Tương truyền, Phúc Thượng là anh và Phúc Hạ là em, thờ chung cụ tổ họ Nguyễn từ xưa. Anh thì nấu rượu và luyện tập võ vật phò vua giúp nước, em thì tráng bánh, làm đậu phụ và múa hát chèo để khao quân vào các thời vua Lý, vua Trần…
Cho đến bây giờ, chưa có tài liệu hay một người dân Hợp Lý nào khẳng định được rượu Phúc Thượng xuất hiện từ bao giờ, nguồn gốc từ đâu, chỉ biết rằng nó đã có rất lâu rồi.
Đặc trưng của rượu Phúc Thượng là được làm từ gạo nếp, men thuốc Bắc và được chưng cất bằng nồi đồng, ống tre. Men được làm từ bột gạo tẻ pha trộn với 36 vị thuốc Bắc như: đại hồi, quế chi, đẳng sâm, quy thục, bạch truật… rồi đem ủ khoảng 30 tiếng ở nơi râm mát, sau đó nặn thành từng nắm nhỏ, lăn qua trấu và đem phơi nắng nhẹ khoảng 1 tuần. Men là thành phần quan trọng, quyết định chất lượng rượu nên khâu ủ men luôn được chú trọng đặc biệt. Men càng phồng, xốp, nhẹ thì rượu càng ngon. Ở Phúc Thượng, những gia đình nấu rượu không cắt các vị thuốc Bắc về tự làm men như ở làng Bèo (Duy Tiên) mà men được cung cấp bởi các hộ chuyên sản xuất từ lâu đời. Các công đoạn nấu rượu rất công phu, đòi hỏi người sản xuất phải có sự kết hợp khéo léo, nhịp nhàng, uyển chuyển. Rượu được nấu từ gạo nếp lứt (chỉ xay bỏ trấu chứ không bỏ mầm và cám của hạt gạo bên trong) loại ngon, không bị pha tạp. Rượu Phúc Thượng trong vắt như nước mưa, có mùi thơm dịu ngọt, đậm đà của vị thuốc Bắc. Khi lắc chai rượu thấy có nhiều bọt tăm sủi lên rất lâu. Nồng độ rượu từ 50 đến 52 độ, khi đốt cháy có ngọn lửa màu xanh. Người dân nơi đây thường dùng rượu để nướng mực hoặc hâm nóng lại thực phẩm cỗ bàn ngày đông. Điều đáng nói là tuy nồng độ rượu cao nhưng không gây mệt mỏi, nhức đầu. Hầu hết các gia đình ở Phúc Thượng trong nhà đều có bình rượu ngâm. Không chỉ các đấng mày râu nhâm nhi 1 - 2 li rượu cho “giãn xương, giãn cốt” trong bữa ăn mà chị em ở vùng quê này cũng biết thưởng thức rượu.
Từ Phủ Lý, đi dọc theo ven sông Châu, tới chợ Phúc cũng là đặt chân tới đầu xã Hợp Lý. Nơi đây bày bán nhiều loại quà bánh đậm chất thôn dã như: bánh đa quạt, bánh uôi, đậu phụ, bánh đa canh… Chợ Phúc không chỉ là nơi mua bán, trao đổi, giao lưu của riêng người dân Hợp Lý mà còn thu hút được đông đảo người dân các huyện khác và du khách có dịp đi qua. Chợ họp quanh năm vào các buổi sáng, nhưng phiên chính thì một tháng có 18 phiên. Quà bánh ở đây vừa ngon lại rẻ, người bán hàng niềm nở, thân mật, không nói thách nên khách mua rất có cảm tình.
Đặc sản ở chợ Phúc là bánh đa canh, được làm từ loại gạo ngon đem xát trắng, vo sạch, ngâm trong nước khoảng 1 - 2 tiếng rồi xay thành bột nước. Để bánh đa có độ dẻo, người dân Phúc Hạ thường cho thêm một ít cơm đã nấu chín vào xay cùng cho thật nhuyễn. Để có được mẻ bánh đa ngon đòi hỏi các công đoạn sản xuất phải phối hợp nhịp nhàng, đều đặn. Bánh đa ngon là bánh mỏng, có độ tráng chín vừa tới, khi nấu lên nước trong, không chuyển màu nước gạo, ăn có cảm giác dai, mùi vị thơm tự nhiên. Các cơ sở sản xuất bánh đa ở Phúc Hạ đều không cho thêm bất kì loại phụ gia nào nên người tiêu dùng rất yên tâm về vấn đề an toàn thực phẩm. Mỗi ngày, Phúc Hạ xuất ra ngoài thị trường trung bình từ 3 - 4 tạ bánh đa canh…
Bên cạnh bánh đa canh còn phải kể tới bánh đa quạt Phúc Hạ. Bánh đa quạt Phúc Hạ được rắc rất nhiều vừng nên khi ăn vừa bùi, vừa ngậy, lại giòn thơm, đậm đà. Món quà quê này thường được chị em kết hợp ăn với bánh uôi hoặc cùi dừa rất ngon miệng. Còn trong những bữa cơm thường nhật hoặc khi bạn bè thân hữu tụ tập, các đấng nam nhi thường uống rượu cùng với bánh đa. Chất êm say, dịu ngọt của rượu Phúc Thượng hòa quyện cùng vị bùi ngậy của bánh đa Phúc Hạ khiến bữa ăn thêm phần ấm cúng, tình bằng hữu cũng thêm khăng khít…
Hoàng Oanh