Theo nhận định chung, đại dịch COVID-19 bùng phát khiến con người ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, cùng với sự xuất hiện ngày một nhiều các loại dịch bệnh khiến con người trở nên chủ động hơn trong việc tự bảo vệ sức khỏe, nhu cầu giải tỏa căng thẳng, duy trì và tăng cường sức khỏe ngày một nhiều. Do đó, thị trường chăm sóc sức khỏe ngày càng phát triển và đi cùng với đó là sự phát triển của du lịch chăm sóc sức khỏe.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết: Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe với hệ thống địa hình đa dạng, có cả đồi núi, đồng bằng, đặc biệt có vị trí địa lý thuận lợi về biển đảo, cùng với đó có nhiều điểm suối khoáng nóng trải dài trên cả nước, nhiều khu vực có khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Đây là những tài nguyên vô giá để phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe góp phần phong phú thêm các sản phẩm du lịch cung cấp cho du khách trong và ngoài nước, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch. Trong những năm gần đây sản phẩm chăm sóc sức khỏe đã bắt đầu được phát triển ở Việt Nam. Bên cạnh những khu nghỉ dưỡng đã được phát triển lâu, hoạt động du lịch gắn với kết hợp duy trì và tăng cường sức khỏe trên cơ sở ứng dụng các phương pháp trị liệu bằng thảo dược, thiền định, yoga, tập thể dục dưỡng sinh, giảm cân, spa, tắm khoáng… là những sản phẩm đã được quan tâm đầu tư và khai thác
Tuy nhiên, “việc phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu, các sản phẩm còn ít, chưa thực sự đặc sắc. Một trong những nguyên nhân là chưa có những nghiên cứu đầy đủ về tiềm năng và các yếu tố cần thiết cho sự phát triển loại hình du lịch này cũng như chưa định hướng chính sách cụ thể cho việc phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam” - Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương nhận định.
Tại Hội thảo, các nhà quản lý từ các cơ quan quản lý du lịch từ trung ương đến địa phương, các nhà khoa học, cơ sở đào tạo, đại diện các hiệp hội du lịch, hiệp hội Đông y, yoga, các đơn vị kinh doanh du lịch, chăm sóc sức khỏe trên cả nước… đã có nhiều ý kiến đóng góp nhằm phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển Du lịch Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế, phù hợp với xu thế mới hiện nay.
Bàn về Du lịch chăm sóc sức khỏe và Du lịch Y tế ở Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Văn Đính gợi ý một số định hướng và giải pháp phát triển loại hình này ở Việt Nam như: cần đưa loại hình du lịch này thành một loại hình trọng điểm trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam; Chính phủ cần có chính sách và quy hoạch phát triển loại hình du lịch này nhằm phục vụ cho việc nâng cao sức khỏe cho cộng đồng dân cư Việt Nam và thu hút người nước ngoài, tăng nguồn thu cho ngân sách; Ngành Du lịch phối hợp với ngành Y tế cần có sự hướng dẫn cho các cơ sở y tế và doanh nghiệp du lịch các cách thức, giải pháp để mở rộng loại hình du lịch này, trong đó chú ý sự phối hợp giữa các công ty du lịch và các cơ sở y tế tư nhân; Ngành Y tế phối hợp với ngành Du lịch tăng cường đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ cho đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế để đáp ứng nhu cầu khách du lịch chăm sóc sức khỏe/ y tế…
Đề cập đến phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe gắn với suối khoáng nóng tại Việt Nam, TS. Vũ Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch Tổng cục Du lịch cho biết: Việt Nam có khoảng 400 mỏ nước nóng, phân bố chủ yếu miền Bắc, Trung và Nam Trung Bộ; trong đó một số điểm đến như Serena Resort ở Kim Bôi; Bình Châu ở Bà Rịa - Vũng Tàu; Núi Thần Tài ở Đà Nẵng; I Resort ở Nha Trang; Wyndham Thanh Thủy, Mỹ Lâm ở Tuyên Quang; Yoko Onsen theo phong cách Nhật Bản ở Quang Hanh Quảng Ninh… Để phát triển du lịch sức khỏe suối khoáng nóng ở Việt Nam, một số đề xuất được gợi ý như: xây dựng Quy hoạch phát triển du lịch suối khoáng nóng tại Việt Nam; xác định sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe gắn với suối khoáng nóng là một trong những sản phẩm du lịch đặc thù của Du lịch Việt Nam; kết hợp nhiều liệu pháp chăm sóc sức khỏe và làm đẹp truyền thống của Việt Nam; có chính sách khuyến khích đầu tư vào các dự án phát triển DLCSSK gắn với khai thác và sử dụng tài nguyên suối khoáng nóng; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng thời tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá; xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cho các điểm du lịch suối khoáng nóng.
Tại hội thảo, đại diện nhiều địa phương như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Hà Giang… đã bàn về tiềm năng, thực tiễn và giải pháp phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở các địa phương; các nhà khoa học, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp… cũng làm rõ hơn tiêu chí nhận dạng, các điều kiện thiết yếu, những khó khăn, thuận lợi, cơ hội, thách thức trong việc phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có các tiêu chuẩn cho các gói du lịch, quy trình kỹ thuật chăm sóc sức khỏe, kế hoạch làm việc với ngành Y tế, quan tâm sản phẩm khám chữa bệnh trong ngày, đưa vào món ăn và dịch vụ cho khách lựa chọn; tạo ra sự khác biệt của du lịch Việt Nam với du lịch chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền…
Kết luận hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhận định: Nhìn tổng thể, mặc dù du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam được đánh giá có tầm quan trọng nhưng chưa có sự phát triển tương xứng, đặc biệt chưa có sự phối hợp liên ngành trong phát triển loại hình này. Do đó, yếu tố quan trọng sắp tới cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ngành Y tế và các bộ ngành liên quan bàn thảo và định hướng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có sự tăng cường đầu tư và sự quan tâm của các địa phương trong việc khai thác tiềm năng và lợi thế loại hình này; các doanh nghiệp du lịch cần tăng cường đầu tư và đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm khai thác, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe…
Trang Lê