Từ năm 2009, AFD và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường khởi xướng Chương trình SP-RCC. Đến nay, AFD đã cam kết tổng số vốn 200 triệu EUR vay ODA cho Chương trình này, đặc biệt là tăng hạn mức hàng năm từ 20 triệu EUR lên 50 triệu EUR trong giai đoạn 2016 - 2020.
AFD cũng cung cấp các khoản hỗ trợ kỹ thuật đi kèm Chương trình SP-RCC như: Dự án đánh giá về chiến lược biến đổi khí hậu và chuẩn bị đề án xây dựng Luật Biến đổi khí hậu; cấu trúc lại khung ma trận chính sách SP-RCC 2013 -2015; xây dựng Khung chính sách và Văn kiện chương trình SP-RCC giai đoạn 2016 - 2020; Khung chính sách của từng năm, hiệu quả năng lượng trong ngành thép; kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Đà Nẵng…
AFD cũng tham gia tích cực vào các hội thảo, sự kiện và đối thoại chính sách về khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, đặc biệt liên quan đến chuẩn bị cho Hội nghị COP 21 và triển khai Thỏa thuận Paris tại Việt Nam.
AFD thường xuyên phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đối tác Việt Nam tổ chức các hội thảo phổ biến kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm giữa Pháp và Việt Nam về khí hậu và môi trường và tiếp tục duy trì các hoạt động tài trợ cho các dự án đầu tư khí hậu với tổng tài trợ hơn 700 triệu EUR cho giai đoạn 2006 - 2016 cho các dự án giảm nhẹ (dự án tầu điện ngầm Hà Nội, năng lượng tái tạo) và thích ứng (các dự án nâng cấp hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu ở các địa phương, nghiên cứu chống xói lở bờ biển)…
Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẵn sàng đóng vai trò đầu mối trong đối thoại chính sách thông qua Chương trình SP-RCC cũng như sẵn sàng đóng vai trò đầu mối cho Chương trình GEMMES nghiên cứu quy mô của những thiệt hại do khí hậu gây ra ở Việt Nam và đánh giá những chiến lược thích ứng…
Phó trưởng Ban khí hậu của AFD Hervé Breton cho biết, chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những mục tiêu chủ chốt của AFD tại Việt Nam. Chương trình hỗ trợ, phối hợp với Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đang ở giai đoạn đầu và sẵn sàng thực hiện thỏa thuận trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, AFD đã giới thiệu chiến lược khí hậu mới của AFD giai đoạn 2017 - 2022 cũng như khả năng cam kết tài trợ của AFD ở Việt Nam phù hợp với sự phát triển carbon thấp và cải thiện khả năng chống chịu biến đổi khí hậu. Hai bên cũng trao đổi và thống nhất về định hướng hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với AFD trong khuôn khổ Bản ghi nhớ dự kiến sẽ được ký kết tại Paris nhân chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Pháp vào thời gian tới như: những ưu tiên của chương trình cho vay qua sự hỗ trợ của AFD; sự tham gia của các công ty tư nhân với sự tài trợ của AFD; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu ở Việt Nam một cách thường xuyên và liên tục để không chỉ các cấp chính quyền, doanh nghiệp mà cả người dân phải hiểu về biến đổi khí hậu và biết phải làm gì để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng đề nghị AFD tiếp tục giúp Việt Nam nghiên cứu thử nghiệm một số mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu đặc trưng cho từng vùng, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.
P.V