Linh hoạt các giải pháp kích cầu đưa Du lịch Yên Bái “cất cánh”
Nhờ áp dụng linh hoạt các giải pháp kích cầu du lịch, mở cửa lại hoạt động du lịch đồng bộ, thích ứng an toàn trong hoàn cảnh dịch COVID-19 phức tạp, ngành Du lịch Yên Bái đã đạt được những kết quả ấn tượng trong năm 2022: số lượng khách ước đạt 1.588.900 lượt (tăng 100,2% so với năm 2021), trong đó khách quốc tế ước đạt 28.000 lượt, doanh thu ước đạt 1.100,550 tỷ đồng (tăng 124,5% so với năm 2021).
Để có kết quả ấn tượng này, năm 2022 tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp thu hút du khách trong nước và quốc tế đến khám phá, trải nghiệm và nghỉ dưỡng. Các biện pháp kích cầu, mở cửa lại hoạt động du lịch được tỉnh thực hiện đồng bộ, linh hoạt, thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đồng thuận các chủ trương của tỉnh, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Yên Bái đã chủ động, tích cực tham gia chương trình kích cầu theo hướng giảm giá nhưng vẫn giữ nguyên chất lượng phục vụ. Các cơ sở lưu trú, các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch chuẩn bị kỹ lưỡng, đưa thêm nhiều sản phẩm du lịch mới ấn tượng vào khai thác. Sự phản hồi của khách du lịch đến Yên Bái tạo một hiệu ứng lan tỏa tích cực, khiến cho lượng du khách tăng đột biến sau khi du lịch mở cửa trở lại.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội, điểm nhấn đặc biệt ấn tượng như Lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật xòe Thái” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Nhiều hoạt động du lịch, lễ hội cũng đồng loạt diễn ra tại các địa phương trong tỉnh từ tháng 9 đến tháng 12 với những nét đặc trưng, tô điểm thêm nhiều màu sắc cho “đôi cánh” du lịch Yên Bái, như: Lễ hội Quế huyện Văn Yên lần thứ IV với thương hiệu quế nức tiếng vùng Tây Bắc; Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn gắn với Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông và lễ đón bằng công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội đền Đông Cuông của huyện Văn Yên; Lễ hội Bưởi Đại Minh và khám phá danh thắng quốc gia hồ Thác Bà huyện Yên Bình; chương trình du lịch mạo hiểm chinh phục đỉnh Tà Xùa với rừng rêu huyền thoại, đỉnh Tà Chì Nhù với loài hoa chi pâu nở tím bạt ngàn của huyện Trạm Tấu; chương trình du lịch “Về miền đất Ngọc” lần thứ III - nơi có chợ đá quý nổi tiếng Đông Nam Á của huyện Lục Yên; các hoạt động du lịch “Mùa nước đổ”, Festival Dù lượn 2022 trải nghiệm săn mây trên đèo Khau Phạ. Đặc biệt, năm 2022 còn diễn ra Lễ hội hoa Tớ Dày, loại hoa đào rừngnở rực rỡ trên khắp các triền núi cao vào dịp tết đến xuân về của huyện Mù Cang Chải… Hàng loạt các hoạt động, sự kiện văn hóa, du lịch đã được Yên Bái tổ chức thành công với cách làm có nhiều đổi mới, sáng tạo, khiến cho Yên Bái trở thành điểm đến mới thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.
Thời gian qua, Yên Bái đã thu hút được một số dự án đầu tư du lịch với quy mô lớn, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch ngày càng hoàn thiện, chất lượng dịch vụ được cải thiện đáng kể, du lịch đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Làm mới sản phẩm theo hướng phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn
Yên Bái định hướng phát triển du lịch đi vào chiều sâu gắn với 4 vùng du lịch trọng điểm gồm: vùng du lịch hồ Thác Bà và dọc sông Chảy (huyện Yên Bình, Lục Yên); vùng du lịch thành phố Yên Bái và phụ cận (thành phố Yên Bái, phía Nam của huyện Trấn Yên); vùng du lịch miền Tây (gồm huyện Văn Chấn, huyện Trạm Tấu, huyện Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ); vùng du lịch Bắc Trấn Yên - Văn Yên. Bên cạnh đó, hình thành và phát triển 5 dòng sản phẩm: du lịch tham quan - nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng và tìm hiểu văn hóa các dân tộc, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và du lịch mạo hiểm…
Đến với Yên Bái, du khách được đắm chìm trong không gian mênh mông của những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải hay ngẩn ngơ trước đồi Mâm Xôi La Pán Tẩn - nơi được mệnh danh là một trong những địa điểm ngắm lúa chín đẹp nhất miền Bắc. Bên cạnh đó, Mù Cang Chải còn có nhiều địa điểm có tiềm năng khai thác du lịch sinh thái như Khu du lịch Thác Mơ; suối nước nóng Nậm Khắt, khu vực leo núi các xã Púng Luông, Nậm Khắt; hang động Nậm Khắt; bãi đá cổ xã Lao Chải, Chế Cu Nha; Khu du lịch sinh thái Chế Tạo, Nậm Khắt...
Khu suối khoáng nóng Trạm Tấu là một trong rất nhiều sản phẩm du lịch được Yên Bái đưa vào khai thác trong những năm gần đây. Bên cạnh đó có thể kể đến các khu nghỉ dưỡng như Le Champ Tú Lệ (Văn Chấn), Dragonfly Nghĩa Lộ (thị xã Nghĩa Lộ), Mù Cang Chải Ecolodge ở bản Hua Khắt (xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải)… Hồ Thác Bà nằm trên địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên, có hơn 1.300 đảo xanh lớn, nhỏ tạo thành nhiều hang động và cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, là điểm đến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc rất hấp dẫn. Phía Đông hồ Thác Bà, cơ sở du lịch sinh thái Ngòi Tu (xã Vũ Linh, huyện Yên Bình) là một nơi rất thành công trong phát huy bản sắc văn hóa tộc người để phát triển du lịch xanh.
Nếu là tín đồ của du lịch mạo hiểm, du khách không thể bỏ qua trải nghiệm bay dù lượn, ngắm phong cảnh xã Tú Lệ tuyệt đẹp từ trên cao, tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng, văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, Mông, trải nghiệm canh tác ruộng bậc thang, thưởng thức đặc sản địa phương tại các phiên chợ vùng cao: xôi ngũ sắc, cơm lam, rượu thóc, mèn mén… Đến với Trạm Tấu, du khách sẽ được trải nghiệm leo núi mạo hiểm đỉnh Tà Xùa, trải nghiệm tại đỉnh Tà Chì Nhù, du lịch cộng đồng tại chòm Cu Vai, xã Xà Hồ... Đến với huyện Văn Chấn, du khách có những trải nghiệm thú vị với cảnh quan hoang sơ ở suối Giàng: ngắm đồi chè shan tuyết cổ thụ; tìm hiểu các quy trình chế biến chè; trải nghiệm cách pha trà shan tuyết đặc trưng thơm ngon của suối Giàng; khám phá giá trị văn hóa cộng đồng người Mông; chinh phục động Thiên Cung, Cốc Tình, vườn hoa Bản Giàng…
Bên cạnh đó, Yên Bái đã thực hiện tốt công tác quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch theo hướng bền vững. Trong hai năm 2021 - 2022, tỉnh đã huy động, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch nhằm từng bước hoàn thiện, kết nối đồng bộ các khu, điểm du lịch trọng điểm, các điểm du lịch cộng đồng.
Năm 2023 được ngành Du lịch Yên Bái xác định là năm “Yên Bái - Điểm đến di sản thiên nhiên và văn hóa”, hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị, tạo nên hình ảnh và điểm đến đặc thù: “Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc” với các sản phẩm chủ đạo như: du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, hài hòa với thiên nhiên; du lịch trải nghiệm và khám phá, du lịch tìm hiểu văn hóa các dân tộc…
Bằng những việc làm và hướng đi cụ thể, Yên Bái đang từng bước định vị thương hiệu du lịch của tỉnh, hướng tới phát triển nhanh và bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du miền núi Bắc Bộ vào năm 2030.
HOA TRANG