Cùng với các chính sách của Nhà nước và sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế, việc triển khai các dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới trong thời gian qua đạt hiệu quả tốt, là tiền đề để các địa phương mở ra nhiều hoạt động du lịch có sức thu hút lớn như Festival Huế, đêm rằm phố cổ Hội An, đêm hoàng cung Huế, Năm Du lịch Hạ Long, Năm Du lịch Quảng Nam…
Trong công tác quy hoạch du lịch, các di sản thế giới của nước ta luôn đóng vai trò quan trọng để phát triển thành các khu, điểm du lịch có ý nghĩa quốc gia và quốc tế. Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, PGS. TS. Phạm Trung Lương phát biểu tại Hội thảo Quản lý, bảo tồn và phát triển du lịch tại các di sản thế giới ở Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổ chức hợp tác quốc tế Tây Ban Nha (AECI) và UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp tổ chức tại khu du lịch Sun Spa, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình: quy hoạch cụ thể cho phần lớn các di sản vẫn chưa được thực hiện một cách hệ thống. Quy hoạch du lịch hiện nay mới chỉ được tiến hành cho một số điểm cụ thể trong khu vực di sản nơi có dự án đầu tư. Năng lực quản lý di sản còn hạn chế dẫn tới việc phát triển du lịch kém bền vững, những giá trị của di sản bị tác động bởi chính hoạt động du lịch. Hầu hết sản phẩm du lịch tại các di sản thế giới của nước ta còn đơn điệu, mới chỉ dừng lại ở việc tham quan mà chưa có các sản phẩm đặc trưng có chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu của du khách. PGS. TS. Nguyễn Quốc Hùng – Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng mỗi di sản thế giới của Việt Nam là những tổng thể giá trị rất đa dạng về nội dung, loại hình, quy mô. Ngay trong chính từng loại hình di sản lại có những nét khác nhau, được công nhận theo những tiêu chí khác nhau. Đó là còn chưa nói tới tác động tiêu cực của các hoạt động kinh tế, trong đó có du lịch tới di sản. Do vậy, việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản bền vững là một nhiệm vụ rất phức tạp.
Nhằm quản lý, bảo tồn và phát triển du lịch bền vững ở các di sản thế giới tại Việt Nam, nhiều đại biểu thống nhất cho rằng cần làm tốt công tác quy hoạch du lịch gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Các quy hoạch này phải hỗ trợ cho nhau theo nguyên tắc đảm bảo sự hài hoà giữa bảo tồn và phát triển. Song song với công tác quy hoạch, ngành Du lịch và chính quyền địa phương cần hoàn thiện mô hình quản lý ở các di sản với chức năng và nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, cần quy định cụ thể tỷ lệ đóng góp kinh phí cho hoạt động bảo tồn giá trị di sản từ thu nhập du lịch. Để hạn chế những tác động tiêu cực đến di sản cần tăng cường phổ biến, giới thiệu cho nhân dân địa phương các văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Mặt khác, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa hai nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về Văn hoá và đầu tư phát triển du lịch để các di sản trở thành một công trình văn hoá hoàn chỉnh, phục vụ tốt cho phát triển du lịch./.
Việt Nam hiện có 7 di sản văn hoá và thiên nhiên được UNESCO công nhận là Di sản thế giới gồm vịnh Hạ Long, cố đô Huế, phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, nhã nhạc cung đình Huế và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ngoài ra, Việt Nam còn có một số di sản được đưa vào đăng ký bước đầu và đang xúc tiến lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là chùa Hương, vườn quốc gia Cúc Phương, các đền thờ Hoa Lư, hồ Ba Bể, bãi đá cổ Sapa, ca trù, quan họ, múa rối nước… |
HẢI DƯƠNG