Lợi ích và thách thức của việc khai thác lễ hội truyền thống phục vụ du lịch
Du khách đến lễ hội không phải chỉ để tham gia lễ hội mà còn tham gia vào hàng loạt các hoạt động khác như hội chợ, triển lãm và các dịch vụ giải trí đi kèm. Điều này có lợi cho cả du khách và cư dân bản địa. Những quan hệ kinh tế sẽ xuất hiện, đem đến sự tăng thu nhập cho mỗi cá nhân khi tham gia vào hoạt động phục vụ khách, tạo việc làm cho các ngành có liên quan đến du lịch (như thủ công mỹ nghệ, cung cấp thực phẩm, phương tiện vận chuyển, nhà hàng…), tăng ngân sách địa phương và cải thiện cơ sở hạ tầng.
Lễ hội tạo lợi thế cho địa phương, khu/điểm du lịch: giúp nhiều du khách biết tới điểm du lịch, tạo ra nguồn du khách cho riêng lễ hội, từ đó tạo dựng hình ảnh về một cộng đồng, một khu vực, một đất nước; tạo giá trị quảng cáo rất lớn cho điểm đến, địa phương và quốc gia.
Qua việc tổ chức lễ hội, cộng đồng nhận thức tốt hơn về những giá trị di sản của mình, tạo dựng niềm tự hào trong cộng đồng, từ đó thúc đẩy sự phát triển cộng đồng và truyền thống văn hóa cũng như các cơ hội giải trí cho cư dân địa phương.
Các lễ hội được tổ chức còn giúp kéo dài mùa du lịch tại các điểm, giúp khai trương một mùa du lịch mới hoặc trở thành một dạng du lịch thay thế/tiêu biểu của điểm du lịch hay của các địa phương.
Tuy nhiên, khi khai thác các lễ hội truyền thống phục vụ du lịch hiện nay, để tạo sức hút đối với du khách và thoả mãn những nhu cầu của khách, phần lớn các lễ hội truyền thống đã biến đổi những giá trị gốc và bản chất vốn có của nó. Những hình thức văn hóa và di sản không thể thay thế được sẽ bị mất đi do mong muốn hiện đại hóa phục vụ nhu cầu thực tại. Đây là một thách thức mà các lễ hội truyền thống đang phải đối mặt.
Thương mại hóa di sản văn hóa luôn có hai mặt. Đối với lễ hội truyền thống, nếu các hoạt động lễ hội được quản lý tốt, có thể đem lại những lợi ích cho cộng đồng, nhưng nếu không được quản lý, điều hành tốt, những vấn đề nảy sinh sẽ gia tăng. Bản chất lễ hội sẽ mất đi, sự hỗ trợ từ phía cộng đồng và những đóng góp tự nguyện sẽ không còn, lễ hội truyền thống dần trở thành lễ hội hiện đại với những diễn viên đóng thế do những chủ nhân của nó không muốn tham dự. Lễ hội sẽ như một chương trình chạy tự động, “đến hẹn lại lên” để phục vụ du khách, không còn là lễ hội cộng đồng.
Nơi tổ chức các lễ hội hiện nay ít có các hoạt động thay thế để lôi cuốn du khách ngoài nghi thức, các trò chơi và trò diễn. Các lễ hội lại thường tổ chức vào một thời điểm với những quy thức nhất định, có những lễ hội lạ, hấp dẫn nhưng lại diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn, khó tiếp cận.
Quản lý lễ hội truyền thống trong giai đoạn hiện nay
Mối quan hệ giữa di sản và du lịch tốt hay xấu tuỳ thuộc vào cách chúng ta xử lý chúng như thế nào. Sẽ rất lý tưởng nếu lễ hội truyền thống kết hợp được hai mục tiêu: phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc khai thác các di sản quá mức cho du lịch sẽ dẫn đến các di sản bị huỷ hoại. Trên thực tế, dưới ảnh hưởng của du lịch, nhiều di sản văn hóa (cả vật thể và phi vật thể) đã bị biến dạng hoặc biến mất. Nhiều ví dụ ở nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, khá nhiều di tích phải giảm tải số lượng khách đến tham quan bằng nhiều chính sách khác nhau; một số các di tích phải đóng cửa vì lượng khách đến quá lớn, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và cảnh quan di tích, cũng như tác động xấu đến sinh hoạt của cộng đồng địa phương. Nhiều lễ hội khi trở thành lễ hội du lịch đã mất hết những giá trị vốn có của nó, trở thành những sinh hoạt trần tục. Nói chung, nhiều giá trị văn hóa đã bị biến mất khi bị khai thác du lịch một cách thái quá, thiếu kiểm soát.
Vấn đề này không nên đổ lỗi hoàn toàn cho du lịch. Cách thức quản lý của con người đóng vai trò quyết định xem du lịch có lợi hay có hại trong vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đối với quản lý lễ hội, điều cơ bản là làm sao phát triển du lịch khi vẫn giữ gìn được bản sắc của lễ hội. Làm cho du lịch và lễ hội không xung đột nhau mà bổ trợ, phục vụ lẫn nhau.
Chính quyền địa phương, ban quản lý điểm đóng một vai trò quan trọng trong việc mở hội và duy trì lễ hội. Điều cốt yếu là phải nhận thức rõ vai trò của lễ hội truyền thống đối với cộng đồng, nghiên cứu các biện pháp kết hợp với du lịch. Những chính sách, quy chế, quy định đối với lễ hội truyền thống cần linh hoạt để thu hút du khách và tránh được những mặt trái mà du lịch có thể tác động đến lễ hội cổ truyền.
Vấn đề kinh tế đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại của lễ hội truyền thống. Khi người dân được hưởng lợi từ sinh hoạt này sẽ kích thích hơn việc tham gia tích cực từ phía họ, lễ hội vì thế sẽ lớn dần lên và được duy trì một cách lâu dài, bền vững. Xét trên khía cạnh du lịch, du khách sẽ được chào đón hơn khi đến với lễ hội vì người dân địa phương hiểu rằng du khách đến giúp họ bảo tồn chính văn hóa của họ và mang lại lợi ích kinh tế cho họ. Ngược lại, du khách cũng cảm thấy hài lòng hơn khi đến một nơi du lịch mà người dân nồng nhiệt, mến khách và thân thiện. Những nhà đầu tư, tài trợ cũng sẽ tham gia hăng hái hơn vì nhận thấy có được lợi ích của bản thân họ. Như vậy, việc thương mại một cách hợp lý, tuyên truyền, quảng bá cho lễ hội là một việc cần thiết. Công tác xúc tiến quảng bá cần được tiến hành triển khai một cách đồng bộ, nghiêm túc và rộng rãi.
Dưới góc độ du lịch, lễ hội có vai trò kích thích nhu cầu du lịch/tham quan của du khách, tạo tính hấp dẫn cho điểm tham quan/du lịch, xây dựng hình ảnh cho một vùng đất cũng như là tác nhân kích thích sự phát triển kinh tế - xã hội, địa phương, vùng; hình thành loại hình du lịch thay thế và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Quản lý lễ hội phải có cách nhìn theo nghĩa rộng hơn không chỉ xoay quanh việc phục hồi, bảo tồn phát huy bản thân lễ hội truyền thống ấy mà còn liên quan đến các vấn đề như lập kế hoạch, nguồn nhân lực tổ chức, tham gia lễ hội, tuyên truyền, quảng bá, tìm kiếm nguồn tài trợ, phát triển dịch vụ, đảm bảo về an ninh, y tế, vệ sinh môi trường, cơ sở hạ tầng…Do đó, mọi quy chế, quy định quản lý lễ hội khi ban hành cần tính đến những tác nhân có thể xảy ra và phải có sự phối kết chặt chẽ mang tính liên ngành trong công tác quản lý.
Cách thức, phương pháp quản lý cũng phải linh hoạt, vận dụng cho từng trường hợp lễ hội cụ thể, nhất là khi hệ thống lễ hội truyền thống của nước ta đa dạng, phong phú và ở những mức độ, quy mô tổ chức khác nhau. Nhiều người đánh giá hiện nay công tác quản lý và tổ chức lễ hội phải trở thành “công nghệ”.
Như vậy, để phát triển du lịch có lợi cho việc bảo tồn, phát huy những tinh hoa của lễ hội truyền thống, cần phải lưu ý đến một số yêu cầu: khi phát triển du lịch vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa luôn đặt lên hàng đầu; phải xây dựng hệ thống văn bản pháp lý trong quản lý lễ hội và phát triển du lịch một cách cụ thể đối với từng trường hợp; các phong tục tập quán, việc tổ chức các lễ hội, diễn xướng dân gian…phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng tính nguyên gốc và gắn bó với không gian văn hóa của nó; thiết lập các tuyến du lịch liên kết để khai thác những nhu cầu khác nhau của du khách với đối tượng hạt nhân là lễ hội truyền thống; có những chính sách, cơ chế phù hợp để tái đầu tư cho văn hóa/lễ hội từ những nguồn thu du lịch; đảm bảo các dịch vụ, cơ sở hạ tầng, môi trường du lịch đáp ứng, thoả mãn nhu cầu của du khách; phát huy vai trò tích cực và chủ động của người dân ở các cộng đồng vào việc tham gia làm du lịch và bảo vệ di sản văn hóa.
Quản lý lễ hội truyền thống cần dựa trên quan điểm lễ hội đang tồn tại song hành với xã hội, phải có những biện pháp vận hành lễ hội một cách thích hợp với những yêu cầu của thời đại mới, trong bối cảnh chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội nhất định. Đây là mối quan hệ hai chiều, có sự ảnh hưởng và tác động tương hỗ lẫn nhau. |
TS. Bùi Thanh Thủy