Không chọn mùa lúa chín, cuối tháng 9, chúng tôi đến Pù Luông khi các khu ruộng bậc thang mang một màu xanh mát. Theo người dân ở đây, khoảng 10 ngày nữa mọi thứ sẽ chuyển sang một màu vàng rực rỡ. Cảnh sắc Pù Luông khi đó sẽ rất ấn tượng.
Để đi đến Pù Luông, bạn có thể đi thành một cung đường vòng tròn để tránh đi và về trên cùng một đường. Từ Hà Nội đi theo đường QL6 đi Hòa Bình, lựa chọn một trong 2 đường qua thung lũng mây Lũng Vân hoặc qua Bản Lác Mai Châu rồi tới Pù Luông. Quãng đường đi khoảng 200km, thời gian di chuyển đường đèo rơi vào 4 -5 tiếng. Khi về từ Pù Luông các bạn đi theo QL15C và QL217 về suối cá thần Cẩm Lương, từ đây chạy men theo đường Hồ Chí Minh về đến ngã tư Xuân Mai (QL6) về lại Hà Nội.
Chúng tôi lựa chọn cung đường đến “thiên đường xanh” Pù Luông là đường 15C đi qua Lũng Vân. Một cung đường nhỏ, quanh co đèo dốc y như các tỉnh phía Tây Bắc, cảnh sắc 2 bên đường hùng vĩ và hoang sơ. Đoạn đường tuy hơi khó đi vì độ dốc cao, cung đường ngoằn nghèo, đường xấu, nhưng bù lại bạn sẽ được đi xuyên qua cánh rừng với thảm thực vật phong phú, những vạt tre, nứa, thông… đẹp như trong phim. Một không gian trong lành, thoáng đãng, yên ả tới mức chỉ muốn nhảy múa, hát ca. Trên đường đèo bạn cũng có thể chiêm ngưỡng được những vạt mây đang ôm trọn lấy thân núi xung quanh và mơ màng lớp sương sớm dưới thung lũng bên dưới đèo. Bất cứ lúc nào giơ máy lên cũng được góc ảnh đẹp, khung hình lãng mạn.
Đến với Pù Luông những bon chen, bừa bộn, khói bụi của cuộc sống đời thường không còn nữa, thay vào đó là không khí trong lành, mát mẻ, dễ chịu. Sâu thẳm tâm hồn bạn sẽ thực sự hòa mình vào thiên nhiên bình yên đến lạ.
Nhìn từ trên cao xuống, khung cảnh hiện ra với vẻ đẹp hút hồn, những ngôi nhà sàn nằm sát dưới chân núi bên những ruộng lúa, nương ngô, nương sắn. Bao quanh bản là một màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Người dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng lúa, ngô, sắn… sản phẩm làm ra cũng chỉ phục vụ cho bữa cơm hằng ngày.
Trước đây Pù Luông là điểm đến của nhiều du khách nước ngoài và các nhóm nhỏ đi phượt, hiện nay, Pù Luông được nhiều người biết đến hơn nhờ những góc hình sống ảo lung linh của PuLuong Retreat chia sẻ trên mạng, một điểm đến giờ hầu như không còn phòng trống vào dịp cuối tuần.
Tuy nhiên bạn còn có có thể lựa chọn rất nhiều homestay của người dân ở Pù Luông (nằm ở địa bàn các xã Cổ Lũng, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Cao của huyện Bá Thước, Thanh Hóa) để nghỉ lại. Và bạn sẽ được trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương, ăn và thưởng thức các món đặc sản do chính người dân ở đây chuẩn bị, được hòa mình với thiên nhiên cỏ cây, trò chuyện với người dân chất phác, hiếu khách…
Chúng tôi chọn Bản Hiêu là một bản người Thái nằm bên bờ suối Hiêu bắt nguồn từ trên đỉnh Pù Luông để nghỉ lại. Bản gồm hơn trăm nóc nhà nằm rải rác dọc theo hai bên bờ suối. Cứ mỗi khi có một ghềnh thác đẹp, những nóc nhà sàn lại dày hơn tạo nên một khung cảnh suối thác – nhà sàn đẹp như tranh thủy mặc. Cả khúc suối tính từ đầu bản đến cuối bản chỉ chừng gần cây số nhưng có tới 5 thác nước, thác nào cũng đẹp và chẳng thác nào giống thác nào. Vì vậy, người dân trong bản gọi chung tất cả những thác nước ấy là thác Hiêu và thân thương gọi con suối ấy với tên gọi “dòng Hiêu” chứ không gọi là suối Hiêu như cách thông thường.
Thức dậy sớm nhẹ nhàng đi trên con đường ra đồng, đón làn mây bay ùa vào người, chạm tay vào từng cây lúa còn đọng giọt sương sớm... là những giây phút thảnh thơi hiếm có trong những ngày bình thường của bạn. Thêm một trải nghiệm tuyệt vời nữa khi bạn cảm nhận những tia nắng ấm đầu tiên chạm vào người, ngắm nhìn cuộc sống bình dị của người dân nơi đây.
Hai ngày cuối tuần, bỏ lại bụi bặm, lo toan nơi thị thành, bạn hãy đến Thiên đường xanh Pù Luông.
Nguồn: haiquanonline.vn