.JPG)
SAVE tourism là nền tảng cho sự phát triển du lịch hiện nay
Trong thị trường du lịch thế giới và Việt Nam, khi mà nhu cầu tránh xa sự ngột ngạt, đông đúc của du khách càng lớn thì nhu cầu tìm đến văn hóa bản địa, điều kiện tự nhiên khác biệt cùng những trải nghiệm thú vị, chân thực càng được coi trọng. Những người lắm tiền cũng dần chán những tòa nhà, du thuyền hay các không gian giải trí đẳng cấp. Những người sành điệu cũng dần muốn mình sành điệu theo cách tìm về những nơi khác biệt mà họ mong muốn; những bạn trẻ thì muốn được tình nguyện tham gia vào các nhóm du lịch trải nghiệm, được làm những công việc thiện nguyện cho điểm đến bằng khả năng của họ; các hội thảo khoa học của các ngành, các viện, học viện, trường đại học hay các khóa đào tạo đã dần rời xa những địa điểm trang trọng, đẳng cấp, những hội trường lớn đầy bàn ghế, có xu hướng tìm về các điểm đến mà các giáo sư, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các học viên, sinh viên... cùng được đóng góp tích cực cho điểm đến, cho cộng đồng thông qua chính các bài học, bài thảo luận lý thuyết của họ.
Các cuộc nghiên cứu, thám hiểm khoa học của các scientific tourism đã diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Họ là các nhà khoa học, các nghiên cứu viên, các sinh viên,... và họ rất quan tâm đến vấn đề thực tiễn khoa học cần nghiên cứu như nhân chủng học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, sinh học bảo tồn, văn hóa nghệ thuật học. Họ đăng ký và tổ chức các chuyến đi (có thể qua các công ty lữ hành hoặc họ tự tổ chức) với mục đích chính là nghiên cứu học thuật, thám hiểm, khám phá khoa học tại điểm đến. Đoàn thuê nhân công địa phương, sống, ăn, ở và sinh hoạt trong cộng đồng, sử dụng phương tiện giao thông địa phương, mua sắm hàng hóa địa phương, giao lưu văn hóa và trao đổi kinh nghiệm, truyền thụ kiến thức dẫn đến lợi ích kinh tế, nâng cao trình độ khoa học cho thành viên đoàn và nâng cao trình độ nhận thức, ngoại ngữ, giao tiếp, kỹ năng cho cộng đồng.
Trên thế giới, đã có nhiều giáo sư, viện sĩ, học giả, các chuyên gia, nhà khoa học đã đăng ký tham gia các tour du lịch SAVE tourism để được chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng với cộng đồng. Khảo sát trực tuyến thông qua các cơ sở dữ liệu thành viên của Gap Adventures, TIES và Planeterra với các liên kết trên Facebook, Twitter và các trang web tiêu dùng, các trang web du lịch thì có 1.073 phản hồi từ hơn 70 quốc gia, trong đó 60% là những người tình nguyện tham gia SAVE tourism. Cuộc khảo sát đã nghiên cứu động lực của những người đăng ký tình nguyện thì nhận thấy rằng hầu hết họ đều có lí do là muốn cống hiến, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức. Đặc biệt, họ được thúc đẩy bởi sự quan tâm của họ đối với công tác bảo tồn môi trường tự nhiên, văn hóa, các dự án du lịch phát triển cộng đồng họ có thể làm. Một tỷ lệ không nhỏ sẵn sàng chi trả cho các chuyến đi tình nguyện du lịch hàng tháng. Đa phần chọn 1 - 2 tuần.
Tương tự như vậy, khách du lịch học thuật, khách du lịch giáo dục khi đóng vai voluntourism (tình nguyện viên du lịch) cũng luôn quan tâm đến giá trị thu được trong 1 - 2 tuần, 1 tháng hoặc dài hơn. Các khách du lịch học thuật, giáo dục quan tâm đến kết quả nghiên cứu, điền dã, kết quả đào tạo, truyền thụ kiến thức cho cộng đồng, kết quả của việc giao tiếp ngôn ngữ, ngoại ngữ... Họ cũng rất quan tâm đến chi phí họ bỏ ra cho một chuyến đi có xứng đáng với công sức tình nguyện họ bỏ ra và kết quả thu được hay không. Có thể nói, các đối tượng khách du lịch này ít quan tâm đến tiện nghi tại điểm đến, họ khá dễ thích nghi với cộng đồng và cũng chi tiêu tiết kiệm.
Mặt khác, trong khi cạnh tranh trong du lịch rất cao, cầu du lịch ngày càng đòi hỏi sự khác biệt và hấp dẫn, cung nhiều nhưng hầu hết chạy theo thị trường, bon chen và ít chịu khó định vị sản phẩm của riêng mình để tạo lối đi riêng, điểm đến cũng bị thương mại hóa dẫn đến cộng đồng địa phương cũng bị xoáy vào sức hút của đồng tiền mà quên mất làm du lịch có nền tảng bền vững. Tất cả những điều đó dẫn đến xu hướng của SAVE tourism. Nó cần thiết, nó ít bị tác động của lợi ích kinh tế và nó có nền tảng khoa học, giáo dục, học thuật và con người tốt.
Đa số các nước đang phát triển trong quá trình phát triển du lịch đã đánh mất đi các giá trị cốt lõi để phát triển bền vững. Họ quá sa vào làm thế nào để khách du lịch nước ngoài đến với mình càng nhiều càng tốt, tiêu thật nhiều tiền, ở lại thật lâu nên họ quan tâm hơn đến hạ tầng, sân bay, bến cảng, khách sạn, nhà hàng, giải trí... Các nước đang phát triển làm du lịch dễ bị lợi ích kinh tế trước mắt lấn át vì bản thân các nhà quản lý du lịch các nước đó cũng bị cuốn vào việc phải đạt mục tiêu tăng trưởng, số lượng khách năm sau tăng hơn năm trước để góp phần vào tỷ trọng GDP của cả quốc gia, thay vì bài toán phát triển bền vững. Và khi nhìn lại thì một trong những điều họ đã bỏ quên trong quá trình làm du lịch, đó là chưa tập trung khai thác những thế mạnh mà SAVE tourism đem lại cho du lịch.
Tuy vậy, ở nhiều quốc gia đang phát triển du lịch, chính phủ, các bộ du lịch đã coi SAVE tourism là mục tiêu ưu tiên và sử dụng bản chất, nội hàm giá trị của nó áp dụng vào nhiều khía cạnh, loại hình, sản phẩm du lịch tại nhiều điểm đến của quốc gia đó. Một số quốc gia đã đưa vào chương trình hành động phát triển du lịch quốc gia tầm nhìn dài hạn như Thái Lan, Honduras, Indonesia, Nepal, Nam Phi... để qua đó, các nhà quản lý, các tổ chức du lịch, lữ hành, khách sạn, các tổ chức tình nguyện, tổ chức giáo dục, tổ chức khoa học nghiên cứu, các học viện về du lịch, các cá nhân, hộ gia đình tại điểm đến cùng chung tay tạo lập các nguyên tắc phát triển du lịch bền vững để phát triển du lịch đạt giá trị cao về văn hóa, đồng thời bảo tồn được tài nguyên thiên nhiên, góp phần từng bước nâng cao giá trị từng điểm đến.
Với bản chất như vậy, SAVE tourism khác biệt với hầu hết các cách làm du lịch lâu nay ở nhiều quốc gia, đặc biệt là tại các điểm đến hiện đại, với nền tảng là hạ tầng, giao thông, khách sạn, nhà hàng và các cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đều mới, hiện đại và phù hợp với thời đại hiện nay. SAVE tourism tạo ra cái nhìn bền vững, đại diện cho các điểm đến, nơi mà khách du lịch có thể tham gia nghiên cứu, học tập và đóng vai trò tình nguyện để góp phần nâng cao nhận thức cho chính bản thân họ và cộng đồng, góp phần phát triển du lịch từ cộng đồng địa phương.
Thời gian qua, nhiều quốc gia khi triển khai SAVE tourism đã chủ yếu tập trung vào hỗ trợ y tế, khám sức khỏe, phổ biến kỹ thuật, khoa học, nâng cao nhận thức về môi trường, đào tạo, giảng dạy các khóa ngắn hạn cho trẻ em về kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ, đào tạo kỹ năng hướng dẫn viên bản địa và tạo lập các dự án du lịch cộng đồng. Điều này cũng góp phần giúp tình nguyện viên được trải nghiệm giá trị đích thực tại điểm đến, gặp gỡ văn hóa bản địa, tạo động lực cho chính họ phát triển hơn nữa hoạt động hữu ích này tại các điểm đến khác. Đối với nhiều nước đang phát triển với hạ tầng kém, cơ sở vật chất nghèo nàn, lực lượng lao động trong du lịch ít được đào tạo, ít được áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong quá trình nâng cao năng lực điểm đến thì SAVE tourism đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng các giai đoạn phát triển du lịch non trẻ hoặc quá gấp gáp, quá nóng mà quên mất giá trị bền vững.
SAVE tourism tại Việt Nam
Với bản chất của SAVE tourism là du khách bị thúc đẩy bởi mong muốn tham gia vào các hoạt động trải nghiệm du lịch liên quan đến sự tương tác chặt chẽ với thiên nhiên, văn hóa và con người bản địa theo cách nâng cao kiến thức cho chính họ hoặc cho cộng đồng dân cư, đồng thời thúc đẩy niềm tin vào sự đóng góp của họ cho điểm đến tốt hơn, khách du lịch SAVE sẽ đặt giá trị cao vào các tài nguyên tự nhiên, nhân văn và cộng đồng nơi họ đến và tuân thủ một cách tự nhiên các nguyên tắc của du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, nên ngay tại Việt Nam, việc áp dụng SAVE tourism vào một số điểm đến không phải là điều quá khó.
Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, tỷ lệ dân số trẻ cao, tỷ lệ dân số học tập, nghiên cứu, sẵn sàng làm tình nguyện viên du lịch không nhỏ. Nhiều bạn trẻ hiện nay có học thức, có hoài bão và có nhu cầu cống hiến. Trong khi Việt Nam đang coi du lịch là trọng điểm, là mũi nhọn để phát triển kinh tế, hạ tầng, dịch vụ và trên hết là đem lại thu nhập cho người dân cũng như đóng góp vào tỷ trọng GDP cả nước thì việc áp dụng SAVE tourism vào các điểm đến để khai thác nguồn khách dồi dào muốn tình nguyện áp dụng khoa học, giáo dục và học thuật để đóng góp cho điểm đến, giúp chính họ nâng cao năng lực bản thân là điều cần thiết.
Hơn nữa, tại Việt Nam, với 3/4 diện tích là đồi núi và trung du, với cộng đồng 54 dân tộc anh em vô cùng đa dạng và phong phú về văn hóa tộc người, với tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đậm đặc thì việc lựa chọn các điểm đến để phát triển SAVE tourism không khó khăn. Các nhóm du khách của SAVE tourism đều có nhu cầu nghiên cứu, điền dã, khám phá, nghiên cứu khoa học các lĩnh vực như nhân chủng học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, sinh học bảo tồn, văn hóa nghệ thuật học, dân tộc học... và có nhu cầu tình nguyện cống hiến, phát triển dự án, chia sẻ kiến thức. Rất nhiều điểm đến của Việt Nam ở vùng núi, hải đảo, nông thôn có thể đáp ứng được nhu cầu đó của khách. Vấn đề là cần có sự định hướng chiến lược của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, sự nhìn nhận lợi ích cốt lõi của SAVE tourism mang lại của các nhà quản lý, các địa phương, các công ty lữ hành và du khách.
.JPG)
Tại Việt Nam, du lịch tình nguyện đang dần phổ biến khi chính du khách được tham gia vào chuyến đi kết hợp du lịch địa phương, tận hưởng dịch vụ giải trí, mua sắm và giúp đỡ người dân hoàn thiện dịch vụ của mình. Chương trình tập trung vào du lịch sinh thái và cộng đồng người Việt ở vùng sâu vùng xa, với mục tiêu giúp người dân đặc biệt là những gia đình khó khăn có thể phát triển sự nghiệp và công việc ngay tại trên quê hương hay chính ngôi nhà của mình từ việc xây dựng homestay, dịch vụ trải nghiệm văn hóa vùng miền… Ra đời từ tháng 6/2013, tổ chức phi chính phủ V.E.O (Volunteer for Education Organization) đã kết nối các tình nguyện viên trên toàn thế giới, nhằm chung tay giúp đỡ những đối tượng khó khăn thông qua các chương trình giáo dục, với các dự án chính: “Tủ sách trong veo”, “Kiến tạo tương lai người Việt trẻ” và “Du lịch tình nguyện”. Hàng trăm thành viên, tình nguyện viên V.E.O đã có mặt ở nhiều vùng đất phía Bắc và đang có một điểm dự án ở phía Nam, để kết nối rộng rãi thành viên tham gia.
Đến nay V.E.O đã mở thêm các điểm dự án du lịch thiện nguyện tại 12 tỉnh, trong đó có 11 tỉnh ở phía Bắc là Mai Châu, bản Cỏi (Phú Thọ), Thác Bà (Yên Bái), Tả Van (Sapa), Na Hang (Tuyên Quang), Bắc Sơn (Lạng Sơn), Bản Giốc (Cao Bằng), Lô Lô Chải (Hà Giang), Tuần Giáo (Điện Biên), Mù Cang Chải (Yên Bái), Hạ Thành (Hà Giang) và một điểm ở phía Nam là Trà Vinh. Tại các điểm dự án, điều phối viên sẽ là người phụ trách khảo sát, lên kế hoạch cho chuyến đi để làm việc với người dân và chính quyền địa phương, nhằm vận động phát triển du lịch cộng đồng tại chính nơi mình sinh sống. Du lịch tình nguyện khác với chương trình sinh viên tình nguyện. Người tham gia phải đóng một khoản phí nhất định (từ 400.000 - 800.000 đồng/ngày đêm, đã bao gồm phí đi lại, ăn, ở, tham gia các trải nghiệm văn hóa địa phương), nhưng cũng có khi hoàn toàn miễn phí. Đối tượng tham gia du lịch tình nguyện bao gồm người đi làm, cán bộ nghỉ hưu và đông đảo nhất là học sinh, sinh viên. Các tình nguyện viên tham gia có cơ hội được học những kỹ năng mới cho cuộc sống và phát triển bản thân trong thời gian ngắn, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ, tư duy toàn cầu và định hướng du học, làm việc trở thành một công dân toàn cầu trong tương lai. Chương trình cũng là cầu nối đặc biệt giữa các chuyên gia quốc tế với cộng đồng người dân địa phương, các tình nguyện viên Việt Nam tham gia chương trình, ngoài việc trải nghiệm, học tập, còn là cơ hội để hỗ trợ những dự án phát triển cộng đồng, người yếu thế trong xã hội nằm trong các điểm đến của V.E.O. Ngoài ra V.E.O còn xây dựng mô hình WorkCamp (Trại hè tình nguyện) kéo dài bảy ngày vào dịp hè. Năm 2018, V.E.O đón đoàn các bạn học sinh đến từ Singapore, mỗi năm sang Việt Nam trải nghiệm hai lần mô hình của V.E.O để làm các hoạt động tình nguyện, với hoạt động đầu tiên ở Mai Châu (Hòa Bình). V.E.O sẽ mở rộng thêm mô hình ở ba điểm khác là Hạ Thành (Hà Giang), Bắc Sơn (Lạng Sơn) và Na Hang (Tuyên Quang)…
SAVE tourism là chữ viết tắt của Scientific, Academic, Volunteer, Education. Khách du lịch SAVE Tourism được hiểu là khách du lịch khoa học (scientific tourism), khách du lịch học thuật (academic tourism), khách du lịch tình nguyện (volunteer tourism), khách du lịch giáo dục (education tourism). Đây là loại hình du lịch gắn với khoa học, giáo dục, học thuật và tình nguyện, là một trong những nền tảng cho du lịch bền vững, du lịch cần được bảo vệ, du lịch có trách nhiệm. Cũng có chuyên gia cho rằng, SAVE tourism còn có thể được hiểu là du lịch bảo đảm, du lịch tiết kiệm...
|
Tài liệu tham khảo
SAVE Tourism Opportunities, TS Kristin Lamoureux, Giám đốc Viện nghiên cứu du lịch, Đại học George Washington, Hoa Kỳ.
TS. Nguyễn Đức Thắng
Ảnh: Jinnee
(Tạp chí Du lịch tháng 12/2019)