Là một trong 5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Trung, Quảng Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và tài nguyên văn hóa hấp dẫn, có vị trí địa lý thuận lợi để kết nối với các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam, của Đông Nam Á và thế giới. Ngoài các di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận như đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An và nghệ thuật bài chòi, Quảng Nam còn là nơi hội tụ, kết tinh tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị như các di tích lịch sử, lễ hội dân gian, ẩm thực, âm nhạc dân tộc, các làng quê, làng nghề truyền thống, phong tục tập quán… Đó là tiềm năng, lợi thế để Quảng Nam phát triển đa dạng loại hình du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn góp phần hướng tới du lịch xanh.
Những năm gần đây, Quảng Nam có chủ trương đầu tư phát triển du lịch xanh và coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược du lịch của tỉnh. Ðể phát triển du lịch bền vững, Quảng Nam đề ra nhiều giải pháp đột phá, trong đó việc công bố Bộ tiêu chí về du lịch xanh đã mở đường cho các nhà đầu tư và các địa phương trong việc khơi dậy, khai thác tiềm năng phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp là loại hình du lịch mới ở Quảng Nam, bước đầu mang lại hiệu quả, tạo được thiện cảm với du khách, nhất là du khách đến từ châu Âu, Đông Bắc Á. Trong đó, làng rau Trà Quế là điểm đến thu hút nhiều du khách trong hơn 10 năm qua; hằng năm nơi đây đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, lưu trú và trải nghiệm. Cùng với làng rau Trà Quế, vườn rau hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh, TP. Hội An) cũng là lựa chọn của nhiều du khách với các trải nghiệm làm nông dân, đi chợ phiên và học nấu ăn.
Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với hoạt động tham quan, trải nghiệm ở các làng quê, làng nghề hiện được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai và đưa vào hoạt động như: làng gốm Thanh Hà, làng chài, tham quan rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, TP. Hội An), làng Triêm Tây (Điện Bàn), làng trái cây Đại Bình (Nông Sơn), làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), làng Bích Họa (Tam Thanh)… Đến với những địa chỉ du lịch này, du khách được hòa vào cuộc sống thực tế sản xuất của người nông dân như: cày, bừa, cuốc đất, trồng rau, gánh nước tưới cây, thưởng thức các sản phẩm tươi sạch; hay chèo thuyền, đánh bắt cá như những ngư dân thực thụ; nghỉ dưỡng trong các cơ sở lưu trú nằm giữa đồng quê, sông nước của vùng nông thôn với cảnh quan yên bình, thơ mộng… Tại đây, du khách còn có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, văn hóa làng nghề, nếp ăn, nếp ở, việc truyền, dạy nghề, tham gia các lễ hội của làng nghề…
Không chỉ thế, du lịch nông nghiệp nông thôn còn đang được xây dựng và phát triển tại các huyện miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam với các chương trình tham quan, tìm hiểu văn hóa, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đến với làng du lịch Pơning (huyện Tây Giang), làng du lịch cộng đồng Bhơhôồng (huyện Đông Giang), làng du lịch cộng đồng Cơ Tu (huyện Nam Giang)…, du khách được cùng tham gia biểu diễn văn nghệ với đồng bào, xem trình diễn âm nhạc truyền thống, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Đây là những sản phẩm du lịch có sự kết hợp giữa du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa, tạo nên nét độc đáo cho du lịch tỉnh.
Trong Năm Du lịch quốc gia 2022 “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, tỉnh đã xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới như du lịch trải nghiệm sâm Ngọc Linh (Nam Trà My); Lễ hội trái cây (Tiên Phước); làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú - Gò Nổi (Điện Bàn); du lịch sinh thái gắn với cuộc sống văn hóa đồng bào dân tộc ở Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang… Việc đưa làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú trên vùng đất Gò Nổi vào hoạt động là một trong những điểm nhấn của Năm Du lịch quốc gia 2022. Đồng thời, du khách nước ngoài bắt đầu tìm đến thị xã Điện Bàn trải nghiệm sản phẩm du lịch xanh, mở ra cơ hội lan tỏa xu hướng du lịch này đến cộng đồng.
Theo chương trình du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Nam công bố 12 điểm du lịch nông thôn được hỗ trợ là: làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng (TP. Hội An); làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh (thành phố Tam Kỳ); làng du lịch cộng đồng xã đảo Tam Hải, làng du lịch sinh thái cộng đồng Hố Giang Thơm và vườn cây ăn trái thôn Tú Mỹ, xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành); làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú (thị xã Điện Bàn); làng cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước); làng du lịch cộng đồng Mô Chai (huyện Nam Trà My); làng du lịch cộng đồng Đại Bình (huyện Nông Sơn); làng du lịch cộng đồng Bhơhôồng (huyện Đông Giang); làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu (huyện Nam Giang) và làng du lịch cộng đồng thôn Ariêu, huyện Tây Giang.
Đối với các dự án phát triển làng du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, UBND tỉnh Quảng Nam cũng hướng tới đáp ứng các tiêu chí du lịch xanh, bền vững. Trong đó nhiều hạng mục được chú trọng như: xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng; phục dựng các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, lễ hội, ẩm thực truyền thống, các sản phẩm du lịch sinh thái; đào tạo bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng; tập huấn các kỹ năng làm du lịch, quảng bá, phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững cho người dân; tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng quản lý điểm du lịch cho ban quản lý, hợp tác xã… Theo đó, du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Quảng Nam được kỳ vọng góp phần tạo hướng đi bền vững cho Du lịch Quảng Nam, hướng tới xây dựng thương hiệu điểm đến xanh vào năm 2025.
TS. NGUYỄN THANH HỒNG
GIÁM ĐỐC SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH QUẢNG NAM