Tuy nhiên, qua khảo sát 468 du khách (trong đó có 226 du khách nội địa và 242 du khách quốc tế) về cảm nhận của họ đối với sản phẩm lưu niệm của Hà Nội, nhóm tác giả đã tìm ra một số nguyên nhân khiến du khách chưa mặn mà với sản phẩm lưu niệm Hà Nội, từ đó khuyến nghị các giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy phát triển sản phẩm lưu niệm Hà Nội và phát huy vai trò của chúng trong phát triển du lịch.
Khách du lịch nội địa
Về các tiêu chí (theo mức độ quan trọng nhất từ 1 - 8) du khách quan tâm khi lựa chọn sản phẩm lưu niệm, kết quả cho thấy tiêu chí quan trọng nhất đối với khách du lịch nội địa là tính an toàn của sản phẩm (mức độ trung bình là 1,2). Tiêu chí quan trọng thứ hai là tiêu chí về chất lượng sản phẩm (mức độ trung bình là 1,9) và tính đặc thù, đặc trưng của sản phẩm (mức độ trung bình là 2,9); tiếp theo là tính gọn nhẹ, tiện lợi (5,7), tiêu chí về mẫu mã, loại hình đa dạng (5,9), giá thành sản phẩm (7,0) và cuối cùng là tiêu chí xây dựng thương hiệu riêng (7,1).
Về mức độ hấp dẫn, chỉ 7,9% khách du lịch nội địa đánh giá cao mức độ hấp dẫn của sản phẩm lưu niệm Hà Nội, trong đó 1,3% cho rằng rất hấp dẫn và 6,6% cho rằng hấp dẫn. 37,2% khách nội địa đánh giá sức hấp dẫn của sản phẩm lưu niệm của Hà Nội ở mức bình thường. Phần lớn khách nội địa (54,9%) cho rằng sản phẩm lưu niệm của Hà Nội kém hấp dẫn, trong đó có 7,5% cho rằng sản phẩm lưu niệm của Hà Nội hoàn toàn không hấp dẫn.
Về tính phong phú, đa dạng, 46,5% du khách nội địa đánh giá mức độ phong phú, đa dạng của sản phẩm Hà Nội ở mức bình thường, 42,9% cho rằng sản phẩm lưu niệm của Hà Nội kém phong phú, đa dạng. Và 10,2% khách nội địa cho rằng sản phẩm lưu niệm của Hà Nội phong phú, đa dạng (0,9% đánh giá rất phong phú đa dạng và 9,3% đánh giá phong phú đa dạng), 0,4% cho rằng sản phẩm lưu niệm của Hà Nội hoàn toàn không phong phú, đa dạng.
Về nét đặc trưng riêng của các sản phẩm lưu niệm Hà Nội, 2,2% khách du lịch nội địa cho rằng sản phẩm lưu niệm của Hà Nội thể hiện rõ những nét đặc trưng của thành phố. Số khách du lịch đánh giá sản phẩm lưu niệm của Hà Nội còn mờ nhạt chiếm tỷ lệ cao nhất (42,5%), và 37,2% cho rằng sản phẩm hoàn toàn không thể hiện được tính đặc trưng. 18,1% đánh giá tính đặc trưng của sản phẩm ở mức bình thường.
Về giá thành, phần lớn khách nội địa trả lời là sản phẩm lưu niệm của Hà Nội có giá thành cao (chiếm 45,1%), ngoài ra có 27,4% cho rằng giá thành sản phẩm lưu niệm của Hà Nội rất cao. 21,7% khách nội địa nghĩ mức giá hiện nay là phù hợp, và chỉ có 5,8% cho rằng giá rẻ.
Về mức độ hài lòng của khách du lịch nội địa đối với sản phẩm lưu niệm của Hà Nội: 18,1% hài lòng, chỉ có 1,8% rất hài lòng; 64,6% cảm thấy bình thường; 11,5% không hài lòng, và 4,0% thất vọng với sản phẩm lưu niệm của Hà Nội.
Du khách quốc tế
Về tiêu chí khách du lịch quan tâm khi lựa chọn sản phẩm lưu niệmcũng giống như khách nội địa, khi lựa chọn sản phẩm lưu niệm khách quốc tế quan tâm đến tiêu chí hàng đầu là tính an toàn của sản phẩm (mức độ trung bình là 1,2), thứ hai là chất lượng sản phẩm (mức độ trung bình 1,9), tính đặc thù, đặc trưng của sản phẩm (3,2); tiếp đó là tính độc đáo, sáng tạo (4,0), tiêu chí mẫu mã, loại hình đa dạng (5,7), tiêu chí gọn nhẹ, tiện lợi (5,9), tiêu chí giá thành (6,9) và tiêu chí xây dựng thương hiệu riêng (7,3).
Về mức độ hấp dẫn, phần lớn du khách quốc tế cho rằng sản phẩm lưu niệm của Hà Nội chưa có sức hấp dẫn (39,7%), và 7,4% cảm thấy hoàn toàn không có sức hấp dẫn, 16,9% đánh giá hấp dẫn và 1,7% cho rằng rất hấp dẫn, 34,3% đánh giá mức độ hấp dẫn chỉ ở mức bình thường.
Về tính phong phú, da dạng, 47,5% khách quốc tế cho rằng sản phẩm lưu niệm của Hà Nội không phong phú, đa dạng, 3,7% cảm thấy sản phẩm hoàn toàn không có sự phong phú, đa dạng, 36,8% đánh giá ở mức bình thường, 10,3% cho rằng sản phẩm lưu niệm của Hà Nội phong phú, đa dạng và chỉ có 1,7% đánh giá rất cao tính phong phú, đa dạng của sản phẩm.
Về nét đặc trưng riêng của sản phẩm lưu niệm Hà Nội, 34,7% khách du lịch quốc tế đánh giá tính đặc trưng của sản phẩm lưu niệm Hà Nội ở mức bình thường và 31,8% nghĩ sản phẩm còn mờ nhạt, chưa có nét đặc trưng riêng, thậm chí có đến 28,5% đánh giá sản phẩm lưu niệm của Hà Nội hoàn toàn chưa thể hiện được tính đặc trưng, chỉ có 5,0% cho rằng sản phẩm lưu niệm của Hà Nội thể hiện rõ nét tính đặc trưng.
Về giá thành, 46,3% khách quốc tế nghĩ rằng giá thành sản phẩm ở mức cao, 18,6% đánh giá rất cao, 28,1% thấy mức giá hiện nay là phù hợp và 7,0% cho rằng giá thành của sản phẩm lưu niệm của Hà Nội ở mức thấp.
Về mức độ hài lòng, 24,0% khách quốc tế cảm thấy hài lòng, 2,5% rất hài lòng với sản phẩm lưu niệm của Hà Nội, 43,8% khách quốc tế cảm thấy bình thường, 18,6% không hài lòng và có 11,1% thất vọng về sản phẩm lưu niệm của Hà Nội.
Kết quả khảo sát cho thấy, đánh giá về sản phẩm lưu niệm Hà Nội của khách quốc tế thường mang tính tích cực hơn và chiếm tỷ lệ cao hơn so với khách nội địa, cụ thể: đánh giá sản phẩm lưu niệm Hà Nội hấp dẫn có 28,6% khách quốc tế so với 7,9% khách nội địa; sản phẩm lưu niệm Hà Nội phong phú, đa dạng: 12,0% so với 10,2%; sản phẩm lưu niệm Hà Nội thể hiện rõ nét đặc trưng riêng: 5,0% so với 2,2%; giá thành sản phẩm lưu niệm Hà Nội cao: 64,9% khách quốc tế so với 72,5% khách nội địa; hài lòng về sản phẩm lưu niệm của Hà Nội: 26,5% so với 19,9%. Như vậy, qua đây có thể thấy khách du lịch quan tâm đến tính an toàn, chất lượng và tính đặc trưng của sản phẩm lưu niệm khi lựa chọn mua sản phẩm. Phần lớn khách du lịch chưa hài lòng về sản phẩm lưu niệm của Hà Nội và cho rằng chúng chưa hấp dẫn, không thể hiện rõ tính đặc trưng. Do đó, sản phẩm lưu niệm của Hà Nội chưa tạo được sức hút để có thể kích thích nhu cầu mua sắm của du khách.
Để phát triển sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Hà Nội, tăng sức hấp dẫn đối với du khách, việc phát triển sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch cần được tiếp cận ở tầm chiến lược, cần có vai trò nhạc trưởng của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch là Sở Du lịch Hà Nội, sự liên kết hợp tác chặt chẽ của các bên liên quan. Ngành Du lịch Hà Nội cần triển khai các giải pháp mang tính hệ thống, liên hoàn, đồng bộ và cụ thể như: xây dựng chính sách chung hỗ trợ phát triển sản phẩm lưu niệm của Hà Nội, các chính sách cụ thể về phát triển làng nghề truyền thống và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản phẩm lưu niệm của Hà Nội (ví dụ như chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn và đầu tư tín dụng, chính sách ưu đãi với nghệ nhân, đào tạo lao động, hỗ trợ xúc tiến thương mại, chính sách khen thưởng, chính sách bảo vệ môi trường...); tổ chức nghiên cứu thị trường và định hướng các dòng sản phẩm lưu niệm; tổ chức sản xuất, tập trung vào nâng cao chất lượng, đa dạng hóa về mẫu mã, tăng cường kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, cần truyền thông, tiếp thị thông qua website giới thiệu sản phẩm, các trang mạng xã hội, ấn phẩm điện tử, thư điện tử, banner đặt trên các website; tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh sản phẩm lưu niệm; hỗ trợ, đầu tư, khuyến khích phát triển sản phẩm lưu niệm.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Thị Mai An (2014), “Sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch tại thành phố Đà Nẵng: Những thực tiễn khả quan”, Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, Số: 3 (29), tr 17-21.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2014), Quyết định về việc Phê duyệt “Chiến lược marketing du lịch đến năm 2020", số 3455/QĐ-BVHTTDL.
3. UBND Thành phố Hà Nội, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Nguyễn Thị Hồng Nhung
(Tạp chí Du lịch)