Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương chỉ đạo cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan, đơn vị nghiêm chỉnh chấp hành và phổ biến quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ (dựa trên tiêu chí xác định và Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ mà pháp luật đã quy định); không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã trái pháp luật; không sử dụng, tiêu thụ các loài động vật hoang dã nguy cấp và sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp; không tham gia săn, bắt, mua, bán, sử dụng các loài chim hoang dã, đặc biệt trong mùa di cư từ tháng 9 của năm trước đến tháng 4, tháng 5 của năm sau.
Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 08/12/2020 của Thủ tướng Chính Phủ về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; không vận chuyển, buôn bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại ra môi trường.
Các cơ quan chức năng tại địa phương phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động săn bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài chim hoang dã, đặc biệt tại các khu vực có loài chim di cư xuất hiện; kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động buôn bán, vận chuyển, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại tại khu vực tâm linh như: đình, đền, chùa,…
UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Cục Hải quan, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thanh tra, kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở nuôi, kinh doanh động vật hoang dã, chợ chim hoang dã, tuyến vận chuyển hàng hóa trọng điểm và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm…
Hạo Nhiên