Nguồn lực con người là yếu tố quyết định mọi hoạt động nhưng không phải ở đâu, bất cứ ai và khi nào cũng nhận thức đầy đủ về tính quyết định của nguồn nhân lực và dành nguồn lực cho việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực, do nguồn lực không có nhiều lại bị các nhiệm vụ cấp bách khác chi phối. Hiện tượng phổ biến khi phân bổ nguồn lực cho chiến lược, chính sách phát triển thường ưu tiên cho xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và chi thường xuyên, còn nguồn lực cho đào tạo nhân lực thường xếp vào hàng thứ yếu. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch của Quảng Ninh cũng không nằm ngoài tình trạng như vậy.
Mấy năm gần đây, do tốc độ tăng trưởng du lịch của Quảng Ninh đạt kết quả cao (thể hiện ở các chỉ tiêu số lượt khách, doanh thu, phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật...), công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch đã được địa phương quan tâm, cả trong đào tạo mới, đào tạo lại, bồi dưỡng, nhưng chưa theo kịp nhu cầu phát triển và còn gặp nhiều khó khăn. |
Hiện nay, tại Quảng Ninh, đội ngũ lao động du lịch đang làm việc chưa qua đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên, có nơi chưa quan tâm thích đáng đến công tác bồi dưỡng, chưa có cơ chế thỏa đáng để khuyến khích nhân viên học thêm nghiệp vụ, ngoại ngữ và tin học; khi tuyển chọn nhân lực, các doanh nghiệp chưa chú trọng đòi hỏi nhân lực du lịch phải có kiến thức chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, có trình độ ngoại ngữ, tin học; những doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh nhỏ trên địa bàn chủ yếu thuê lao động phổ thông, lao động thời vụ chưa qua đào tạo nguồn nhân lực được đào tạo không đủ, không đáp ứng số lượng theo yêu cầu dịch vụ, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ.
Thời gian qua, ngành Du lịch Quảng Ninh đã thông qua hình thức đào tạo tại chỗ, liên kết với các cơ sở đào tạo hoặc tự tổ chức đào tạo tại cơ sở kinh doanh du lịch và tại các trung tâm dạy nghề của một số địa phương, trước mắt đáp ứng được một phần nhu cầu đào tạo tay nghề ở trình độ sơ cấp cho nhân viên phục vụ.
Có nhiều phương thức mang tính chiến lược trong phát triển nguồn nhân lực. Chúng tôi đề xuất Quảng Ninh cần tập trung vào 3 phương thức mang tính chiến lược chủ yếu:
Chiến lược ưu tiên khuyến khích
Các lĩnh vực mà Quảng Ninh cần ưu tiên trước hết là: phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành về từng lĩnh vực chuyên sâu của hoạt động du lịch; phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và đào tạo viên du lịch; phát triển đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch; hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích xã hội hóa trong đào tạo du lịch.
Chiến lược tạo và huy động nguồn nhân lực
Một mặt xã hội hóa để thu hút các nguồn đầu tư của cá nhân, các thành phần xã hội. Mặt khác, thông qua hội nhập, hợp tác quốc tế, huy động thêm các nguồn tài trợ bằng tiền, kiến thức, kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ áp dụng trong quá trình phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Chiến lược liên kết, hợp tác và hội nhập quốc tế
Cần liên kết, hợp tác và hội nhập quốc tế, tạo sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa "Nhà nước - Nhà trường - Nhà sử dụng lao động" trong quá trình phát triển nhân lực du lịch. Nhà nước tạo môi trường pháp lý, tạo chuẩn quốc gia về nhân lực làm cơ sở cho đào tạo và sử dụng lao động, thúc đẩy và kiểm tra, giám sát đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch. Các cơ sở đào tạo, dạy nghề du lịch liên kết với nhau và với doanh nghiệp du lịch; các doanh nghiệp du lịch liên kết với nhau và với cơ sở đào tạo, dạy nghề du lịch để tạo nguồn lực cho nhau, kiểm định đầu ra của cơ sở đào tạo, dạy nghề du lịch, nâng cao và chuẩn hóa đầu vào cho cơ sở sử dụng lao động du lịch, điều chỉnh các hoạt động của từng đơn vị. Đồng thời, chú trọng hợp tác và hội nhập quốc tế để có thêm nguồn tài chính, kiến thức, công nghệ, kinh nghiệm để phát triển nguồn nhân lực, trước tiên là phát triển đội ngũ chuyên gia, giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý nhà nước và kinh doanh.
Để có được nhân lực du lịch đáp ứng được các yêu cầu nêu trên, Quảng Ninh cần xây dựng chương trình phát triển nhân lực du lịch. Có 5 nhiệm vụ chủ yếu cần tiến hành, gồm: thống kê, phân tích, đánh giá thực trạng phát triển nhân lực du lịch Quảng Ninh; nghiên cứu kinh nghiệm của quốc tế, của các địa phương khác trong nước về phát triển nhân lực du lịch và rút ra bài học cho địa phương để phát triển nhân lực du lịch; xác định và quán triệt hệ thống quan điểm phát triển nhân lực du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030; dự báo nhu cầu, xác định mục tiêu phát triển nguồn nhân lực du lịch Quảng Ninh; đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Mặc dù mỗi địa phương theo đặc thù và khảnăng sẽ có các giải pháp khác nhau, theo chúng tôi Quảng Ninh cần tập trung vào những nội dung sau:
Hoàn thiện và đẩy mạnh quản lý nhà nước về phát triển nhân lực du lịch: xây dựng và hoàn thiện chính sách, cơ chế và cụ thể hóa văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện tốt chính sách tài chính về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; xây dựng và phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động du lịch phục vụ nắm bắt nhu cầu, dự báo và gắn kết cung-cầu về nhân lực du lịch.
Quy hoạch lại hệ thống cơ sở đào tạo, dạy nghề và cơ sở nghiên cứu về du lịch các cấp đào tạo, dạy nghề và đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo: áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất kỹ thuật (tiếp cận chuẩn mực quốc tế) các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu về du lịch. Quy hoạch hệ thống cơ sở đào tạo, dạy nghề du lịch phù hợp với yêu cầu phát triển hoạt động du lịch địa phương. Đổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo gắn với tính chất đặc thù của sản phẩm du lịch địa phương.

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)
Xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên trình độ cao: Quảng Ninh cần có chính sách thu hút lao động tay nghề cao, nghệ nhân, các nhà quản lý giỏi... để có thêm các đào tạo viên du lịch.
Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển nhân lực du lịch: tập trung đầu tư cho Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Hạ Long từ cơ sở vật chất kỹ thuật đến đội ngũ giáo viên, xây dựng chương trình, các hoạt động đào tạo, dạy nghề du lịch, để làm nòng cốt trong đào tạo và liên kết các cơ sở đào tạo nghề và các trung tâm bồi dưỡng nghề du lịch trên địa bàn.
Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển nhân lực du lịch: thu hút mạnh các nguồn đầu tư nước ngoài phục vụ phát triển nhân lực du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường thu hút chuyên gia giỏi trong và ngoài nước; tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo, dạy nghề du lịch của địa phương mở rộng liên kết hợp tác với nước ngoài.
Tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức và nhân dân về phát triển nhân lực du lịch: tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và đoàn thể, giáo dục cộng đồng dân cư về phát triển nhân lực du lịch trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; gắn với việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí và phát triển du lịch cộng đồng.
Huy động các nguồn vốn cho phát triển nhân lực du lịch: bên cạnh việc sử dụng nguồn ngân sách của địa phương, Quảng Ninh cần huy động các nguồn lực của khu vực doanh nghiệp (các thành phần kinh tế), đặc biệt là trong việc phát triển hệ thống dạy nghề du lịch nhằm đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp; mở rộng hợp tác quốc tế và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn viện trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài để phát triển đào tạo nhân lực du lịch.
Xin kết thúc bài viết với ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn: “Khách du lịch có thể nhận được các dịch vụ tương đương với tiêu chuẩn 5 sao ở những khách sạn bình thường, nhưng khách du lịch có thể phải chấp nhận các dịch vụ ở mức độ bình thường ở các khách sạn 4-5 sao”. Vấn đề chính là con người - Con người là yếu tố quyết định đến chất lượng của sản phẩm du lịch!
ThS. Đoàn Mạnh Cương