè… Ngoài ra, nhiều hộ còn xây mới, sửa chữa, tận dụng những ngôi nhà truyền thống để làm nhà nghỉ cộng đồng hoặc mở nhà hàng, làm các món ăn địa phương phục vụ khách tham quan. Du khách đến với Mộc Châu sẽ được cùng đồng bào tham gia trải nghiệm các hoạt động lao động, sản xuất nông nghiệp như: hái quả, trồng rau sạch, quan sát quy trình chế biến các sản phẩm từ sữa bò, hòa mình vào những điệu xòe Thái, những điệu dân ca cổ, ngủ nhà sàn truyền thống, nằm đệm bông gạo, thưởng thức đặc sản núi rừng như: thịt trâu gác bếp, cá suối nướng, bê chao, xôi ngũ sắc, rau rừng, rượu ngô men lá... Đặc biệt, các hộ làm du lịch cộng đồng được tạo điều kiện tham gia các khóa tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng du lịch. Để tăng thêm thu nhập, đồng bào còn duy trì và phát triển nghề dệt truyền thống với nhiều sản phẩm hấp dẫn như: khăn piêu, áo thổ cẩm, túi xách, rèm cửa, khăn tay…
Phát triển du lịch nông nghiệp giúp người làm nông nghiệp tăng thu nhập bằng cách bày bán các sản phẩm nông nghiệp trực tiếp cho du khách ngay tại trang trại, các cửa hàng nông sản, sự kiện du lịch... Sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp có thể đa dạng hóa các hoạt động thương mại, giải quyết các vấn đề về thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo sự khác biệt, đem đến những cảm nhận mới lạ cho du khách, góp phần khai thác hiệu quả thế mạnh của Sơn La.
Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 5,2 triệu lượt khách; tổng thu từ dịch vụ du lịch đạt 5.800 tỷ đồng. Tỉnh Sơn La phấn đấu đến năm 2025 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh, tạo tiền đề đến năm 2030 là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La, thân thiện với môi trường; đưa Sơn La trở thành một trong những địa bàn trọng điểm về du lịch của cả nước.
|
Trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã quan tâm tổ chức các sự kiện du lịch gắn với trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp như: Ngày hội hái quả, hội chè cao nguyên, hội thi hoa hậu bò sữa (Mộc Châu); các ngày hội xoài (Yên Châu), nhãn (Sông Mã), cà phê (Mai Sơn). Tại các sự kiện, du khách được tham gia các tour trải nghiệm tham quan vườn mận, đồi chè, hái xoài, nhãn... và thưởng thức trái cây ngay tại vườn. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian của người dân địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La còn tăng cường tổ chức các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu về tiềm năng, lợi thế phát triển cây ăn quả của Sơn La tới du khách, các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế
Tỉnh Sơn La đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, du lịch từ năm 2016 – 2020 (trong đó có 3 chính sách về nông nghiệp và 1 chính sách về du lịch) đã góp phần tạo lòng tin, sự đồng thuận tham gia vào thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp, du lịch của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; đã góp phần chuyển đổi được cơ cấu cây trồng, vật nuôi (13.109ha cây ăn quả ghép cải tạo bằng các giống mới, chất lượng cao, 10.661,23ha cây trồng áp dụng tiêu chuẩn VietGAP hoặc các tiêu chuẩn tương tự, 21 sản phẩm mang địa danh của tỉnh Sơn La được cấp văn bằng bảo hộ, 1 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ tại Thái Lan). Toàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó có 10 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp... Từ các lợi thế đó việc gắn kết phát triển các tour sinh thái nông nghiệp được hình thành, thu hút hàng nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.
Có thể thấy, hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp đã và đang nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Sơn La cùng với sự vào cuộc tích cực của địa phương và người nông dân. Đây được xem là hướng đi mới, đúng đắn và bền vững của Du lịch Sơn La trong những năm tới.
Nguyễn Thị Thanh Huyền
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 8/2021)