Chơi ô ăn quan
Chỉ với viên phấn, những viên sỏi lớn nhỏ, một khoảng sân là trẻ em đã có ngay một cuộc chơi ô ăn quan vô cùng vui vẻ và thú vị. Bàn chơi là một hình vẽ hình chữ nhật được chia thành 10 ô vuông nhỏ (ô dân), mỗi bên có năm ô đối xứng nhau. Ở hai đầu được vẽ 2 hình bán nguyệt hướng ra phía ngoài (ô quan). Người thông minh nhất sẽ nghĩ ra cách đi để giành được nhiều quân hơn đối phương. Kết thúc trò chơi, nếu ai có nhiều quân người đó giành chiến thắng.
Chơi đu
Khen ai khéo dựng đu này
Để cho trai gái chơi ngày, chơi đêm...
Chơi đu - một trò chơi dân gian thường gặp ở nước ta trong những ngày hội, ngày tết vùng nông thôn phía Bắc.
Người ta chọn những cây tre to, dài, để trồng đu trên nền đất rộng rãi, khô ráo. Một cây đu có thể được trồng bởi 4 - 6 cây tre to, cần đu cũng là những cây tre dài nhưng thon nhỏ (thường là cây tre đực), để người đu không bị tuột tay lúc đu nhanh, mạnh. Có thể đu một người hay đu hai người. Đẹp nhất là đu đôi, các đôi trai gái ưng ý lựa chọn nhau lên đu, người nhún người đẩy. Nhiều đôi đã nên vợ nên chồng sau những cuộc chơi đu như thế.
Chơi đu khiến mọi người vui vẻ gần gũi nhau hơn sau những vụ mùa lao động vất vả.
Đấu vật
Đấu vật là một trò chơi thượng võ, cũng là một môn thể thao rất nổi tiếng vào các dịp tết. Ở Việt Nam ngoài đấu vật ngày tết còn có nhiều hội vật làng Sình, Liễu Đôi, Hà Nam, Mai Động... Xưa ở vùng Bắc Ninh, Phú Thọ có những lò vật và những đô vật nổi tiếng cả một vùng. Để khuyến khích tài năng cũng như sự rèn luyện của trai tráng, nhiều làng xã đã treo giải vật rất cao trong ba ngày tết.
Người chiến thắng là người vật cho đối phương thua trắng bụng (ngã ngửa ra đất) hay nhấc bổng được đối phương lên. Bởi vậy, người chơi không chỉ cần có sức khỏe mà còn cần mưu trí và sự nhanh nhẹn.
Kéo co
Là một trò chơi thu hút được rất nhiều người cùng tham gia, kéo co đã trở thành trò chơi tập thể phổ biến ở nhiều nơi. Cách chơi đơn giản, số người chơi bao nhiêu tùy ý, chia làm hai phe bằng nhau, làm mốc đánh dấu vạch vôi để bên nào kéo được đối phương sang qua vạch mốc bên kia là bên đó thắng.
Chơi cờ người
Cờ người cũng là cờ tướng nhưng quân cờ là người thật. Trên sân bãi, 16 nam áo đỏ, 16 nữ mặc áo đen đeo biển (tên quân cờ) trước ngực, đứng vào vị trí. Hai tướng (Tướng Ông, Tướng Bà) mặc đẹp như trong cờ tướng, có 2 cờ đuôi nheo cắm chéo sau lưng, được che lọng. Gặp buổi trời nắng, thì mỗi quân cờ được một người che ô, đứng bên và đi theo mỗi lần quân chuyển. Hai đối thủ chơi cờ ngồi phía sau. Có người chạy cờ, lo việc chuyển quân theo ý định của người chơi.
Mỗi lần đi một nước, đấu thủ (có tiếng trống khẩu) gõ một tiếng. Người chạy cờ tới nghe lệnh và chuyển quân trên bãi. Vào cuộc chơi phải bình tĩnh, thận trọng, chủ động không bị phân tán bởi những người xem mách nước… Đi một nước phải tính trước 2, 3 nước tiếp theo để khỏi bị bất ngờ trước đối thủ của mình. Cờ tướng, cờ người thường thấy trong những ngày tết, ngày hội làng.
Đi cà kheo
Đi cà kheo là một trò chơi đòi hỏi người chơi phải lấy được thế cân bằng, có bước đi chính xác, sức khoẻ tốt kết hợp nhịp nhàng cả chân lẫn tay. Để làm chủ được đôi cà kheo đòi hỏi một khoảng thời gian tập luyện, dài hay ngắn tùy theo sự khéo léo của mỗi người.
Các cuộc thi cà kheo tạo được tiếng cười sảng khoái bởi sự hấp dẫn, bất ngờ của trò chơi. Sau khi chọn được người thắng cuộc, đội cà kheo cùng các cổ động viên của làng sẽ sang làng khác để thi tiếp.
Trò chơi dân gian Việt Nam có đặc điểm thường đơn giản, không cầu kỳ, tốn kém, công cụ để chơi những trò chơi này thường dễ kiếm, dễ làm, chủ yếu lấy từ những đồ vật, cây cối xung quanh... Không chỉ vậy, trò chơi dân gian Việt Nam là một kho tàng đời sống tinh thần phong phú, bổ ích, ẩn chứa trong đó những nét đẹp văn hóa và mang giá trị truyền thống đáng tự hào.
Gia Huy
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)