1. Điều kiện công nhận điểm du lịch, khu du lịch quốc gia và khu du lịch cấp tỉnh đã được điều chỉnh hợp lý hơn
Theo Luật Du lịch 2005, khu du lịch, điểm du lịch được xếp hạng theo hai cấp: cấp quốc gia và cấp địa phương. Tuy nhiên, các điều kiện công nhận chưa phù hợp với thực tiễn, việc công nhận chủ yếu dựa trên quy hoạch, thời điểm công nhận khu du lịch, điểm du lịch thiếu rõ ràng nên không xác định khu du lịch, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp địa phương được định danh trước hay đến khi được công nhận mới được gọi là khu du lịch, điểm du lịch theo từng cấp độ. Thực tế trong thời gian qua, chỉ có rất ít khu du lịch được công nhận là khu du lịch quốc gia.
Khắc phục bất cập này, Luật Du lịch 2017 chỉ công nhận điểm du lịch, khu du lịch cấp tỉnh, khu du lịch quốc gia, không thực hiện việc phân cấp đối với điểm du lịch như Luật Du lịch 2005. Các điều kiện công nhận được quy định có tính khả thi hơn. Đặc biệt, Luật đã bổ sung điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ môi trường nhằm bảo vệ khách du lịch và bảo đảm các nguyên tắc
phát triển du lịch. Từ việc điều chỉnh các quy định về điều kiện th. thời điểm công nhận cũng được xác định rõ ràng hơn. Mục đích của việc công nhận điểm du lịch, khu du lịch là nhằm quảng bá thương hiệu của điểm đến và thu hút khách du lịch, do vậy, điểm du lịch, khu du lịch chỉ được công nhận theo từng
cấp độ sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện về tài nguyên du lịch, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ khách du lịch.
2. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận khu du lịch, điểm du lịch được quy định rõ ràng, cụ thể và dễ thực hiện hơn
Th��� nhất, thẩm quyền công nhận khu du lịch, điểm du lịch được phân cấp mạnh
Luật Du lịch 2005 quy định Thủ tướng Chính phủ công nhận điểm du lịch quốc gia, khu du lịch quốc gia; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận điểm du lịch địa phương, khu du lịch địa phương.
Luật Du lịch 2017 đã điều chỉnh thẩm quyền công nhận theo hướng phân cấp mạnh cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tuyến dưới, theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận điểm du lịch, khu du lịch cấp tỉnh; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận khu du lịch quốc gia nằm trong địa giới hành chính một tỉnh; Thủ tướng Chính phủ công nhận khu du lịch quốc gia nằm trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.
Thứ hai, trình tự, thủ tục công nhận rõ ràng, đầy đủ hơn
Luật Du lịch 2005 mới chỉ quy định về điều kiện, hồ sơ và thẩm quyền công nhận khu du lịch, điểm du lịch theo các cấp độ, thiếu quy định về trình tự, thủ tục công nhận. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc công nhận khu du lịch, điểm du lịch khó triển khai trong thời gian qua.
Từ những bất cập trên, Luật Du lịch 2017 đã quy định cụ thể chủ thể nộp hồ sơ, cơ quan tiếp nhận, thẩm định và trình tự, thủ tục công nhận khu, điểm du lịch theo từng cấp độ. Đặc biệt, Luật đã bổ sung quy định về thu hồi quyết định công nhận trong trường hợp khu du lịch, điểm du lịch không còn đảm bảo các điều kiện công nhận nhằm bảo đảm các điểm du lịch, khu du lịch phải luôn duy trì các điều kiện đã được quy định trong Luật.
Nhìn chung, những điều chỉnh về trình tự, thủ tục, thẩm quyền như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu,quản lý khu du lịch, điểm du lịch chủ động trong việc lập hồ sơ và tổ chức thẩm định, công nhận khu du lịch, điểm du lịch.
3. Về quản l. khu du lịch, điểm du lịch
Luật Du lịch 2005 và Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 1/6/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch quy định khu du lịch phải có Ban quản lý do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập. Ban quản lý thực hiện việc quản lý khu du lịch theo các nội dung quản lý được quy định trong Luật và Nghị định.
Trên thực tế, trong thời gian qua đã hình thành một số khu du lịch lớn tại nhiều tỉnh, thành trên phạm vi cả nước như Sapa, Mộc Châu, Núi Bà Đen, Hồ Tuyền Lâm, Hạ Long, Cát Bà, Tràng An - Bái Đính, Điện Biên Phủ - Pá Khoang - Mường Phăng… Để quản lý các khu du lịch này, một số địa phương đã thành lập ban quản lý, có nơi trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có nơi trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; có nơi giao cho doanh nghiệp quản lý. Nhiệm vụ, quyền hạn của ban quản lý khu du lịch chưa thống nhất và có những hạn chế nhất định. Để đảm bảo tính
linh hoạt trong quy định về đơn vị quản lý khu du lịch, Luật Du lịch 2017 giao Chính phủ quy định mô ì.nh quản lý khu du lịch quốc gia, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh.
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang trình Chính phủ hồ sơ dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, trong đó có nội dung quy định chi tiết về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia. Căn cứ yêu cầu thực tiễn về quản lý khu du lịch quốc gia, để nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ du lịch, đảm bảo bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch một cách tốt nhất, việc thành lập Ban quản lý khu du lịch quốc gia theo mô hình thống nhất trên phạm vi toàn quốc tương tự như Ban quản lý khu kinh tế là cần thiết. Tuy nhiên, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 ban hành
Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, theo đó, không quy định về tổ chức bộ máy trong các văn bản luật chuyên ngành. Do vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ phương án phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tính chất, quy mô, yêu cầu phát triển du lịch của địa phương quyết định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập sau khi có ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
4. Luật Du lịch 2017 bỏ quy định công nhận tuyến du lịch
Tuyến du lịch là lộ trình liên kết các khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp các dịch vụ du lịch, gắn với các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không. Luật Du lịch 2005 đã có quy định về công nhận tuyến du lịch địa phương, tuyến du lịch quốc gia và quản lý tuyến du lịch. Tuy nhiên, những quy định này không có ý nghĩa thực tiễn vì những lý do sau:
Thứ nhất, các điểm, khu du lịch, các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch đã được quy định trách nhiệm quản lý cụ thể, tuyến du lịch thuộc địa bàn tỉnh nào thì tỉnh đó có trách nhiệm quản lý. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông và phương tiện vận tải cũng được điều chỉnh bởi pháp luật về giao thông vận tải.
Thứ hai, trên thực tế, trên cơ sở những khu, điểm du lịch có sẵn, theo nhu cầu của khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành có thể xây dựng chương trình du lịch, sản phẩm du lịch một cách linh hoạt, không nhất thiết phải theo những tuyến du lịch cố định.
Thứ ba, những tuyến được xác định không thể có chế tài riêng, không có ưu đãi riêng, không có quy định riêng về quản lý, về sở hữu, điều kiện vận hành… nên việc xác định tuyến là không có ý nghĩa thực tiễn.
Thứ tư, việc đầu tư phát triển du lịch được triển khai theo các cơ chế chính sách chung của Trung ương và địa phương; nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông các tuyến đường quan trọng nối liền hoặc dẫn đến các trung tâm, khu, điểm du lịch và việc vận hành được triển khai theo các quy định của pháp luật liên quan.
Vì những lý do trên, Luật Du lịch 2017 đã bỏ các quy định liên quan đến công nhận và quản lý tuyến du lịch.
5. Luật Du lịch 2017 bỏ quy định công nhận đô thị du lịch
Luật Du lịch 2005 quy định 3 điều kiện để công nhận đô thị du lịch. Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay mới chỉ thí điểm công nhận đô thị du lịch Cửa Lò (Nghệ An). Quy định này khó triển khai được vì lý do sau:
- Điều kiện công nhận đô thị du lịch khó định lượng, thiếu tính khả thi, không thể hướng dẫn chi tiết. Ví dụ: với một số đô thị như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,… mặc dù là những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch, đón được lượng khách du lịch lớn nhưng khó định lượng tỷ trọng thu nhập từ du lịch trên tổng GDP của thành phố theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Du lịch 2005 nên
không thể công nhận là đô thị du lịch.
- Luật Du lịch 2005 giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương, các cơ quan hữu quan thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận đô thị du lịch trình Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng.
- Luật quy hoạch đô thị năm 2009, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và hệ thống pháp luật về xây dựng đều quy định đô thị được phân thành 6 loại gồm loại đặc biệt, loại I, II, III, IV và V, không có đô thị du lịch.
- Việc công nhận đô thị du lịch nhưng không có quy định công nhận các đơn vị hành chính khác là địa bàn về du lịch có thể tạo ra cách hiểu ngành Du lịch ưu tiên phát triển du lịch tại các đô thị.
Để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn, Luật Du lịch 2017 đã bỏ quy định về đô thị du lịch.
(Còn nữa)
Nguyễn Thanh Thủy