Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành điểm đến của khắp bạn bè năm châu, bốn bể.
"Kong: Skull Island" là dự án mới về nhân vật quái vật huyền thoại King Kong, kể về nguồn gốc ra đời của loài sinh vật này. Phim lấy bối cảnh thập niên 1970 ở Detroit (Mỹ) rồi dẫn dắt người xem dõi theo hành trình tìm về quê hương của chúa tể các loài vượn khổng lồ. Tại Mỹ, "Kong: Skull Island" được quay ở Kualoa Ranch tại Oahu, Hawaii- từng là bối cảnh của "Jurassic World". Tại Úc, phim chủ yếu quay tại bang Queensland- nơi có nhiều chính sách mở để thu hút các dự án phim. Trước "Kong: Skull Island", một số tác phẩm: "The Nest 3D", "The Shallows" từng chọn Queensland làm bối cảnh chính.
Với những địa danh nổi tiếng tại Tràng An, khu Tam Cốc Bích Động (Ninh Bình), hồ Yên Phú, hang Chuột, Thung Lũng Chà Nòi (Quảng Bình) và Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Việt Nam đang được xem là phim trường mới với sức hấp dẫn khó cưỡng đối với các nhà làm phim Hollywood.
Tại buổi gặp gỡ báo chí, đạo diễn của bộ phim King Kong, ông Vogt-Roberts đã chia sẻ: “Những người đi xem Jurassic Park đều nhớ đến Hawaii, xem Lords of the Rings đều nhớ đến New Zealand bởi những nơi này có cảnh đẹp choáng ngợp. Việt Nam có những phong cảnh núi non và hang động đẹp như siêu thực. Tôi chọn làm Kong: Skull Island ở đây bởi muốn Việt Nam hiện lên cũng phải như trong Lord of the Rings. Tôi muốn Việt Nam lên hình sẽ thực sự khác biệt, gây ấn tượng tới nỗi người xem ở các nơi trên thế giới phải trầm trồ hỏi nhau đó là đâu và họ thực sự muốn đến đây sau khi xem phim”
Tất nhiên, những gì mà vị đạo diễn lừng danh Jordan nói là hoàn toàn có căn cứ, nhưng để biến điều đó thành hiện thực thì còn là hành trình dài, đầy thách thức đối với cả ngành du lịch, điện ảnh, chính quyền địa phương và cơ quan truyền thông báo chí. Bởi vì thực tế, Việt Nam đã từng để vuột rất nhiều cơ hội quý trong việc lấy điện ảnh làm công cụ để quảng bá hình ảnh đất nước, không chỉ với các đối tác nước ngoài, mà ngay cả với những phim nội địa.
Cuối năm 2015, cảnh sắc mê hồn của Hang Én (hang động tự nhiên lớn thứ ba thế giới) nằm trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) và muôn hình vạn trạng những hòn đảo lớn nhỏ trên Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã trở thành xứ sở thần tiên cho cậu bé Peter Pan bay lượn trong bộ phim bom tấn Pan và vùng đất Neverland. Thế nhưng, đến cả người Việt Nam còn khó nhận ra cảnh sắc ấy chính là quê hương mình, bởi họ đã xử lý kỹ xảo và bởi Việt Nam không được ghi tên trong danh sách những địa điểm quay hình khi thực hiện bộ phim.
Trước đó cũng có rất nhiều đoàn làm phim quốc tế đặt vấn đề quay phim tại Việt Nam nhưng gặp không ít khó khăn, trở ngại vì thủ tục cũng như khả năng cung cấp dịch vụ hậu cần. Vì thế mà rất nhiều cơ hội quảng bá văn hóa du lịch Việt Nam qua điện ảnh đã bị rơi vào tay hai quốc gia láng giềng là Thái Lan và Campuchia.
“Trời và đất”, bộ phim đoạt ba giải Osca của đạo diễn Oliver Stone sản xuất vào năm 1994 đã không vượt qua được khâu duyệt kịch bản và câu chuyện tại Việt Nam được quay hoàn tòan ở Thái Lan. Việc Việt Nam từ chối Nhà sản xuất phim Điệp viên 007 khi họ muốn thực hiện trường đoạn hấp dẫn nhất của tập phim “Ngày mai không tàn lui” tại Vịnh Hạ Long đã gây chấn động Hollywood và làm cả Châu Á phải tiếc nuối, trừ Thái Lan, họ lại giành được cơ hội này.
Có hàng trăm bộ phim về đề tài chiến tranh Việt Nam được Hollywood khai thác. Trong đó có những bộ phim đoạt các giải thưởng danh giá như: Hồi hương; Ngày tận thế, Áo giáp thép… nhưng không một bộ phim nào trong số này được quay tại Việt Nam.
Không nắm bắt được cơ hội là điều đáng tiếc, xong có cơ hội rồi mà không biết tận dụng, không biết phát huy, làm nó tốt hơn, đẹp hơn thì lại là điều đáng trách.
Việt Nam cũng đã có rất nhiều đoàn làm phim nước ngoài đến quay, như Đông Dương, Người tình, rồi Người Mỹ trầm lặng chẳng hạn. Hiệu ứng mà những cái tên này đem lại cho ngành du lịch Việt là rất tốt. Ở thời điểm sau khi phim “Đông Dương” được công chiếu, hầu hết khách du lịch từ Mỹ và các nước châu Âu thăm vịnh Hạ Long đều đề nghị ghé thăm phim trường Vụng Oản của bộ phim. Thậm chí, nhiều người còn không ngại bỏ ra một khoản tiền lớn chỉ để đặt được phòng 208 của khách sạn Hạ Long 1 mà ngôi sao của bộ phim - Catherine đã ở...
Nhưng chỉ sau đó một thời gian, lượng khách đến đây cũng thưa dần cùng sự “hạ nhiệt” của bộ phim.
Không chỉ với những hãng phim quốc tế, ngay cả phim nội địa 100% cũng đã từng nhiều lần lỡ nhịp.
Một thực tế đáng buồn dễ nhận thấy, đó là những địa danh được quay trong phim chỉ “sốt’ cùng thời điểm tung ra bộ phim, hoặc là trước đó, khi nhà sản xuất hoặc nhà tài trợ muốn PR (quảng cáo) cho bộ phim. Bộ phim “Hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ từng gây hiện tượng “cháy” các phòng vé. Địa danh Phú Yên, bối cảnh chính cho bộ phim thời điểm đó cũng liên tục có tên trên trang nhất nhiều tờ báo, tuy nhiên, khi cơn sốt hoa vàng cỏ xanh lắng xuống thì dường như lại kéo theo cả lượng khách du lịch đến với Phú Yên.
Cùng với đó, có thể điểm danh rất nhiều điểm đến khác cùng chung “số phận”, như như một Cao nguyên đá khoe sắc trong Chuyện của Pao, một Hồ Ba Bể đẹp ma mị trong Hạt mưa rơi bao lâu, hay nét văn hóa Nam Bộ đậm đặc trong Mùa len trâu giữa mênh mang mùa nước nổi…
Nhân câu chuyện "Kong: Skull Island", vấn đề làm sao để “kéo dài tuổi thọ” cho các tour du lịch , làm sao để duy trì ổn định lượng du khách đến Việt Nam sau cơn sốt của các bộ phim bom tấn lại được xới xáo lên thời gian gần đây.
Bài học từ thành công lớn của ngành du lịch New Zealand sau loạt phim bom tấn “Chúa tế những chiếc nhẫn” là gì? Đó là việc các nhà tiếp thị đã ráo riết khai thác cái gọi là “ngành du lịch điện ảnh”. Các loại hình dịch vụ “ăn theo” như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, phục vụ ăn uống, thậm chí các công ty du lịch còn cung cấp dịch vụ trải nghiệm cảm giác mạnh giống các nhân vật trong phim, nở rộ như “nấm mọc sau mưa”. Và hầu hết, các chiến dịch quảng bá này thường được hỗ trợ nhiệt tình bởi chính phủ. Bên cạnh mỗi phim bom tấn là một (hoặc rất nhiều) chiến dịch quảng bá tiềm năng.
Tương tự, "Life Of Pi" của đạo diễn Lý An đã gợi cảm hứng cho chiến dịch quảng bá "Land of Pi" của Bộ Du lịch Ấn Độ với các điểm đến từng là bối cảnh của phim như: The Botanical Gardens, khu phố Pondicherry… Lượng du khách tăng vọt khiến Ấn Độ huyền bí và hấp dẫn càng thêm thu hút trong mắt du khách.
Với Việt Nam, "Kong: Skull Island" là cơ hội hiếm có để quảng bá hình ảnh đất nước và thu hút khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội vàng mà bộ phim bom tấn này đem lại, thiết nghĩ bên cạnh việc cải thiện môi trường du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng, ngành du lịch cần phối hợp với ngành điện ảnh, chính quyền địa phương xây dựng chiến lược quảng bá điểm đến dài hơi tại những nơi gắn liền với đoàn làm phim. Nếu làm tốt, chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, ấn tượng với du khách, mang lại nguồn lợi lâu dài cho ngành du lịch ngay cả khi bộ phim bom tấn ấy đã “nguội”
Nguồn: cinet.vn