SEA Games 31: Cơ hội để Hải Dương tăng cường giao lưu thương mại và phát triển du lịch
Tại khu vực Nhà thi đấu TDTT tỉnh, nơi tổ chức các trận bóng bàn và Khách sạn Nam Cường, nơi các đoàn vận động viên, khách trong và ngoài nước lưu trú, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hải Dương (VHTTDL) đã tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng và nổi bật của tỉnh Hải Dương.
Trong dòng người về nhà thi đấu để theo dõi các trận đấu đỉnh cao của bóng bàn Đông Nam Á, hàng ngày còn có nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh tế, du lịch cũng đã về đây tìm các cơ hội để đầu tư, giao thương; tham khảo để liên kết xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch.
Các gian hàng đã giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước những sản phẩm của dòng gốm Chu Đậu phục cổ (xã Thái Tân, huyện Nam Sách), vốn đã nổi tiếng trong và ngoài nước từ khoảng trên 600 năm trước, nay được sản xuất kết hợp giữa thủ công truyền thống với xử lý bằng công nghệ đã tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, được khách hàng trong nước và quốc tế rất yêu thích. Hiện nay mặt hàng này được tiêu thụ mạnh mẽ trong nước cùng hàng chục nước trên thế giới.
Một sản phẩm nữa cũng thu hút các tổ chức và cá nhân tới tìm hiểu, đó là hàng mỹ nghệ chạm khắc gỗ của làng nghề Đông Giao, xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng. Sản phẩm của làng rất đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng và chất liệu gỗ. Hiện nay sản phẩm này của Hải Dương cũng nhận được nhiều đơn hàng trong và ngoài nước.
Hàng thêu cũng là một loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ khá nổi của tỉnh Hải Dương cũng được trưng bày giới thiệu, đó là tranh thêu Xuân Nẻo (xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ). Đây cũng là nơi phát tích của những nghệ nhân thêu cho XQ-Đà Lạt. Hiện nay tại làng còn nhiều cơ sở sản xuất loại mặt hàng này theo phương pháp thủ công truyền thống, thu hút đông đảo du khách, nhất là khách quốc tế mỗi khi tới Hải Dương.
Cũng tại các địa điểm trưng bày, ngành VHTTDL tỉnh Hải Dương cũng đã tổ chức trưng bày, giới thiệu các sản phẩm lưu niệm, sản phẩm mới của du lịch Hải Dương như: trà sen kiếp Bạc - một sản vật phẩm có cách đây trên 700 năm, chuyên dùng trong Tư dinh Vạn Kiếp của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo, nay được tỉnh phục hồi, được rất nhiều du khách tìm mua để thưởng thức.
Thông qua hoạt động ở những điểm hẹn này, các doanh nghiệp du lịch của Hải Dương đã tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và bàn thảo về việc tổ chức các tour tuyến, phối hợp xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng sẵn có của tỉnh Hải Dương, như: trải nghiệm về xứ vải Thanh Hà, Quần thể Di tích danh thắng sinh thái Đảo Cò, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cùng các di tích trên địa bàn TP. Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Cẩm Giàng, Ninh Giang...
Tỉnh Hải Dương dự định khoảng cuối tháng 5 sẽ tổ chức Lễ hội Vải thiều Thanh Hà với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Lễ khai hội và mở vườn vải xuất khẩu; lễ cắt băng xuất khẩu chuyến hàng vải thiều Thanh Hà sang Mỹ; diễn đàn Khuyến nông - Nông nghiệp; hội thi “Vải thiều Thanh Hà - Tinh hoa văn hóa xứ Đông”…
Phạm Chức