Then có nghĩa là Tiên (có nơi gọi là Sliên), con của trời, giữ vai trò trung gian giữa thế giới thần linh với thế giới con người. Then có thể giao tiếp với thế giới thần linh, bày tỏ nguyện vọng của con người tới thần linh, và thông qua Then, thần linh sẽ giúp con người thực hiện những ước mơ đó. Ở Cao Bằng, du khách có thể thưởng thức then tại một số điểm biểu diễn chuyên nghiệp của các nghệ sĩ, nghệ nhân, nhưng hấp dẫn hơn cả vẫn là được tham gia vào các nghi lễ then như lễ giải hạn, lễ cầu an, lễ cầu mùa, lễ tống tiễn tại gia đình đồng bào Tày - Nùng... Lễ cầu an thường được tổ chức vào tháng giêng hàng năm. Người ta đón ông Then hoặc bà Then đến nhà làm lễ với mục đích cầu cho năm mới gia đình được bình an, có sức khỏe và làm ăn phát đạt. Đây cũng là dịp họ hàng, làng xóm thân thích hội tụ vui xuân. Trong lễ này, gia chủ thường mời đến những ông Then, bà Then có giọng hát hay, biết nhiều làn điệu và tay đàn giỏi để mọi người cùng thưởng thức. Lễ giải hạn diễn ra vào bất cứ thời gian nào mà gia chủ cảm thấy cần thiết, họ đón thầy mo hoặc then đến làm lễ cầu an, giải hạn để cầu mong tai qua nạn khỏi, cầu cho mọi điều may mắn sẽ đến. Lễ cầu mùa, cầu đảo, diệt trùng thường tổ chức vào những ngày đầu mùa màng. Hay khi có người ốm, người ta cũng mời then về để chữa bệnh. Bằng âm nhạc, thơ ca, then giúp cho người bệnh quên đi nỗi đau đớn, tìm lại sự thanh thản trong tâm hồn...
Sức hấp dẫn của then thể hiện ở lời hát, điệu múa, ở trang phục hay trang trí, mĩ thuật nơi biểu diễn... Tất cả tạo nên một không gian văn hóa then đặc trưng. Hát then là yếu tố quan trọng nhất của then, là một nghi thức có tính tôn giáo. Âm nhạc của then có tính chất của nhạc lễ. Then được tổ chức chủ yếu trong nhà, thường là vào đêm khuya thanh vắng. Âm nhạc trong then là loại nhạc êm dịu, ấm cúng, nhẹ nhõm và tâm tình. Phạm vi sân khấu của then là một chiếc chiếu gồm một người đàn hát và người xóc nhạc vừa đủ cho người nghe và xem trong khuôn khổ một gia đình. Lời hát then thường diễn tả những nội dung có cốt truyện dài ngắn khác nhau, lời ca nhiều khi được nhắc đi nhắc lại trên một làn điệu trùng điệp, nhưng không có kết thúc trọn vẹn mà liên tục được nối tiếp sang các chương đoạn khác nhau cho tới khi hết nội dung của một buổi Then. Âm nhạc trong Then khá phong phú về giai điệu và chặt chẽ về tiết tấu, nhịp điệu bởi nó luôn đi đôi với nhịp điệu của tiếng đàn và bộ xóc nhạc. Ở Cao Bằng, có những đoạn trong then dùng nguyên một loại lượn như lượn then hoặc lượn nàng Hai.
Du khách nghe hát then và cũng có thể được xem múa then là hình thức diễn xướng thường có trong những ngày đại lễ “lẩu Then” cấp sắc hoặc khi biểu diễn những chương đoạn của tác phẩm văn học nổi tiếng như “Khảm hải” (Vượt biển). Các điệu múa đều gắn liền với lời hát then hoặc nhạc điệu trong then. Múa then cũng là một nghi thức có tính tôn giáo, khi thể hiện sự hoan hỉ, phấn khởi như múa sluông, khi thể hiện sự trang nghiêm, kính cẩn như múa chầu, thể hiện lòng thiện chí như múa hoa, hoặc mô phỏng những động tác lao động như múa chèo thuyền, những động tác trong sinh hoạt như múa quạt, múa khăn, hay mô tả những động tác trong chiến đấu như múa gươm... Trong nhiều nghi lễ, ông bà Then không múa thì có một tốp người đi theo then múa thay gọi là “bạn Then”. Âm nhạc cho múa then thường đơn giản, song tiết tấu khá phong phú.
Mỹ thuật then cũng là điều rất hấp dẫn du khách, thể hiện ở những đường nét chạm trổ hoa văn ở các cây đàn tính, những mẫu thêu trang trí trên mũ, trên miếng đệm xóc nhạc, đệm ngồi, túi đựng đạo cụ, miếng vải bọc đàn... Trong các nghi lễ, ta còn thấy các mẫu giấy cắt hình hoa, hình người, hình súc vật, chim muông, hoa lá khá đẹp và sinh động được trang trí nơi trình diễn then. Đặc biệt, bàn thờ then được trình bày cầu kỳ và đủ màu sắc, ngoài những hình chạm trổ, trên bàn thờ còn treo những tua dài cắt nhiều hình hoa, hình con vật mà tượng trưng là hình con én (tua ẻn). Trang phục để hát then thường là trang phục phổ biến của người Tày, đàn ông mặc áo dài chàm, quần trắng, đầu đội khăn xếp, đỉnh chếch về phía sau, chân đi hài xảo, giày vải; đàn bà đầu vấn ngang, ngoài chùm khăn vuông mỏ quạ, áo dài màu chàm gài khuy đồng bên phải, ngang lưng thắt dải chàm, hai đuôi dải buông dài xuống đằng sau. Khi biểu diễn then thì trang phục đa dạng hơn, nhất là trong nghi lễ cấp sắc Lẩu Then. Màu sắc quần áo then chủ yếu là các gam màu đỏ, vàng, tím, trắng, chàm...
Then là một di sản văn hóa, đồng thời là một sản phẩm du lịch độc đáo của người Tày - Nùng ở Cao Bằng và một số địa phương khác. Du khách đến Cao Bằng được thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên của thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Khuổi Lai, hang Pác Bó, suối Lê Nin..., nhưng nếu không được ngây ngất, mê hoặc trong tiếng đàn tính, điệu hát then và sắc màu kỳ ảo của điệu múa người trời đưa linh hồn phiêu du nơi thiên giới giữa trầm lắng huyền bí của núi rừng Việt Bắc, thì không trọn vẹn một cuộc chơi.
Then là một loại hình sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian được lưu truyền rộng rãi trong các làng bản người Tày – Nùng ở 5 tỉnh Cao bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang. Tùy theo từng địa phương mà có tên gọi khác nhau như pựt, bụt, vưt, giàng… nhưng then là phổ biến hơn cả.
|
PGS. TS. Nguyễn Phạm Hùng
(Tạp chí Du lịch)