Sơ kết triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn 1
Theo báo cáo, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến ngành Du lịch và các lĩnh vực, ngành nghề liên quan. Sự chuyển hướng trong quan điểm và chính sách “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP đã định hướng, mở đường cho ngành Du lịch, các địa phương và doanh nghiệp khôi phục hoạt động du lịch trở lại. Nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 được triển khai. Việc triển khai tiêm vắc xin trên cả nước đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, Việt Nam đã công nhận “hộ chiếu vắc xin” của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như đang tích cực trao đổi với các đối tác khác về công nhận lẫn nhau đối với “hộ chiếu vắc xin”. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để Việt Nam mở lại hoạt động du lịch quốc tế nói riêng và phục hồi lại ngành du lịch nói chung.
Trong giai đoạn 1, Bộ VHTTDL đã giao Tổng cục Du lịch phối hợp với các địa phương lựa chọn doanh nghiệp lữ hành quốc tế tham gia chương trình theo các quy định tại Hướng dẫn 4122 về thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tính đến tháng 11/2021, Bộ VHTTDL đã xét duyệt hồ sơ phương án đón và phục vụ khách theo chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế của 8 doanh nghiệp. Tính đến ngày 6/12/2021, Kiên Giang đã đón 204 lượt khách, dự kiến đến hết năm 2021 sẽ đón được 3.500 lượt khách; Quảng Nam đón 159 lượt khách; Khánh Hòa đón 816 lượt khách, dự kiến đón được 11.000 lượt khách đến hết cuối năm 2021. Trong khí đó, Đà Nẵng và Quảng Ninh chưa tổ chức đón khách quốc tế, dự kiến sẽ bắt đầu đón khách quốc tế từ tháng 1/2022.
Việc đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam được đảm bảo tuân thủ thông điệp 5K và các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định, đảm bảo chất lượng dịch vụ cung ứng cho khách du lịch. Theo các tour trọn gói, du khách quốc tế có phản ứng rất tích cực khi được khám phá những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam, trải nghiệm các hoạt động thể thao, giải trí hấp dẫn, sôi động cũng như thư giãn, nghỉ dưỡng. Đồng thời, du khách thể hiện sự yên tâm với các biện pháp phòng, chống dịch cũng như đảm bảo an toàn cho khách quốc tế của Việt Nam. Điều này chứng minh sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam, đồng thời đây cũng là một kênh lan tỏa, chứng minh điểm đến Việt Nam hấp dẫn, an toàn, thân thiện và mến khách.
Báo cáo cũng đề cập đến một số vấn đề cần quan tâm:
Về thủ tục thị thực đối với du khách quốc tế, theo quy định hiện hành các doanh nghiệp đón khách du lịch quốc tế phải gửi văn bản đề nghị xét duyệt nhân sự nước ngoài nhập cảnh đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh để được xem xét. Chính sách này gây khó khăn để thu hút du khách quốc tế từ các thị trường trọng điểm trước đây đã quen được miễn thị thực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga do du khách sẽ ngần ngại về thủ tục khi quyết định lựa chọn điểm đến.
Về việc mở rộng phạm vi đón khách sang đường biển, đường bộ, chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đang được áp dụng thông qua các chuyến bay thuê bao, đối với việc đón khách du lịch quốc tế thông qua đường bộ và đường biển chưa có hướng dẫn, trong khi việc đón khách du lịch quốc tế bằng đường biển rất có tiềm năng. Hiện nay đã có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tái khôi phục hoạt động du lịch đường biển, chuẩn bị sẵn sàng điều kiện để đón các du thuyền cập bến sau ảnh hưởng dịch COVID-19; đặc biệt, các hãng tàu quốc tế đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án khai thác khách trong kỳ nghỉ đông cuối năm 2021.
Về đối tượng khách du lịch tham gia chương trình thí điểm, cần thống nhất về việc cho phép người Việt Nam học tập, sinh sống ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam, người Việt Nam có thẻ xanh Mỹ, thẻ thường trú tại một số quốc gia tham gia Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế, trong trường hợp đã đảm bảo các điều kiện đối với khách du lịch đến Việt Nam vì đây là nhóm đối tượng khách du lịch đang có nhu cầu về Việt Nam trong dịp Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên Đán; đồng thời, việc thống nhất về đối tượng khách tạo điều kiện hỗ trợ các hãng hàng không, các doanh nghiệp du lịch triển khai thực hiện đón khách theo quy định.
Về phạm vi địa phương đón khách, trong giai đoạn 2 của lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế, phạm vi đón khách sẽ bổ sung thêm một số địa phương khác nếu đáp ứng điều kiện và có đề xuất đón khách du lịch quốc tế.
Về việc mở lại hoạt động tổ chức cho khách du lịch Việt Nam đi du lịch nước ngoài (outbound), hiện nay, chỉ có một số nước chấp nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam và cho phép sử dụng trực tiếp; trong khi đó, một số quốc gia khác yêu cầu Giấy chứng nhận tiêm chủng phải được chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự mới cho phép sử dụng ở nước sở tại; đồng thời, một số nước chỉ chấp nhận một số loại vắc xin. Do đó, để có thể khôi phục lại hoạt động du lịch outbound, cần nhanh chóng đàm phán để các nước công nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam.
Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế đảm bảo an toàn, hiệu quả, Bộ VHTTDL kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét khôi phục lại chế độ miễn thị thực dưới 15 ngày đối với du khách du lịch từ một số thị trường, chính sách đã có trước khi Việt Nam đóng cửa vào tháng 3/2020, nhằm tạo nhu cầu cho du khách và tăng tính cạnh tranh với nước trong khu vực.
Bộ VHTTDL cũng đề xuất mở rộng phạm vi đón khách du lịch đến Việt Nam trong giai đoạn 2 của lộ trình thí điểm cho phép triển khai sớm giai đoạn 2 của Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, bắt đầu từ 15/12/2021; cho phép người Việt Nam học tập, sinh sống ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam, người Việt Nam có thẻ xanh Mỹ, thẻ thường trú tại một số quốc gia tham gia Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế; cho phép đón khách qua đường biển, đường bộ và các chuyến bay quốc tế thường lệ; cho phép khai thác khách du lịch outbound đối với các thị trường cho phép đón khách du lịch Việt Nam; bổ sung thêm các địa phương tham gia đón khách du lịch quốc tế trong giai đoạn 2 gồm Bình Định, TP. Hồ Chí Minh (theo đề xuất của địa phương).
A.M