Ariêu Car là lễ hội thiêng liêng và lớn nhất của đồng bào các dân tộc trên địa bàn 21 xã, thị trấn thuộc huyện A Lưới. Thông qua lễ hội, đây là dịp để thắt chặt tình đoàn kết giữa các bản làng, kết nghĩa tâm giao giúp đỡ nhau khi khó khăn hoạn nạn, cho nhau đất đai làm nương rẫy, gắn kết tình cảm thông gia, bè bạn.
Ngoài ra, đây còn là dịp để các bản làng hòa giải các mâu thuẫn, đưa ra quy ước, hương ước, quy định chung những điều không được vi phạm hoặc hình phạt nhất định nếu bên nào vi phạm sẽ bị xử phạt thích đáng.
Điểm đặc biệt của năm nay là nghi lễ đâm trâu (Chật Ty riaq) là nghi lễ quan trọng nhất của buổi lễ đã được sân khấu hóa. Trước khi lễ hội Ariêu Car được bắt đầu, các Già làng, chủ lễ tề tụ quanh cây nêu, tiến hành nghi thức: Tâng Hung (họp bàn), Axa Arah (lễ tẩy rửa), Ta nôm (hẹn ước)… Tiếp đến là nghi lễ Pa đoh ân đoong để các Già làng báo với Giàng, thần linh, trời đất, sông núi… rằng lễ hội Ariêu Car chính thức được bắt đầu và cầu mong suông sẻ, may mắn; Tiếp theo là các Nghi lễ Veel moot (Đón khách); Nghi lễ Pa dưưn veel (Vũ điệu chào mừng lễ hội); Nghi lễ Chật Ty riaq(Nghi lễ đâm trâu); Nghi lễ Tực A riêu Car (Cúng A riêu Car); Nghi lễ Moot Câr hoot, coat pâr nai (Gửi gắm, Định ước); Nghi lễ Pa choo tâm mooi (Tiễn khách) và cuối cùng là Nghi lễ Zi Zar (Báo hiệu lễ hội A riêu Car kết thúc)
Bà Lê Thị Thêm - Trưởng Phòng Văn hóa huyện A Lưới cho biết: Bắt đầu từ năm nay lễ hội này sẽ không còn nghi lễ đâm trâu “thực” như trước đây nữa. Dù ban đầu ý tưởng Lễ hội đâm trâu được sân khấu hóa rất khó khăn, nhưng qua nhiều cuộc vận động, các già làng, đông đảo đồng bào Pako, Tà Ôi, Pa hy…trên địa bàn đã thống nhất và lễ hội đâm trâu mang tính sân khấu hóa này vẫn diễn ra hoành tráng, đậm chất văn hóa dân gian và thu hút đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số cũng như du khách đến tham dự.
Minh Hạnh