Huế trong những thời khắc giao niên…
Khoảng thời gian cuối năm, trong những nếp nhà xứ Huế, mọi người tất bật sửa soạn đón mừng tân niên.
Trong những nếp nhà rội, dạng cấu trúc khá đơn giản bằng tranh tre nứa lá…, đây đó bộ trướng liễn làng Chuồn được treo lên trong gian chính giữa ngôi nhà, che kín cái hở hang, trống vắng - nếu có trên tường vách, cặp hoa giấy, đôi bông đũa làm rực rỡ bàn thờ… Trong không gian bình dị, những sản phẩm trang trí nặng chất tín ngưỡng lại trở nên phát huy tác dụng, làm cho nội thất ngôi nhà trở nên tươi mới mỗi dịp xuân về.
Ở những ngôi nhà rường, không khí đón mừng năm mới có vẻ như tất bật và kỹ càng hơn, một màu vôi mới được quét lên bức vách, bộ lư đồng trên bàn thờ được lau chùi bằng nước khế chua hay bồ kết, nhang trầm sáng loáng; những chai nước mưa tinh khiết dùng để dâng cúng Phật luôn là phần không thể thiếu. Hơn lúc nào hết, bàn thờ gia tiên lúc này trở nên thật thanh khiết và ấm áp.
Cuối năm, khoảng thời gian những đứa trẻ trong đại gia đình Huế được tập trung lau dọn dưới sự chỉ dẫn của người lớn. Cuối năm, cũng là khoảng thời gian nhiều gia đình phật tử Huế mang lễ vật gạo, tương, chao, mè, đậu, mứt, bánh, trà… cúng dường cho nhà chùa chuẩn bị đón tết.
Và mâm ngũ quả, bánh trái gạo muối… những lễ vật cúng bái được chuẩn bị đủ đầy trên chiếc bàn nhỏ đặt trước hiên nhà chờ cúng giao thừa.
Người Huế không bước chân ra đường vào đêm giao thừa. Tiếng bước chân ngoài đường trong đêm ba mươi chỉ là của những kẻ tha hương, chốn về vô định. Chiều ba mươi tết, những con phố thật buồn và trống trải, một bức tranh tĩnh vật nguyên vẹn và hoàn chỉnh, mà chi tiết con người trong đó, nếu có, luôn vội vã trở về mái ấm của mình trước lúc giao niên.
Đêm giao thừa cũng chính là lúc mọi hỷ, nộ, ái, ố… của một năm cũ được xóa nhòa, mọi người quây quần bên nhau trong mái ấm gia đình, đón chờ vị phúc thần nắm giữ sự may mắn, hanh thông trong năm mới. Sau những tuần hương nghiêm cẩn thắp trên bàn thờ gia tiên mời ông bà về chung vui đón tết là một phong tục rất Huế, một cuộc đại kiểm điểm của từng cá nhân diễn ra trên tinh thần sẻ chia và thông cảm, nhưng cũng đầy sự nghiêm khắc dưới sự chủ tọa của người chủ gia đình với những thành viên trong nhà.
Không khí căng thẳng trong phút chốc chợt tan biến khi người chủ gia đình bắt đầu phát phong bao lì xì may mắn đã công phu chuẩn bị cho từng người, mà trong đó, bao giờ cũng là ít tiền đủ để chi tiêu ba ngày tết kèm mảnh giấy nhỏ gấp gọn gàng chứa đựng những lời nhắn nhủ, răn dạy. Bao giờ cũng thế, cuộc họp gia đình luôn diễn ra trong không khí ấm cúng, bên đĩa bánh thuẫn, mứt gừng, mứt dừa… và khay trà nóng ấm.
… và những ngày đầu năm mới
Viếng mộ tổ tiên và đi lễ chùa là việc làm không thể thiếu vào sáng mồng một tết. Cửa thiền lúc này ngập tràn khói hương, hòa quyện trong tiếng chuông, âm điệu ngâm nga của lời kinh tiếng kệ, người Huế tìm đến vị bổn sư để nhận được lời chúc phúc, xin xăm đoán quẻ đầu năm, nguyện cầu một năm mới thật an lành, hạnh phúc. Có thể đây đó, một nén nhang cháy dở được họ kính cẩn mang về nhà cắm lên bát hương đã tấu sẵn trên bàn thờ gia tiên như một hình thức rước lộc đầu năm, cùng với lòng hoan hỉ vô biên; hoặc trái cau, lá trầu mua lộc trên đường đi. Trong lòng phật tử, đấy là tất cả hành trang sẽ song hành cùng họ trong suốt một năm.
Rất bình dị, nhiều nếp nghĩ được người Huế mặc nhiên thực hành trong ba ngày tết. Ví như việc họ tin rằng không quét nhà, hoặc nếu phải quét không được quét ra ngoài là hành động đảm bảo một năm tài lộc không thất tán. Thăm hỏi, chúc tết bà con, bằng hữu, bổ quả cau, xem lá trầu, giở câu Kiều đoán vận mệnh, hay ăn những món ăn có vị ngọt đầu năm với những người thân trong gia đình… là những thói quen và cũng là tập tục đã được duy trì từ ngàn xưa đến nay.
Không quá nhiều và cũng không quá nặng nề, nhưng cứ mỗi tập tục cứ đọng lại thành tâm thức, thành một nếp sống khó có thể nhạt phai trong lòng mỗi người dân xứ Huế.
Bảo Đàn
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)