Xu hướng của thị trường khách du lịch phượt
Theo các học giả trên thế giới, đặc điểm nổi bật nhất của những backpacker là họ quan tâm nhiều nhất đến sự trải nghiệm, mong muốn được trải nghiệm tất cả; họ muốn là một phần của địa phương và văn hóa thế giới và cho rằng đây mới chính là những thành quả đạt được của chuyến đi. Theo xu hướng, backpacker thường di chuyển nhiều hơn và rộng hơn những khách du lịch thông thường khác, tìm kiếm những điều khác biệt hoặc ra khỏi những khung đường, kinh nghiệm du lịch bình thường. Về chi tiêu, backpacker thường tự hạn chế một khoản ngân sách cố định do thời gian đi du lịch dài ngày của họ. Những hoạt động giải trí của họ thường liên quan tới thiên nhiên (leo núi, đi bộ trong rừng), văn hóa (ở homestay), hoặc mạo hiểm (trèo bè vượt sông, cưỡi lạc đà). Họ có xu hướng tập trung ở các khu trọ bình dân ngay trong khu dân cư để có thể trải nghiệm về đời sống thường nhật của dân cư địa phương…

Phương tiện ưa thích của dân phượt Việt Nam thường là xe máy bởi sự linh hoạt, tiện lợi của loại phương tiện này dễ dàng cho việc đi qua những địa hình hiểm trở... Ngoài ra, khách cũng có thể kết hợp các loại phương tiện với nhau trong suốt chuyến đi như ô tô, máy bay, tàu hỏa. Do tính mạo hiểm (nhiều cấp độ) của loại hình du lịch này nên trên thực tế, dân phượt có hiểu biết và kinh nghiệm luôn có kế hoạch, lộ trình rất chặt chẽ và tỉ mỉ nhằm giảm thiểu chi phí và nâng cao độ an toàn cho mỗi chuyến đi. Họ chủ yếu lưu trú trong nhà khách, khách sạn thường, ở nhà bạn bè người thân, ở homestay và đôi khi là cắm trại ngoài trời tùy vào chuyến đi.
Phần lớn các chuyến đi phượt hiện nay kéo dài từ 3-12 ngày, hoặc có thể lâu hơn nữa với các chuyến đi xuyên Việt của những người đi phượt kỳ cựu. Với nhân viên văn phòng, họ thường tận dụng các ngày nghỉ cuối tuần để đi, hoặc các kỳ nghỉ nhân dịp lễ.
Theo kết quả điều tra của đề tài, chi phí trung bình cho một chuyến 2 khách đi 4 ngày khách chi tiêu khoảng 2,6 triệu đồng chủ yếu dùng cho đi lại, lưu trú, ăn uống, vui chơi, mua quà. Tuy nhiên, cũng có những nhóm khách phượt có mức chi tiêu rất cao khoảng từ 10 - 15 triệu đồng cho một chuyến 2 - 3 khách đi trong 3-4 ngày, chủ yếu tập trung vào nhóm khách văn phòng có thu nhập cao và làm từ thiện nhiều (chi phí chủ yếu gồm làm từ thiện).
Khách đi du lịch phượt chủ yếu đến từ các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng…
Điểm du lịch của khách phượt rất đa dạng, từ miền núi, đồng bằng, biên giới hay vùng biển nhưng vùng đồi núi là được ưa thích hơn cả bởi địa hình khó khăn, những cung đường quanh co khiến họ có thể khẳng định bản thân và cảm thấy tự do thoái mái.
Mùa du lịch của khách phượt có thể quanh năm, nhưng mùa đẹp nhất của các điểm du lịch có thể thu hút được nhiều dân phượt hơn là vào: tháng 9 (mùa lúa chín ở các ruộng bậc thang Tây Bắc), giữa tháng 10 trở đi đến đầu tháng 11 (mùa hoa tam giác mạch ở Hà Giang), tháng 11-12 (mùa hoa cải trắng ở Mộc Châu), tháng 1-2 (hoa mận trắng nở rộ các buôn làng vùng cao hay mùa hoa dã quỳ ở Đà Lạt)...
Thị trường khách du lịch phượt đang ngày một phát triển ở Việt Nam với xu hướng mở rộng về thành phần, từ những người có cùng sở thích như chụp ảnh, thể thao mạo hiểm đến các nhóm thanh niên, trung niên, nhân viên văn phòng muốn thoát khỏi không khí ngột ngạt để thỏa sức khám phá, tận hưởng, trải nghiệm theo phong cách riêng... Từ đây các phân đoạn thị trường hẹp hơn được hình thành.
Vai trò của thị trường phượt trong phát triển Du lịch Việt Nam
Du lịch nội địa được định hướng phát triển trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam trong mọi thời kỳ, giai đoạn 2001 - 2010 và 2011 đến 2020, tầm nhìn 2020 với vị trí quan trọng hàng đầu.
Du lịch phượt mặc dù mới phát triển ở Việt Nam, số lượng chưa lớn nhưng lại “sâu”, có nghĩa là số lượng khách và lượng chuyến đi ít nhưng thời gian dài và mức độ tìm hiểu, khám phá các điểm đến lại kỹ lưỡng. Thị trường này có thể có nhiều tác động tích cực và tiêu cực khác nhau đối với sự phát triển du lịch cũng như đối với các điểm đến. Chính vì vậy, phân đoạn thị trường này có khả năng tác động không nhỏ tới thị trường du lịch nội địa nói riêng và Du lịch Việt Nam nói chung.
Định hướng thị trường tại Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030 tập trung ưu tiên các phân đoạn thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng, cuối tuần, khuyến thưởng và lễ hội, tâm linh, bên cạnh đó là định hướng khuyến khích mở rộng các phân đoạn thị trường khách du lịch chuyên biệt, kết hợp công vụ. Thị trường khách du lịch chuyên biệt được định hướng gồm các nhóm khách theo cùng sở thích đặc biệt và nhóm khách theo cùng nhu cầu cá biệt. Phân đoạn thị trường khách phượt nằm trong nhóm khách có cùng sở thích đặc biệt.
Nhận biết về đặc điểm và xu hướng thị trường khách phượt trên thế giới và ở Việt Nam, căn cứ tình hình phát triển Du lịch Việt Nam, có thể nhận thấy một số vai trò tích cực của phân đoạn này như sau:
Nhiều nhóm du lịch phượt thực hiện tốt trách nhiệm trong sử dụng, tiêu dùng tài nguyên, ứng xử phù hợp với cộng đồng, tiêu dùng hợp lý tài nguyên và ngân sách, hỗ trợ cho cộng đồng dân cư, bảo vệ tài nguyên tự nhiên trong quá trình đi phượt, có khả năng định hướng, dẫn dắt các thị trường khác. Có thể là nhóm dẫn đầu thực hiện phát triển du lịch có trách nhiệm.
Giới thiệu được những trải nghiệm mới mẻ. Thị trường này tìm kiếm những giá trị trải nghiệm mới mẻ và có khả năng lan tỏa, giới thiệu về xu hướng trải nghiệm này.
Có khả năng tham vấn về các giá trị của tài nguyên du lịch, tìm kiếm các giá trị sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch.
Có khả năng làm thay đổi các định hướng về tính thẩm mỹ, tiêu dùng du lịch vì hầu hết các nhóm phượt tìm đến những điểm còn hoang sơ và thông qua chia sẻ thông tin lan tỏa làm nổi bật những nét đẹp của các vùng còn hẻo lánh.
Cũng thông qua đặc điểm du lịch như vậy của họ, họ có khả năng đóng góp và việc tăng cường quảng bá cho lòng yêu quê hương, đất nước; giới thiệu các vẻ đẹp đất nước, con người, điểm đến mới.
Vì khách phượt cũng thường muốn tìm hiểu kỹ lưỡng về cuộc sống bản địa nên họ cũng có thể quảng bá các giá trị về lối sống, văn hóa bản địa một cách sâu sắc.
Bên cạnh những tác động tích cực có thể mang tới, phân đoạn này cũng có một số tác động tiêu cực cần được nghiên cứu như:
Ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân bản địa bởi việc đi sâu tìm hiểu, có khả năng làm biến đổi lối sống và mang đến văn hóa du nhập.
Làm mất đi sự hoang sơ của tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường sống hoang dã của một số loài động, thực vật.
Làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên như việc vứt rác bừa bãi sau các buổi cắm trại, nghỉ giữa đường trong mỗi chuyến đi… (chai lọ, túi nilong, thức ăn thừa…).
Làm hao mòn hoặc mất đi một số tài nguyên nhân văn của người dân bởi ý thức của một bộ phận người đi phượt chưa cao.
Như vậy, có thể thấy thị trường khách phượt đang nổi lên như một phân đoạn thị trường quan trọng và đáng quan tâm trong xu thế phát triển của thị trường khách du lịch nội địa ở Việt Nam. Không chỉ ở trong nước mà hiện nay, xu hướng và đặc điểm đi du lịch này cũng đang bắt đầu được áp dụng khi du lịch ra nước ngoài. Phân đoạn thị trường này cần được nghiên cứu để định hướng nhằm tăng cường các tác động tích cực và cũng cần phải được quan tâm để đáp ứng với các biện pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực cho phát triển du lịch Việt Nam. Các giải pháp ban đầu có thể gồm:
Sở Giao thông đường bộ các địa phương có khách du lịch phượt hay tới cần quan tâm lắp đặt các biển báo nguy hiểm tại các điểm du lịch mạo hiểm, để phòng tránh tai nạn.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương cần có biện pháp quản lý được lượng khách du lịch phượt đến địa phương (như quản lý qua các cơ sở lưu trú, qua các điểm du lịch…)
Cần phát triển và quản lý các loại hình homestay tại một số địa phương có nhiều khách du lịch phượt đến.
Phần lớn khách phượt đều thấy khó trong tìm kiếm thông tin về điểm đến chính vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ, mở rộng các hoạt động của các diễn đàn tích cực và có nhiều khách phượt tham gia như: phượt.vn, blog du lịch…sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phát triển thị trường này.
Năm 2013, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã thực hiện nghiên cứu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, trong đó khái niệm “du lịch phượt” được xác định là một loại hình du lịch mà khách du lịch tự chọn phương tiện, bạn đường phù hợp và vạch ra lộ trình đi riêng của mình, không bị khống chế bởi thời gian. Mục đích hàng đầu của khách du lịch phượt là thích khám phá thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa, tiếp đến là các mục đích khác như: để được tự do, thoải mái; thử thách bản thân, phục vụ sở thích riêng biệt, nghỉ ngơi và tham gia tình nguyện, để tiết kiệm chi phí du lịch... |
TS. Đỗ Cẩm Thơ*
CN. Đinh Thị Thanh Hiền*
Nguồn: Tạp chí Du lịch