
Thay mặt Ban Quản lý (BQL) Dự án, đồng Giám đốc Vũ Quốc Trí trình bày: trong năm 2005, BQL đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều mặt hoạt động để đáp ứng yêu cầu của tiến độ Dự án, hoàn thành cơ bản những mục tiêu đề ra. Đến nay, Dự án đã thiết lập cơ chế làm việc linh hoạt và kiện toàn bộ máy tổ chức của BQL; phát triển mối quan hệ hợp tác với nhiều đối tác như Hội đồng cấp chứng chỉ nghề du lịch (VTCB), Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA)…; triển khai hoạt động đào tạo của Dự án bằng việc ký kết thỏa thuận hợp tác với các trường đào tạo về du lịch ở ba miền; xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và chứng chỉ nghề; tổ chức các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế; tổ chức 12 khóa đào tạo đào tạo viên cho 240 học viên, qua đó lựa chọn để tiếp tục đào tạo thành các thẩm định viên; xây dựng quy trình đăng ký cấp chứng chỉ kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam; hỗ trợ cho đoàn cán bộ trong Ngành đi bồi dưỡng nghiệp vụ ở nước ngoài; hỗ trợ trang thiết bị cho 15 Sở quản lý nhà nước về du lịch các địa phương…
Với phương châm chủ đạo là chất lượng – tính khả thi – tính bền vững, hoạt động của BQL Dự án năm 2006 sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ và kỹ năng nghề, phù hợp với hệ thống mặt bằng nghề chung với các nước trong khu vực; tổ chức 70 khóa đào tạo đào tạo viên với số lượng khoảng 2.400 học viên; hình thành và vận hành cơ sở dữ liệu VTCB – VTOS; hoàn thiện tài liệu của 13 chuẩn nghề du lịch; nghiên cứu quá trình phát triển nguồn nhân lực du lịch của các quốc gia trong khu vực, từ đó rút ra những kinh nghiệm cần thiết cho công tác đào tạo tại Việt Nam… Theo ông Jozef Van Doorn - đồng Giám đốc Dự án, để đạt được những mục tiêu nêu trên, BQL Dự án sẽ tập trung điều chỉnh các hoạt động đào tạo, xác định rõ nhu cầu đào tạo của thị trường, mở rộng chương trình đào tạo, cân đối lại lượng thời gian làm việc của các chuyên gia quốc tế, giám sát tiến độ thực hiện một số hoạt động nhằm đảm bảo chất lượng của Dự án…
Thay mặt Ban Chỉ đạo Dự án, PGS. TS Vũ Tuấn Cảnh – Trưởng Ban đã nhấn mạnh, năm 2006 là năm cần đi sâu vào chất lượng hoạt động, vì vậy BQL Dự án cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nhằm góp phần xây dựng nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam có đủ khả năng và trình độ chuyên môn, đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của du khách. BQL Dự án cần cân đối lại về mặt thời gian cho các lớp tập huấn nghiệp vụ, xây dựng cơ chế giám sát tiến độ giải ngân chặt chẽ, tổ chức các cuộc hội thảo để thẩm định các chương trình đào tạo và chuẩn nghề do chuyên gia quốc tế xây dựng nhằm phù hợp với thực tế hoạt động du lịch ở Việt Nam, mỗi giai đoạn cần có sơ kết để rút ra những kinh nghiệm cần thiết để triển khai các mặt công tác tốt hơn vào những năm sau...
LÊ HẢI