Vĩ tuyến 17 - một di tích quan trọng của Quảng Trị
Ảnh: Anh Tuấn
Dù không có lợi thế về khí hậu như ở các địa phương khác, nhưng tiềm năng du lịch Quảng Trị rất phong phú và hấp dẫn: bãi tắm Cửa Tùng, Cửa Việt, dãy Trường Sơn với các khu bảo tồn sinh thái thiên nhiên độc đáo, những di tích lịch sử văn hóa, cách mạng có giá trị, lễ hội cổ truyền diễn ra quanh năm (lễ hội La Vang…), nghệ thuật ẩm thực độc đáo, làng nghề tương đối tập trung và nhiều sản vật lạ, con người Quảng Trị nồng hậu và mến khách. Tài nguyên được phân bố khá đồng đều, tập trung giữa các vùng, miền trong tỉnh, hình thành nên những khu liên đới nghỉ dưỡng, tham quan, các khu di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, khu núi đồi, sông biển, những cánh rừng nguyên sinh với nhiều động vật quý hiếm, hang động, suối nước nóng... giữ nguyên vẻ hoang sơ, hoang dã và huyền bí. Các khu di tích, điểm du lịch này sẽ tạo nên các tuyến du lịch có sức hút rất đặc trưng, xuyên quốc gia, nối liền Hành lang kinh tế Đông Tây, Con đường di sản miền Trung, Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, vị trí "đầu cầu'' đường Xuyên Á và “đầu cầu'' vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Với quỹ đạo này, có thể tiến hành quy hoạch tổng thể về mặt lãnh thổ, vùng, miền cho hoạt động du lịch Quảng Trị.
Nếu chỉ có tài nguyên quý giá, có di tích văn hóa lịch sử cách mạng độc đáo, nhưng không biết làm thức dậy những tiềm năng đó hoặc khai thác vụng về, tùy tiện không đúng quy trình công nghệ du lịch, sẽ không tạo ra được sản phẩm du lịch tốt. Do vậy, cần phải có sự gắn kết chặt chẽ như ''hình với bóng'' giữa du lịch với văn hóa, với quần thể các di tích cách mạng. Đó là một sự lựa chọn hợp lý và đúng đắn, mở ra những loại hình du lịch mới đầy chất văn hóa, mang tính giáo dục sâu sắc, nâng cao vị thế của Du lịch Quảng Trị.
Những năm gần đây, lượng khách du lịch tham gia chương trình “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” tăng nhanh. Đây là chương trình du lịch độc đáo, bổ sung, góp phần làm phong phú, đa dạng các loại hình du lịch địa phương. Thực tế, đã có nhiều hãng du lịch trong nước, ngoài nước lựa chọn loại hình du lịch đặc sắc này đưa vào sản phẩm du lịch của mình. "Du lịch Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội'' chính là du lịch dựa trên tài nguyên văn hóa. Hệ thống sản phẩm du lịch được thể hiện ở những giá trị hữu hình. Nó phản ánh tính riêng có, tính biểu trưng của văn hóa dân tộc, của từng địa phương. Khai thác sâu nét độc đáo, nét đặc thù, dạng khác biệt của văn hóa chính là hình thành sản phẩm du lịch mang tính văn hóa cao. Khi đến Quảng Trị, du khách có thể khám phá những vật thể, cụm di tích, điểm di tích hài hòa với thiên nhiên, cuộc sống con người, màu sắc lễ hội, cảnh quan làng xã, đường nét các công trình kiến trúc, tập tục dân gian... Theo đó, du khách được giải tỏa tâm hồn, có thêm niềm hứng khởi mới, cảm thấy cuộc đời đáng sống hơn.
Để phát triển một cách nhanh chóng và bền vững, theo chúng tôi Du lịch Quảng Trị cần thực hiện một số giải pháp sau:
Có quy hoạch tổng thể giữa hai quy hoạch bảo tồn di tích và quy hoạch phát triển du lịch. Nếu tách rời, đơn điệu từng quy hoạch sẽ không phát huy và khai thác tiềm năng có hiệu quả. Quy hoạch du lịch của Trung ương gắn liền với quy hoạch địa phương, quy hoạch của tỉnh phải nằm trong "phòng tuyến" của quy hoạch quốc gia. Trên cơ sở đó, quy hoạch chi tiết điểm, cụm, tuyến. Trong từng điểm, cụm, tuyến phải cân nhắc kỹ lưỡng, nghiêm túc từng thiết chế và thiết kế văn hóa di tích - du lịch, tính nghiêm khắc của dây chuyền công nghệ du lịch thích hợp phục vụ du khách.
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhu cầu về du lịch tăng rất mạnh kể cả du lịch nội địa cũng như quốc tế, cần phải tập trung giải quyết, tháo gỡ sự yếu kém cả "phần cứng" (khách sạn, cơ sở hạ tầng, những cơ sở tạo ra sản phẩm du lịch) lẫn "phần mềm" (phần mềm có nhiều mặt, nhưng chủ yếu là nguồn nhân lực và môi trường xã hội).
Nên đổi mới trong đầu tư, đầu tư tập trung không nên dàn trải. Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương tập trung nguồn đầu tư thống nhất, gắn liền với quy hoạch, đồng thời khuyến khích đầu tư các loại hình du lịch mới, độc đáo, khuyến khích các thành phần kinh tế khác đầu tư du lịch theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm".
Phải sáng tạo trong thiết kế, xây dựng chương trình sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch là một vấn đề quan trọng. Bởi du lịch là một loại hàng hóa đặc biệt, mang tính phi vật thể, tiêu thụ ra bên ngoài thông qua tuyên truyền, quảng bá bằng tài liệu, tranh ảnh, phương tiện truyền thông, ngoại giao, nghệ thuật...
Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh du lịch. Đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý du lịch, hướng dẫn viên, thuyết minh viên theo tiêu chuẩn của quốc gia và quốc tế.
ThS. Hồ Ngọc Hy