Trong gần 950 vận động viên Việt Nam tham dự SEA Games 31, có 3 vận động viên đứng đầu thành tích ở Đại hội, gồm Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Oanh (điền kinh) và Đinh Phương Thành (thể dục dụng cụ), với cùng 8 huy chương Vàng. Kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn đứng thứ tư với sáu huy chương Vàng cờ vua. Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Nguyễn Tiến Nhật và Nguyễn Thành An (đấu kiếm) cùng giành 5 huy chương Vàng.
Nguyễn Thị Oanh là vận động viên trọng điểm của điền kinh Việt Nam hiện nay. Tại SEA Games năm 2017, Oanh đoạt cú đúp vàng 800m và 1.500m, giúp Thể thao Việt Nam thống trị hai nội dung này liên tục từ năm 2001. Tại SEA Games năm 2019, chân chạy Bắc Giang tiếp tục bảo vệ thành công hai nội dung trên, cùng với đó là đoạt huy chương Vàng vượt chướng ngại vật 3.000m. Oanh còn thử sức ở nội dung chạy 42km, khi nhiều lần về nhất VnExpress Marathon.
Nguyễn Thị Huyền giành 5 huy chương Vàng cá nhân và 2 huy chương Vàng đồng đội trong 3 kỳ SEA Games gần đây. Tại SEA Games 2015 ở Singapore, Nguyễn Thị Huyền về nhất chạy 400m, 400m rào và 4x400m tiếp sức. Trong đó 2 nội dung 400m rào và 4x400m tiếp sức, cô phá kỷ lục Đại hội. Hai năm sau ở Kuala Lumpur, Malaysia, Huyền bảo vệ thành công cả 3 chức vô địch, trong đó phá kỷ lục 400m rào. Đến năm 2019 ở Philippines, cô lại giành cú đúp Vàng 400m và 400m rào, nhưng không chạy cùng nhóm tiếp sức 4x400m nữa.
Cũng với 6 huy chương Vàng cá nhân và 2 huy chương Vàng đồng đội giống Nguyễn Thị Huyền, Phương Thành là vận động viên giàu thành tích nhất thể dục dụng cụ Việt Nam hiện tại. Tại SEA Games 2015, Thành đoạt 4 huy chương Vàng ở nội dung xà đơn, xà kép, toàn năng và đồng đội. Hai năm sau, anh bảo vệ thành công huy chương Vàng xà kép và đồng đội. Còn ở SEA Games 2019, Phương Thành đứng đầu xà đơn và xà kép. Cùng lứa Phương Thành, Thanh Tùng cũng đoạt 5 huy chương Vàng, trong đó có nhảy chống và đồng đội 2015; nhảy chống, đồng đội và xà đơn năm 2017.
So với kỳ thủ cờ số một Việt Nam Lê Quang Liêm, Trường Sơn thi đấu ít hơn hẳn trong nhiều năm qua nhưng anh vẫn là kỳ thủ Việt Nam giàu thành tích nhất SEA Games. Kỳ thủ Trường Sơn lần đầu dự Đại hội năm 2005, khi mới 15 tuổi, nhưng đã đoạt 4 huy chương Vàng gồm cờ tiêu chuẩn, cờ nhanh cá nhân và đồng đội. Đến năm 2013, Trường Sơn lại đoạt cú đúp Vàng cờ nhanh và chớp. Lần này, Trường Sơn dự 2 nội dung gồm cờ tiêu chuẩn và cờ nhanh cá nhân. Sau 4 ván cờ tiêu chuẩn, anh đứng thứ hai với ba điểm.
Hai vận động viên còn lại đã giành 5 huy chương Vàng SEA Games đều tới từ môn đấu kiếm. Kiếm thủ Tiến Nhật từng cầm cờ Việt Nam trong lễ khai mạc Olympic London 2012, và anh cũng đoạt huy chương Vàng kiếm ba cạnh cá nhân và đồng đội năm 2015. Kiếm thủ Tiến Nhật đã bảo vệ thành công nội dung cá nhân năm 2017, khi không có nội dung đồng đội. Đến Đại hội năm 2019, Tiến Nhật lại đoạt cú đúp Vàng giống như 4 năm trước đó.
Kiếm thủ Thành An cũng đoạt huy chương Vàng SEA Games ở những nội dung giống Tiến Nhật, chỉ khác ở chỗ kiếm thủ Hà Nội này chơi kiếm chém. Thành An cũng từng cầm cờ Việt Nam tại Olympic Rio 2016. Tiến Nhật và Thành An được kỳ vọng bảo vệ cú đúp Vàng trên sân nhà ở SEA Games 31.
Tính đến ngày 12/5, còn có 2 vận động viên nữa đoạt 5 huy chương Vàng SEA Games, đó là Phạm Thị Huệ và Phạm Thị Thảo của rowing, khi về nhất chung kết thuyền 4 nữ hạng nặng hai mái chèo hôm 11/5.
Anh Minh