Trao đổi cùng Tạp chí Điện tử Du lịch, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Châu Á - Thái Bình Dương (APT Travel) Nguyễn Hồng Đài đã chia sẻ về chặng đường làm du lịch sắp tới của doanh nghiệp.
Cơ hội từ Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ chính trị năm 2017
Năm 2017 đánh một dấu mốc quan trọng cho ngành Du lịch Việt Nam khi Nghị quyết của trung ương yêu cầu cả đất nước chung tay phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với gần 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với năm 2016, Du lịch Việt Nam đã có những bước tăng trưởng nhảy vọt và cần có những sự điều chỉnh phù hợp để giúp đẩy mạnh hình ảnh đất nước trở thành một trong những thương hiệu du lịch ưa thích của bạn bè quốc tế.
Nhận thấy được cơ hội vô cùng to lớn chính từ những quyết định của Trung ương và Nhà nước, anh Đài chia sẻ: “Chính những quyết định này đã góp phần củng cố thêm cho tôi sức mạnh và niềm tin để phát triển niềm đam mê trong ngành dịch vụ du lịch và càng củng cố thêm cho nhận định của tôi, đó là Việt Nam không thể không phát triển du lịch. Đã từng đi qua hơn 70 quốc gia trên thế giới, tôi hiểu rằng với một đất nước có lợi thế về địa lý tuyệt vời như Việt Nam sẽ là thế mạnh lý tưởng để phát triển ngành Du lịch. Bởi, Thái Lan hay Singapore không được thiên nhiên ưu đãi như vậy mà ngành Du lịch của họ vẫn mang về nguồn lợi nhuận đáng kể, như Du lịch Thái Lan đóng góp đến 12% GDP cả nước năm 2017. Vậy thì chẳng có lý do gì để chúng ta không chuyển dịch cơ cấu kinh tế để tận dụng những nguồn lực sẵn có của mình.”
Thách thức buộc phải thay đổi
Năm 2017, APT bắt đầu phải nhìn nhận một cách thực tế rằng những doanh nghiệp lữ hành đơn thuần khả năng cạnh tranh dường như đang giảm sút đáng kể theo thời gian. Trong khi đó, những doanh nghiệp đi sau lại có lợi thế nhiều hơn về mặt áp dụng công nghệ mới. APT cũng cần một cú hích như vậy để lớn mạnh và tận dụng những điểm mạnh về lượng khách hàng sẵn có của mình. Dường như có một thời gian, chúng tôi đã ngủ quên trên thành quả mình đạt được mà không nhìn thấy sự cạnh tranh đang ngày một khắc nghiệt hơn. Nhưng giờ đây, bài học đó vẫn kịp để APT có thể một lần nữa khẳng định được vị trí của mình trên con đường phát triển sắp tới và chúng tôi hoàn toàn tự tin về những định hướng và mục tiêu trong tương lai.
Đổi mới tư duy và tầm nhìn chiến lược mới
Với 13 năm phát triển trở thành một trong những doanh nghiệp lữ hành hàng đầu Việt Nam, APT Travel giờ đây không chỉ dừng lại ở lợi thế cạnh tranh về tour ghép - mảng lữ hành mạnh nhất Việt Nam mà còn mở rộng ra cả lĩnh vực xe du lịch cao cấp, nhà hàng và du thuyền. Anh Đài cũng đã chia sẻ rất thật lòng về tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp: “APT Travel đã từng chuẩn bị rât nhiều để có thể đưa công ty niêm yết lên sàn tuy nhiên thời điểm đó các yếu tố khách quan chưa thuận lợi để chúng tôi có thể hoàn tất các thủ tục, do vậy mà vấn đề này phải hoãn lại. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng tôi ngừng thay đổi và với sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì lần này chúng tôi quyết tâm phải xây dựng một hệ sinh thái du lịch bằng việc mở rộng đầu tư sâu và rộng vào các dịch vụ cung ứng cho lữ hành”. Và APT đã cho ra đời APT Holdings - một nền tảng đầu tư du lịch nhằm định hướng các nhà đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển và cũng phù hợp với định hướng chung của chính phủ. APT Holdings sẽ trở thành công ty quản lý vốn cho APT Travel và các công ty thành viên trong hệ thống thương hiệu của APT Group. Điều này cũng chứng tỏ rằng chúng tôi đang sẵn sàng để đón nhận những cơ hội và thách thức mới khi ngành Du lịch đang mở rộng cánh cửa cho tất cả các doanh nghiệp nhằm đón đầu xu hướng hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
PV