Sự kiện du lịch góp phần xúc tiến điểm đến quốc gia
Ở Việt Nam, các loại hình sự kiện tương đối phong phú và đa dạng. Nhiều lễ hội và sự kiện trước đây không phải là sản phẩm du lịch, nhưng nay trở thành một trong những nét hấp dẫn du khách và được khai thác phục vụ cho hoạt động du lịch.
Các sự kiện du lịch góp phần vào quảng bá hình ảnh điểm đến, giới thiệu văn hóa truyền thống của người dân bản địa cũng như các hoạt động vui chơi giải trí đến du khách. Quy mô và tính hấp dẫn của các sự kiện du lịch thu hút đông đảo người dân và du khách ở các vùng miền quốc gia/quốc tế đến tham dự, góp phần làm tăng nguồn thu từ du lịch cho các doanh nghiệp kinh doanh tại địa phương. Sự kiện du lịch được tổ chức sẽ giúp khắc phục tính mùa vụ trong phát triển du lịch tại một điểm đến. Đối với các doanh nghiệp, việc tổ chức thành công các sự kiện du lịch là yếu tố then chốt trong hoạt động xây dựng hình ảnh thương hiệu, gia tăng tốc độ thâm nhập thị trường.
Nhận thức được điều này, các sự kiện du lịch ở nước ta ngày càng được đầu tư và phát triển với tốc độ rất nhanh. Việt Nam đã chứng minh được tiềm năng của mình qua việc tích cực đăng cai, và tổ chức thành công nhiều sự kiện như SEA Games 22 năm 2003, Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC năm 2006, Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2008 tại Nha Trang, Festival Huế… thu hút một lượng lớn khách du lịch tới tham dự.
Tuy nhiên, các sự kiện du lịch ở Việt Nam vẫn còn những mặt hạn chế như tình trạng vứt rác bữa bãi gây ô nhiễm môi trường, tình trạng chen lấn xô đẩy, tắc đường…
Quản trị sự kiện du lịch
Việc quản lý, quản trị các sự kiện, lễ hội du lịch ở Việt Nam hiện nay được thực hiện theo những mô hình khác nhau tùy thuộc vào quy mô của từng sự kiện được tổ chức.
Thứ nhất, những sự kiện lớn thường nhắm vào những thị trường quốc tế với mục đích xây dựng hình ảnh điểm đến quốc gia trong tâm trí bạn bè, du khách quốc tế. Các sự kiện này được tổ chức với quy mô quốc gia và được quản lý bởi các cơ quan nhà nước cấp Trung ương, các nhánh quản lý nhà nước thuộc Bộ. Sự kiện du lịch điển hình ở Việt Nam phải kể đến SEA GAMES 22 năm 2003. Đây là sự kiện không chỉ giúp Việt Nam giới thiệu mình với thế giới mà còn tạo ra những tác động lâu dài và bền bỉ đối với nền kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam.
Những sự kiện loại này thường áp dụng mô hình quản lý có sự can thiệp sâu của Nhà nước, trong đó các cơ quan nhà nước chủ động trong tất cả các khâu của quy trình quản trị, bao gồm xây dựng ý tưởng, lập kế hoạch sự kiện, thực hiện kế hoạch sự kiện, xúc tiến truyền thông, quản lý tài chính, quản trị rủi ro, tổ chức thực hiện, kiểm tra đánh giá trước, trong và sau sự kiện. Do vậy, các hoạt động trong sự kiện được tiến hành một cách bài bản với các nghi thức nhà nước chính thống. Cộng đồng dân cư sở tại tham gia theo chủ trương huy động của các cơ quan chính quyền, đoàn thể. Mô hình quản trị này có ưu điểm là huy động được nguồn nhân lực, tài chính lớn, đảm bảo được tính quy mô tầm cỡ, giúp phục vụ tốt cho nhiệm vụ chính trị, cho mục tiêu giáo dục.
Thứ hai, các sự kiện du lịch tổ chức với quy mô vùng/tỉnh, thành được xếp vào nhóm các sự kiện chính yếu. Sự kiện này thu hút số lượng lớn những người yêu thích văn hóa đặc thù mang tính địa phương và thường được tổ chức tại những địa điểm du lịch độc đáo, ví dụ như Lễ hội Festival hoa Đà Lạt, Festival Huế, Lễ hội ẩm thực Vũng Tàu, Lễ hội Du lịch biển Nha Trang. Các sự kiện thường kéo dài nhiều ngày và thường bao gồm nhiều sự kiện, lễ hội, hoạt động phụ trợ đi kèm.
Mô hình quản lý cho các sự kiện thuộc nhóm này kết hợp giữa vai trò tự quản của cộng đồng với sự trợ giúp của cấp quản lý nhà nước về sự kiện ở tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương; mang lại lợi ích cho cả cộng đồng và khu vực Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có chính sách, quy định rõ ràng về việc thực hiện quan hệ hợp tác giữa khu vực tư nhân (cộng đồng) với phía Nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, sự kiện. Điều này gây ra những trở ngại trong việc phân chia nhiệm vụ, quyền lợi dẫn đến nảy sinh nhiều mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên tham gia hợp tác. Trên thực tế, chính quyền địa phương tổ chức sự kiện du lịch ở Việt Nam còn can thiệp sâu vào việc quản lý các nguồn thu từ sự kiện.
Thứ ba, loại sự kiện với quy mô khu vực được xếp vào nhóm các sự kiện thứ yếu, ví dụ như Lễ hội đường hoa Nguyễn Huệ, Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ ở Cần Thơ. Các sự kiện này do địa phương (huyện, xã, phường) tổ chức và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về sự kiện ở địa phương, thực hiện theo quy định của chính quyền địa phương. Mỗi sự kiện đóng vai trò như một sản phẩm bổ sung (hoạt động vui chơi giải trí), góp phần tạo sự phong phú đa dạng cho các sản phẩm dịch vụ du lịch tại điểm đến du lịch.
Mô hình quản lý áp dụng cho sự kiện này có thể là sự kết hợp giữa cộng đồng và Nhà nước, hoặc chỉ do tư nhân điều hành nhưng vẫn đảm bảo tuân theo các quy định của địa phương. Trong mô hình quản lý do tư nhân điều hành, vai trò của đơn vị tổ chức vô cùng quan trọng, bằng không sẽ tạo ra những tác động tiêu cực trong việc phát huy các giá trị đặc sắc của điểm đến du lịch trong tâm trí du khách.
Xu hướng quản trị các sự kiện và sự kiện du lịch ở nước ta đã được nhìn nhận dưới góc nhìn của nhà quản lý và nhà nghiên cứu về sự kiện. Trên phương diện quản lý, hiện tại ở Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương sẽ phụ trách tổ chức, kiểm tra và giám sát các lễ hội truyền thống, cộng đồng, tôn giáo, chính trị, hoặc các lễ kỷ niệm mang tính quốc gia như Lễ kỷ niệm ngày Quốc Khánh 2/9, Lễ kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương… Đối với một số sự kiện du lịch được Bộ VHTTDL xác định là tổ chức theo nhu cầu thị trường, Bộ khuyến khích thực hiện xã hội hóa. Chẳng hạn, với Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, cơ quan nhà nước chỉ đầu tư khoảng 10%, chủ yếu vào lĩnh vực đảm bảo an toàn an ninh và y tế. Bên cạnh đó, phía Nhà nước vẫn đầu tư phần lớn kinh phí vào nhiều sự kiện du lịch ở các cấp tỉnh/thành nhằm xây dựng, quảng bá hình ảnh điểm đến, ví dụ Lễ hội hoa Đà Lạt, Festival Huế…
Theo các nhà nghiên cứu, các sự kiện thực sự là đòn bẩy để thu hút khách du lịch, quảng bá du lịch, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch. Các sự kiện du lịch nên được phân loại theo quy mô, hoặc theo mục đích (ví dụ như các sự kiện lễ hội kỷ niệm của quốc gia, sự kiện hội họp, sự kiện quảng bá và xây dựng hình ảnh điểm đến). Bên cạnh sự ra đời của sự kiện, các lễ hội cổ truyền có sự biến đổi về thời gian, không gian và chủ thể tổ chức sự kiện như một yếu tố khách quan trong đời sống văn hóa hiện nay. Vì vậy, không nên có quan điểm cứng nhắc, lấy các nguyên lý tổ chức lễ hội truyền thống làm khuôn mẫu cho việc tổ chức các lễ hội, sự kiện hiện tại. Tuy nhiên, cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò chủ thể của cộng đồng trong tổ chức lễ hội, sự kiện. Cộng đồng phải được tham gia vào các quá trình tổ chức lễ hội, phải được trao quyền tổ chức lễ hội, đồng thời không coi nhẹ việc quản lý của Nhà nước đối với các lễ hội đó.
Như vậy, dù dưới quan điểm của nhà quản lý hay nhà nghiên cứu về sự kiện, xu hướng xã hội hóa trong quản trị các sự kiện nói chung và sự kiện du lịch nói riêng tại Việt Nam cũng đã được chỉ rõ.
Tạp chí Du lịch
ThS. Trịnh Lê Anh*
ThS. Bùi Nhật Quỳnh*