Quản lý và sử dụng bền vững cảnh quan văn hóa, hệ thống sinh thái - lịch sử tại khu vực lăng mộ Hoàng gia triều Nguyễn
(VTR) - Ngày 20/3/2018, tại Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu đô thị và vùng - Đại học Waseda, Nhật Bản tổ chức hội thảo quốc tế về Quản lý và sử dụng bền vững cảnh quan văn hóa, hệ thống sinh thái - lịch sử tại khu vực lăng mộ Hoàng gia triều Nguyễn và lưu vực thượng nguồn sông Hương.
Cụm lăng mộ hoàng gia Triều Nguyễn gắn liền với lưu vực thượng nguồn sông Hương (chủ yếu là 4 khu lăng mộ hoàng gia đầu triều Nguyễn: lăng Hoàng đế Gia Long, lăng Hoàng đế Minh Mạng, lăng Hoàng đế Thiệu Trị và lăng Hoàng đế Tự Đức), trong đó đặc biệt tập trung vào khu vực lăng Gia Long và vùng phụ cận cùng lưu vực thượng nguồn sông Hương là một khu vực có giá trị to lớn về nhiều mặt, xứng đáng để được công nhận là di sản thế giới bởi những yếu tố đa dạng được lồng ghép một cách toàn diện và quy tụ quanh hệ sinh thái tự nhiên trải dọc theo sông Hương từ Kinh thành Huế đến các lăng mộ hoàng gia và hệ thống làng mạc dân cư. Đây là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể và tinh thần phong phú, bao gồm: sản phẩm nông nghiệp, thế giới tinh thần (quan niệm sống, tôn giáo và tín ngưỡng), thủy lợi, hệ thống quản lý nước và các yếu tố lịch sử, văn hóa, truyền thống (sinh hoạt cộng đồng, lễ hội…) đều được lồng ghép vào cảnh quan văn hóa lưu vực sông Hương.
Hội thảo đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu trong nhiều năm qua của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Viện Nghiên cứu đô thị và vùng - Đại học Waseda về những giá trị cảnh quan văn hóa và môi trường lịch sử - sinh thái cũng như tiềm năng phát triển du lịch tại khu vực lăng mộ hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với lưu vực thượng nguồn sông Hương. Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà quản lý, các học giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã nêu các quan điểm bảo vệ vùng đệm cảnh quan văn hóa nhằm bảo vệ tính toàn vẹn, duy trì và phát triển bền vững các giá trị văn hóa - lịch sử, cảnh quan, môi trường của các lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với khu vực thượng nguồn sông Hương nhằm xây dựng phương án thích hợp bảo tồn cảnh quan di sản cho khu vực và giới thiệu về việc thiết lập mô hình du lịch sinh thái tại lăng Gia Long.
Các kết quả nghiên cứu trong thời gian qua và các ý kiến góp ý trao đổi của các chuyên gia tham dự hội thảo lần này sẽ được xem xét bổ sung vào dự thảo hồ sơ tái đề cử Quần thể Di tích Huế đề nghị UNESCO công nhận với danh hiệu mới là Cảnh quan Văn hóa thế giới, nhằm bảo vệ toàn diện hơn các giá trị của di sản văn hóa và môi trường cảnh quan cố đô Huế.
Trong thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Đại học Waseda sẽ kết hợp với Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế hoàn thiện mô hình tour chuyên đề du lịch sinh thái - lịch sử tại khu vực lăng Hoàng đế Gia Long đưa vào triển khai thí điểm giới thiệu cho du khách đến Huế. Sau đó, tiếp tục mở rộng qua những khu vực lăng khác, góp phần đa dạng hóa sản phẩm tour du lịch đến Huế.
Minh Hạnh