|
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại hội nghị |
Dự án Định hướng quản lý và phát triển du lịch tại khu di sản thế giới ở Việt Nam được thực hiện trong 2 năm 2007 – 2008 với mục tiêu góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, của đội ngũ những người làm du lịch về tầm quan trọng của hệ thống các di sản, từ đó hình thành ý thức, trách nhiệm đối với công tác bảo tồn, làm công cụ cho các nhà quản lý trong việc bảo tồn và phát triển du lịch tại các khu vực này. Theo kết quả nghiên cứu của Dự án, với số lượng 7 di sản thế giới, gồm: 2 di sản thiên nhiên, 3 di sản văn hóa và 2 kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại đã được UNESCO công nhận cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam được xem là quốc gia có nhiều di sản thế giới trong khu vực. Số liệu thống kê tại 5 khu di sản thế giới ở Việt Nam cho thấy, lượng khách du lịch đến các khu vực này tăng lên nhanh chóng: năm 2004 là 1.472.137 lượt người, năm 2005 là 1.868.696 lượt người, năm 2006 là 2.051.386 lượt người. Đối với công tác quản lý phát triển Ngành, hệ thống di sản thế giới luôn được coi là nhân tố chính để phát triển trở thành các khu, điểm du lịch có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, làm động lực cho sự phát triển du lịch của cả nước. Chẳng hạn như: vịnh Hạ Long được xác định là không gian du lịch chủ yếu của trung tâm du lịch Hải Phòng - Quảng Ninh hay cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn là không gian du lịch chính ở Trung tâm Huế - Đà Nẵng đồng thời của vùng du lịch Bắc Trung bộ và đặc biệt còn gắn với phát triển du lịch hành lang Đông – Tây. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị của di sản phục vụ cho phát triển du lịch đang tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể ở một số lĩnh vực quản lý, bảo tồn các di sản với tư cách là tài nguyên phục vụ du lịch; đầu tư phát triển du lịch tại khu vực di sản; quản lý kinh doanh dịch vụ du lịch; bảo đảm an toàn, an ninh trật tự các điểm du lịch di sản; vấn đề xã hội hoá trong bảo tồn di sản và phát huy giá trị phục vụ du lịch; thể chế quản lý phát triển du lịch tại khu vực di sản... Thực tế này đã và đang là lực cản đối với việc phát huy các giá trị di sản thế giới, ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững tại các khu vực di sản thế giới ở Việt Nam.
Để phát huy giá trị của các di sản thế giới tại Việt Nam phục vụ phát triển du lịch, Dự án đã đề xuất một số giải pháp về quản lý, mô hình và tổ chức như việc thành lập Ủy ban Di sản thế giới tại Việt Nam, xây dựng quy định về quản lý và phát triển du lịch cụ thể tại từng khu vực có di sản, xây dựng các biện pháp an toàn cho khách du lịch, quy định kinh doanh dịch vụ du lịch, hướng dẫn cộng đồng tham gia hoạt động du lịch, phối hợp đa ngành trong quản lý phát triển du lịch… Kết quả nghiên cứu và những đề xuất nêu ra trong Dự án đã được nhiều đại biểu tham dự hội nghị đánh giá cao, góp phần quan trọng trong quá trình quản lý, kinh doanh, phát triển du lịch tại các khu di sản thế giới ở Việt Nam.
Bài và ảnh: HẢI DƯƠNG