- Ông đánh giá như thế nào với các đối thủ của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games lần này?
Tại SEA Games lần này, các đoàn đều tham dự với lực lượng rất mạnh. Về mặt chuyên môn, đoàn Thái Lan luôn được đánh giá cao. Danh sách đăng ký của Đoàn Thể thao Thái Lan đông thứ hai sau chủ nhà Việt Nam, tiếp đó là Malaysia và Indonesia. Vì thế, chúng tôi đánh giá cao đoàn Thái Lan vì đây là ấn số rất lớn đối với Thể thao Việt Nam tại kỳ Đại hội lần này. Thể thao Việt Nam được dự báo sẽ có một kỳ tranh tài khó khăn bởi các môn thể thao Olympic và ASIAD tại khu vực Đông Nam Á luôn có sự cạnh tranh khốc liệt.
Chúng ta tổ chức thi đấu tất cả các nội dung thi đấu Olympic và ASIAD nên các cuộc tranh tài tại SEA Games này nghiêng về thế mạnh của Đoàn thể thao Thái Lan, Indonesia cũng như của Malaysia. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của các vận động viên Việt Nam và khát vọng được thi đấu trên sân nhà, đặc biệt ở nhiều nội dung từ trước đến nay thường bị gạt bỏ, các vận động viên của chúng ta đang rất nỗ lực. Tôi cho rằng, đây là một cuộc tranh tài rất hấp dẫn.
- Theo ông, Thái Lan sẽ cạnh tranh vị trí số 1 với Việt Nam?
Từ trước đến nay, khi tổ chức SEA Game thì nước chủ nhà thường đứng đầu và bỏ khá xa quốc gia đứng thứ hai tới mấy chục huy chương vàng. Nhưng lần này tôi nghĩ khoảng cách trên sẽ thu hẹp hơn rất nhiều bởi vì các nội dung thi đấu của Olympic và ASIAD đều được tổ chức đầy đủ nên thế mạnh không còn phải chỉ của nước chủ nhà mà sẽ chia đều cho tất cả các quốc gia. Theo tính toán về mặt chuyên môn, Thái Lan có thể giành tới hơn 100 huy chương vàng sẽ là một quốc gia cạnh tranh với chủ nhà lần này.
- Ngoài chỉ tiêu thành tích, ông có thể chia sẻ thêm về mục tiêu fairplay?
Trong buổi gặp và động việc các đội tuyển Thể thao Việt Nam chuẩn bị SEA Games, Thủ tướng Phạm Minh Chính có nói, huy chương vàng rất quan trọng nhưng chưa hẳn là quan trong nhất. Đây là chỉ đạo rất đúng của Thủ tướng cũng như các đồng chí lãnh đạo của Chính phủ ngay từ khi chúng ta xây dựng Đề án tổ chức SEA Games. Chúng ta tổ chức một kỳ SEA Games để lại dấu ấn về mặt chuyên môn để cho các nước thấy Việt Nam tổ chức rất công bằng. Chính vì vậy, Ban Tổ chức đưa vào rất nhiều nội dung thi đấu Oympic và ASIAD. Chúng ta không chọn những môn thế mạnh của mình và cắt bỏ những môn thế mạnh của các quốc gia khác. Chúng tôi đánh giá đây là một cuộc tranh tài rất sòng phẳng.
Bên cạnh đó, quan điểm chỉ đạo của chúng tôi là không có sử dụng bất kỳ một “kỹ thuật” nào để chúng ta có thể lấy huy chương bằng mọi giá. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo rất rõ: “Chúng ta không tự tạo áp lực cho chính chúng ta và chúng ta có khả năng đến đâu chúng ta sẽ thi đấu giành thành tích đến đó”.
- Công tác trọng tài tại SEA Games vẫn luôn là vấn đề bị dư luận phàn nàn. Ban Tổ chức có biện pháp gì để khắc phục không, thưa ông?
Một vấn đề rất quan trọng của Đại hội là công tác trọng tài. Chúng tôi đã quán triệt ở tất cả các môn, tất cả các trọng tài điều hành tại SEA Games đợt này cũng như các quan chức kỹ thuật phải điều hành các trận đấu công bằng nhất, vô tư nhất, khách quan nhất để đánh giá được đúng thành tích của các vận động viên. Đây là một trong những khẩu hiệu về mặt chuyên môn của chúng tôi khi tổ chức SEA Games.
- Xin cám ơn ông!
Hải Anh