Xã Châu Phong có gần 500 hộ đồng bào Chăm sống dọc theo hai bên bờ kênh Vĩnh An, trong đó có hơn một nửa sinh sống bằng nghề thủ công mỹ nghệ như dệt, thêu, đan… Sản phẩm thủ công chủ yếu là vải thổ cẩm, áo choàng, sarông, khăn quấn cổ - đội đầu, các mặt hàng lưu niệm… Vải vóc của phụ nữ Chăm được dệt bởi chất liệu tơ, sợi, với hoa văn tinh tế, nhuộm bằng chất liệu thiên nhiên nên màu sắc đẹp và lâu phai. Chính nhờ bí quyết này mà sắc màu thổ cẩm ở Châu Phong tươi và sống động hơn sản phẩm cùng loại ở nơi khác.
Đến với ấp Phũm Soài (xã Châu Phong), du khách bắt gặp những ngôi thánh đường uy nghi, bề thế. Cơ sở dệt thổ cẩm của Hợp tác xã Châu Giang đặt tại nhà Mohamet. Trong một gian nhà sàn, có nhiều khung dệt thủ công khá lạ mắt, Sary Giác và Mary là hai cô gái Chăm đang miệt mài dệt thổ cẩm. Sari Giác cho biết nhà cô cũng gần đây, cô học dệt thổ cẩm từ lúc 15 tuổi. Mary và Sari Giác se, nối sợi một cách thuần thục. Bàn tay của các cô thoăn thoắt thao tác thật nhuần nhuyễn trên khung dệt. Những âm thanh của các khung gỗ chạm vào nhau lắc cắc nghe vui tai. Những tấm thổ cẩm với nhiều hoa văn đẹp đã hình thành từ nơi đây bởi đôi bàn tay khéo léo của các cô gái Chăm đất Châu Giang. Sản phẩm dệt thổ cẩm của Châu Giang có mặt ở nhiều nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, Canada. Đặc biệt, hai mặt hàng ikat vân mây và thổ cẩm bông dâu bán rất chạy.
Đã có nhiều đoàn khách đến tham quan, nghiên cứu. Họ rất thích thú tìm hiểu về đời sống, phong tục, tập quán của cộng đồng người Chăm. Từ cơ sở đó, năm 2008, Trung tâm thông tin Du lịch cộng đồng Châu Phong được thành lập. Trung tâm này hướng dẫn và tổ chức cho du khách tham quan các nơi như: thánh đường Hồi giáo, đình cổ Châu Phong, làng Chăm, nhà Chăm cổ; tham quan các trò chơi như đẩy cây, đua ghe ngo, xem múa quạt…
Mohamad giới thiệu với chúng tôi chị Mahriêm là nghệ nhân xuất sắc của Hợp tác xã dệt Châu Giang. Năm 2007, Mahriêm đã một mình mang khung dệt thổ cẩm của Châu phong sang Mỹ tham gia biểu diễn trong lễ hội dân gian Smithsonian. Nghệ nhân Mahriêm cho biết cô học nghề lúc mới 12 tuổi, năm nay 38 tuổi, đã có 26 năm thăng trầm với nghề dệt thổ cẩm.
Tết Nguyên đán cổ truyền của người Việt đến, những người Chăm ở Châu Giang cũng tất bật chuẩn bị hòa cùng không khí xuân của cả nước. trong đó, việc chuẩn bị món ăn là công phu và bận rộn nhất, bữa tết đãi khách của người Chăm Châu Phong không thể thiếu món “tung lò mò” (lạp xưởng bò). Những ngày đầu xuân, đến với làng Chăm Châu Giang là một trong những trải nghiệm không thể quên của du khách ở miền sông nước Cửu Long.
Đặng Hoàng Thám
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)