Bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống, Quảng Nam luôn quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm du lịch gắn với các làng quê, làng nghề, khai thác cảnh quan yên bình với nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn. Tỉnh đã xây dựng và phát triển nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp phù hợp với xu hướng khám phá, trải nghiệm của khách du lịch hiện nay, điển hình như:
Các sản phẩm du lịch nông nghiệp với hoạt động tham quan, trải nghiệm ở các làng quê, làng nghề, nông thôn Quảng Nam: chương trình trải nghiệm các hoạt động nghề nông ở làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng rau An Mỹ, làng rau Thanh Đông, làng chài ở Cù Lao Chàm, làng bắp Cẩm Nam (Hội An); làng trái cây Đại Bình (Nông Sơn)… Những chương trình du lịch này giúp du khách hòa vào cuộc sống thực tại của người dân, được xới đất trồng rau, tưới nước... và tìm hiểu nét đẹp văn hóa làng nghề như nếp ăn ở, truyền dạy nghề, các ngày hội lễ tổ nghề, lễ cầu mùa. Trong đó, làng rau Trà Quế là sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc sắc khá nổi tiếng gần 10 năm qua, mỗi năm đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan, trải nghiệm.
Các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp là những sản phẩm du lịch mới mang lại hiệu quả cũng như tạo được thiện cảm lớn đối với du khách, nhất là thị trường khách châu Âu, Đông Bắc Á như: chương trình tham quan rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh (Hội An); làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu, Triêm Tây (Điện Bàn)… Du khách được trải nghiệm các hoạt động giải trí, đi xe đạp, đi thuyền trên sông, tham quan rừng dừa bằng thuyền thúng, nghỉ dưỡng trong những cơ sở lưu trú nằm giữa ruộng đồng, sông nước.
Du lịch nông nghiệp gắn với tham quan, tìm hiểu văn hóa, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, tham gia biểu diễn văn nghệ cùng người bản địa, xem trình diễn âm nhạc truyền thống, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu các nghề dệt thổ cẩm truyền thống (ở các huyện miền núi phía Tây của tỉnh)… Đây là những sản phẩm du lịch có sự kết hợp giữa du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa, mang đến một nét độc đáo mới cho Du lịch Quảng Nam với các điểm: làng du lịch Pơning (Tây Giang), làng du lịch Bho Hoong (Đông Giang), làng du lịch cộng đồng Cơ Tu (Nam Giang)…
Thời gian qua, Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch, từng bước nâng cao chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật và chất lượng lao động, đồng thời đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch và tăng cường đầu tư phát triển sản phẩm du lịch trong đó có du lịch nông nghiệp, qua đó tạo dựng được thương hiệu Du lịch Quảng Nam mà nổi bật là Hội An, Mỹ Sơn. Đây là cơ sở nền tảng để Quảng Nam tiếp tục thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với địa phương.
Để quá trình xây dựng, phát triển, khai thác các sản phẩm du lịch nông nghiệp ngày càng đạt được hiệu quả, trong thời gian tới Quảng Nam cần tiếp tục quan tâm đến các vấn đề sau:
Quy hoạch, định hướng, kế hoạch và đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp
Xây dựng kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp có sự kết hợp chặt chẽ với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề và du lịch văn hóa để tạo nên những sản phẩm khác biệt. Năm 2015, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng Chiến lược về du lịch nông thôn tỉnh Quảng Nam, góp phần định hướng phát triển du lịch nông nghiệp đạt hiệu quả hơn; tỉnh cũng đã ban hành “Đề án Phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020”.
Chú trọng phát triển, khai thác các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch. Bảo vệ, tôn tạo cảnh quan, môi trường sinh thái để tạo điều kiện phát triển du lịch nông nghiệp. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dân sinh, nông thôn mới gắn với phục vụ du lịch tại các vùng nông thôn, miền núi. Đẩy mạnh hợp tác công tư với sự chung tay của nhà nước - doanh nghiệp - cộng đồng trong xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch.
Tính độc đáo, khác biệt, chất lượng của sản phẩm du lịch phải được quan tâm hàng đầu và sẽ là một yếu tố tiên quyết khẳng định sức hút, sức sống, thương hiệu của các sản phẩm du lịch nông nghiệp sau này. Tránh sự trùng lắp trong xây dựng sản phẩm du lịch…
Sự đồng thuận, thống nhất trong hành động
Du lịch nông nghiệp ở Quảng Nam đã và sẽ nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các địa phương trong tỉnh, sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía các doanh nghiệp và sự gắn kết, tích cực đóng góp, phát huy vai trò của người dân tại các địa phương, điểm đến du lịch…
Đảm bảo hài hòa lợi ích các bên
Xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp phải cân đối hài hòa lợi ích của các bên như: doanh nghiệp, cộng đồng dân cư. Tại các điểm du lịch nông nghiệp nên thành lập ban quản lý mà thành phần không thể thiếu là đại diện cộng đồng dân cư để tham gia quản lý, tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt nhất. Phải thực sự mang đến lợi ích cho cộng đồng khi phát triển du lịch nông nghiệp. Cộng đồng phải thực sự là chủ thể quan trọng và được hưởng lợi trực tiếp từ sự phát triển đó.
Tranh thủ sự hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức quốc tế
Tỉnh Quảng Nam đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các tổ chức quốc tế trong sự nghiệp phát triển du lịch nói chung cũng như trong xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp như: ILO, EU, UNESCO, FIDR… Các tổ chức này đã hỗ trợ hiệu quả các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ các giá trị, các tiềm năng tại các khu vực nông thôn, làng quê đang phát triển du lịch nông nghiệp.
Tăng cư���ng công tác quản lý nhà nước
Điều này là quan trọng để đảm bảo sản phẩm du lịch nông nghiệp được phát triển bền vững, giữ lại sức hút chính đó là hồn cốt gắn với nét thanh bình của làng quê Quảng Nam. Bên cạnh việc hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, ngành Du lịch tỉnh đã thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, mạnh dạn thay đổi, loại những doanh nghiệp, hướng dẫn viên làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng, uy tín du lịch địa phương. Cùng với đó là đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết sản phẩm, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch nông nghiệp.
Ngành Du lịch Quảng Nam đang tham mưu UBND tỉnh và HĐND tỉnh phê duyệt “Đề án quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Nam đến năm 2025” nhằm hỗ trợ đầu tư cho các điểm du lịch cộng đồng để phát triển du lịch, trong đó có du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn… |
Hồ Tấn Cường
Tạp chí Du lịch 6/2018