Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại buổi làm việc với Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên
Theo báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thái Nguyên, từ năm 2005 đến nay, thực hiện Chương trình hành động quốc gia về du lịch, Du lịch Thái Nguyên đã có sự chuyển biến tích cực về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng ATK thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa được triển khai đúng tiến độ. Số cơ sở lưu trú, nhà hàng thuộc mọi thành phần kinh tế trong tỉnh tăng bình quân 15%/năm, hiện có 135 cơ sở, đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng từ bình dân đến cao cấp với công suất phục vụ trên 3.000 lượt khách/ngày-đêm. Các chỉ tiêu kinh tế cơ bản trong hoạt động kinh doanh du lịch có tốc độ tăng trưởng liên tục năm sau cao hơn năm trước. Riêng 9 tháng đầu năm nay, tổng số lượt khách đến Thái Nguyên đạt 1.149.100 lượt người, trong đó khách quốc tế đạt 18.360 lượt người, đạt 109% so với cùng kỳ năm trước, khách lưu trú đạt 481.800 lượt người, tổng doanh thu toàn xã hội về du lịch đạt 768 tỷ đồng, công suất sử dụng buồng phòng đạt 67%. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên còn quan tâm đến công tác quy hoạch phát triển du lịch, trong đó có việc phê duyệt và công bố quy hoạch vùng du lịch hồ Núi Cốc.
Tuy nhiên, Du lịch Thái Nguyên vẫn còn có những khó khăn, hạn chế như: hệ thống đường giao thông quốc lộ đến Thái Nguyên đã xuống cấp; nguồn vốn đối ứng của tỉnh đối với các dự án hạ tầng du lịch hạn chế, dẫn đến một số dự án chậm tiến độ; Thái Nguyên còn thiếu những dịch vụ du lịch cao cấp, lượng khách quốc tế đến Thái Nguyên còn thấp…
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn công tác của TCDL đã cùng với Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở VHTTDL, Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên đã cùng thảo luận, đánh giá tiềm năng, thực trạng, nêu một số giải pháp quy hoạch, đầu tư, phát triển du lịch Thái Nguyên.
Kết thúc buổi làm việc, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn cho rằng Thái Nguyên cần phát huy lợi thế gần kề với thủ đô Hà Nội, tiềm năng về du lịch sinh thái, văn hóa, di tích lịch sử cách mạng mà điểm nhấn là hồ Núi Cốc và ATK Định Hóa. Trong thời gian 5 năm tới, Thái Nguyên cần tập trung hướng đến thị trường khách du lịch nội địa, còn về khách quốc tế, địa phương nên hướng đến nguồn khách là người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam, chủ yếu là tại Hà Nội. Theo đó, Du lịch Thái Nguyên sẽ lấy khu vực hồ Núi Cốc làm động lực, kết hợp với di tích lịch sử văn hóa, trọng điểm là ATK và tiềm năng về trà để xây dựng sản phẩm du lịch. Tổng cục trưởng đề nghị tỉnh sớm triển khai quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng của khu du lịch hồ Núi Cốc trong đó có ý kiến tham vấn của TCDL đồng thời nghiên cứu một số mô hình trong nước và nước ngoài để thu hút được các nhà đầu tư có năng lực, tạo nên các sản phẩm du lịch cao cấp, độc đáo.
Cùng ngày 21/10, Đoàn công tác của TCDL đã khảo sát một số điểm du lịch mới tại khu vực hồ Núi Cốc và cơ sở phục vụ Liên hoan trà quốc tế lần thứ nhất – Thái Nguyên, Việt Nam 2011.
PV