Quản lý Nhà nước đối với hoạt động thương mại, du lịch
Quản lý Nhà nước đối với hoạt động thương mại, du lịch
Thứ ba, 21/03/2006 | 14:09 GMT+7
Ở Việt Nam, từ Đại hội VI đến nay, Đảng ta luôn khẳng định vai trò của Nhà nước trong việc định hướng sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Trước hết, Nhà nước định hướng phát triển kinh tế - xã hội bằng đường lối phát triển kinh tế, dự báo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Nhà nước thiết lập trật tự cho nền kinh tế bằng hệ thống pháp luật và các văn bản dưới luật, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.
Thông qua các chính sách, công cụ kinh tế vĩ mô như: ổn định tiền tệ, kiềm chế lạm phát, cân bằng cán cân thanh toán trong nước và quốc tế, Nhà nước điều tiết và bảo đảm kinh tế tăng trưởng bền vững, ổn định. Kết cấu hạ tầng như hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế chủ yếu do Nhà nước đầu tư hoặc tạo cơ chế, chính sách thông thoáng để các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư, xây dựng.
Quản lý nhà nước về thương mại, du lịch là sự quản lý của Nhà nước đối với toàn bộ hoạt động thương mại, du lịch trong nền kinh tế quốc dân bằng pháp luật, chính sách, công cụ, môi trường, lực lượng vật chất và tài chính, tín dụng đối với tất cả các thành phần kinh tế. Thực chất của chức năng quản lý nhà nước về hoạt động thương mại, du lịch là tạo ra và thực hiện một cơ chế hay phương thức quản lý cho tất cả các thành phần kinh tế nhằm bảo đảm sự phát triển thương mại, du lịch theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đổi mới quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại, du lịch cho phù hợp với yêu cầu mới của cơ chế thị trường và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế là vấn đề còn rất mới mẻ đối với Việt Nam. Mặt khác, hoạt động thương mại, du lịch với tư cách là đối tượng quản lý lại đang trong quá trình đổi mới, hình thành, phát triển và hoàn thiện. Trong thời gian qua, nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, các nhà kinh tế và quản lý đang góp phần xác định một cách đúng đắn, có cơ sở khoa học về các chức năng và nội dung của quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại, du lịch trong bước chuyển sang cơ chế thị trường. Điều rất quan trọng là trong thời gian gần đây, Bộ Thương mại và Tổng cục Du lịch đã và đang tổ chức các cuộc hội thảo, các đề tài nghiên cứu khoa học để ngày càng hoàn thiện chức năng quản lý nhà nước về thương mại, du lịch ở địa phương. Nhờ đó việc xác định đúng đắn và hoàn thiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động thương mại, du lịch sẽ có cơ sở khoa học và thực tiễn hơn.
Nội dung cơ bản của quản lý nhà nước ở cấp tỉnh đối với hoạt động thương mại, du lịch được quy định tại Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật Thương mại và Luật Du lịch. Cụ thể là:
- Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại, du lịch.
- Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển hoạt động thương mại, du lịch phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội cả nước và của địa phương. Tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển thương mại, du lịch sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tham gia hợp tác quốc tế về thương mại, dịch vụ, du lịch theo quy định của pháp luật.
- Xây dựng kế hoạch thương mại, du lịch hằng năm của cả nước, của địa phương; trên cơ sở kế hoạch để chỉ đạo hoạt động thương mại, du lịch và hướng dẫn điều tiết các thành phần kinh tế khác hoạt động theo kế hoạch định hướng đề ra.
- Cấp, thu hồi giấy phép kinh doanh du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, khách sạn, lữ hành nội địa của tỉnh theo quy định của pháp luật. Tổ chức quản lý xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật; chỉ đạo công tác quản lý thị trường. Quy định các quy tắc về an toàn và vệ sinh trong hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch.
- Tổ chức thực hiện các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng thuộc diện ảnh hưởng chính sách ưu đãi trên địa bàn, đặc biệt là việc cung ứng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất các hoạt động thương mại, du lịch trong việc chấp hành các chính sách pháp luật của Nhà nước quy định nhằm đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh trái phép, gian lận thương mại và những biểu hiện tiêu cực trong quản lý và kinh doanh thương mại, du lịch.
- Tổ chức thu thập, cung cấp thông tin về thị trường, về cung cầu hàng hóa, về xu thế phát triển của du lịch thế giới, khu vực và trong nước, tổ chức các hoạt động về thương mại, du lịch.
(còn nữa)
Ths. NGUYỄN MINH ĐỨC
Trưởng Ban quản lý Khu Trung tâm
du lịch sinh thái Mộc Châu (Sơn La)